Đồ chơi không rõ nguồn gốc tung hoành căng tin trường tiểu học

10/04/2014 - 10:33

PNO - PN - Dù được cảnh báo là đồ chơi không rõ nguồn gốc, có nguy cơ nhiễm các kim loại nặng như chì, thủy ngân, arsenic… gây hại cho sức khỏe của trẻ em, nhưng ngay trong căng tin của nhiều trường tiểu học ở TP.HCM vẫn bày bán tràn lan...

edf40wrjww2tblPage:Content

Do choi khong ro nguon goc  tung hoanh cang tin truong tieu hoc

 Căng tin trường Nguyễn Đình Chiểu (Q.Bình Thạnh) bán nhiều loại đồ chơi in tiếng Trung Quốc

Tràn lan đồ chơi độc hại

Tiếng trống trường tiểu học (TH) Mê Linh (Q.1) vừa điểm, một bé gái vừa đi vừa vòi vĩnh mẹ: “Mẹ mua cho con mấy chùm “tóc tiên” để gắn vào tóc cho đẹp đi”. Dẫn mẹ đến căng tin, cô bé chỉ vào mớ “tóc tiên” là những sợi cước mảnh như sợi tóc, được tết thành từng chùm đựng trong túi ni lông. Mỗi túi có năm chùm “tóc” đủ các màu đỏ, nâu, đen, vàng nhạt, vàng đậm, nâu hạt dẻ. Ở đầu mỗi chùm tóc có một khoanh kim loại hình xoắn ốc, đính thêm hai hạt “kim cương” lấp lánh. Ngoài dòng chữ “made in China”, trên bao bì không có bất kỳ thông tin nào về sản phẩm. Giá mỗi túi chỉ 5.000đ.

Căng tin này còn bán nhiều món đồ chơi độc và lạ, xuất xứ không rõ ràng như những con bạch tuộc, chuột được làm từ nhựa dẻo, giá từ 5.000đ/con trở lên. Người bán hàng giới thiệu: “Khi ném vào bề mặt như kính, gạch men, bảng từ… con thú này sẽ bẹp dí lại trông rất tội nghiệp”. Khi cầm, những con thú này rất mềm, nhơn nhớt, mùi nhựa hăng hắc. Những quả trứng đồ chơi cũng thu hút khá đông khách hàng nhí, vì khi ném quả trứng sẽ tóe ra lòng trắng, lòng đỏ, nhưng gom lại chúng sẽ trở lại hình dạng quả trứng nguyên vẹn.

Cứ đến giờ chơi và giờ tan học là nhân viên căng tin ở trường TH Lạc Long Quân (Q.11) bày ra hàng loạt đồ chơi để đón các “thượng đế” nhí. Hầu hết những món đồ chơi này đều không ghi nguồn gốc rõ ràng ngoài mấy dòng chữ Trung Quốc hoặc “made in China”. Điều đáng nói là chẳng phụ huynh hay học sinh (HS) nào tìm hiểu tác hại hay nguồn gốc.

Ghé vào căng tin trường TH Nguyễn Đình Chiểu (Q.Bình Thạnh), chúng tôi thấy một nhóm HS đang hý hoáy trò chơi “ván trượt siêu hạng”. Vật liệu chỉ là một miếng nhựa hoặc thép nhỏ bằng hai ngón tay, bên dưới có trục thép và bốn bánh xe nhựa. Khi chơi dùng ngón tay ghì lên mặt ván để điều khiển lên xuống, xoay vòng. Giá mỗi cái ván trượt từ 5.000-25.000đ/cái (tùy kích thước lớn, nhỏ). Phụ tùng của món đồ chơi này có nhiều ốc vít nhọn, dây chì… rất nguy hiểm mà Báo Phụ Nữ từng cảnh báo. Ngoài ra, còn có những món trang sức như vòng đeo tay, nhẫn dành cho các bé gái và các món đồ chơi lắp ráp xe, siêu nhân, hình Kitty hoặc công chúa dán tường… đều in tiếng Trung Quốc.

Tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy - giảng viên Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM - cho biết: kết quả kiểm tra của Tổ chức Hòa bình xanh và IPEN cho thấy, 30% đồ chơi Trung Quốc có nhiễm các kim loại nặng như chì, thủy ngân, arsenic (có trong thành phần sơn và màu được sử dụng chế tạo đồ chơi). Nếu trẻ nuốt phải một lượng chì lớn chứa trong các mảnh sơn bong ra từ đồ chơi thì có thể bị thiếu máu, đau bụng nghiêm trọng, yếu cơ, tổn thương não; về lâu dài gây rối loạn hoạt động của các thành phần hóa học cấu tạo nên thận, não và xương, có thể gây tổn hại cho xương và răng, dẫn đến mất khả năng học tập, thiếu tập trung, suy thận và nhiều tác hại khác.

Quan trọng hơn, chất phthalates có trong những loại đồ chơi bằng nhựa không tạo nên bất kỳ liên kết hóa học nào với nhựa nên rất dễ thoát ra ngoài sản phẩm gây ung thư vú, rối loạn nội tiết, rối loạn sinh sản, rối loạn chuyển hóa, có thể gây sẩy thai, quái thai, sinh non, gây rối loạn hormone giới tính (làm trẻ em dậy thì sớm). Ở trẻ em, do hệ thần kinh đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển nên rất dễ bị tổn thương bởi thủy ngân, dẫn đến mất khả năng nhận thức, mất chức năng vận động. Tiếp xúc với arsenic dễ tổn thương da, huyết áp cao. Nếu nhiễm arsenic có liên quan đến chỉ số IQ thấp và rối loạn chức năng thần kinh.

Do choi khong ro nguon goc  tung hoanh cang tin truong tieu hoc

Không khó tìm đồ chơi không rõ nguồn gốc trong căng tin nhà trường

Cấm cũng như không!

Chính từ những tác hại khó lường của đồ chơi không rõ nguồn gốc mà cơ quan chức năng khuyến cáo phụ huynh khi mua đồ chơi cho con cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc, vật liệu và tác dụng phụ... Thậm chí, trường học không được bày bán những sản phẩm đồ chơi độc hại, bạo lực. Nhưng thực tế, việc cấm đoán này cũng như không.

Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 cho biết: những món đồ chơi độc hại, bạo lực, không rõ nguồn gốc đều nằm trong danh sách cấm bày bán trong căng tin và quầy học cụ trong trường học. Trường phải thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra, nghiêm cấm để đảm bảo an toàn cho HS.

Theo ông Trần Khắc Huy - Trưởng phòng Công tác HS-SV, Sở GD-ĐT TP.HCM, trách nhiệm kiểm tra, quản lý đồ chơi bày bán trong khuôn viên trường học thuộc về ban giám hiệu. Trường phải thường xuyên kiểm tra những sản phẩm đồ chơi, thức ăn bày bán trong căng tin để kịp thời xử lý nếu phát hiện vi phạm. Mới đây, Sở GD-ĐT vừa ra thông báo ngăn ngừa sử dụng các thiết bị và đồ chơi không rõ nguồn gốc, có thể gây hại. Theo đó, các trường phải có trách nhiệm phân công người thường xuyên kiểm tra định kỳ các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi bày bán trong căng tin, khu bán hàng văn phòng phẩm trong trường. Việc kiểm tra phải tiến hành mỗi tháng một lần, có lập biên bản báo cáo.

Quy định là vậy nhưng vì lợi nhuận, căng tin của các trường vẫn ngang nhiên bày bán. Phụ huynh, HS cũng chẳng mấy ai tìm hiểu về hậu quả khi sử dụng những đồ chơi kém chất lượng này. Việc kiểm tra đồ chơi độc hại càng khó, vì trường học không có chuyên môn, danh mục các loại đồ chơi độc hại bị cấm cũng không được ban hành khiến nhân viên kiểm tra không có căn cứ cụ thể để kiểm tra.

Hiệu trưởng một trường thú nhận: việc kiểm tra đồ dùng, đồ chơi độc hại còn mang tính hình thức. Mỗi tháng kiểm tra một lần, khi mình đến thì họ dẹp, được vài ngày lại bán, thấy giáo viên - nhân viên đi ngang họ không bán nữa… nên rất khó phát hiện. Trường nào cũng lơ là, dẫn đến căng tin trường học nào cũng có đồ chơi không rõ nguồn gốc.

 Hoa Lài - Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI