Đồ chơi giáo dục chiếm lĩnh thị trường

11/06/2016 - 00:59

PNO - Các loại đồ chơi mang tính giáo dục, phát triển kỹ năng, trí tuệ hiện chiếm lĩnh các quầy kệ.

Đặc biệt, hầu hết các đồ chơi giáo dục đều mang thương hiệu Việt, đa dạng nội dung, chất liệu và kiểu dáng.

Hàng Việt chiếm ưu thế

Thị trường đồ chơi giáo dục cung cấp hàng trăm mẫu mã khác nhau giúp trẻ chơi mà học, học mà chơi, phù hợp cho từng lứa tuổi.

Nhà sách Miền Đông (Q.Bình Thạnh) dành riêng một khu vực để trưng bày các loại đồ chơi, chiếm 2/3 trong đó là các loại đồ chơi mang tính giáo dục của các nhãn hàng Việt. Riêng đồ chơi chất liệu gỗ, trước đây chỉ có thương hiệu Winwintoys thì nay người tiêu dùng có thêm rất nhiều lựa chọn khác như: Antona, Namhoatoy, Happytime, Woody, Tiditoys, Lovely kid, STB (Công ty Sách thiết bị trường học TP.HCM)… Tại các nhà sách, siêu thị khác như Văn Lang, Fahasa, Lotte… cũng thấy sự áp đảo của chủng loại đồ chơi giáo dục. Gỗ, nhựa vẫn là hai loại chất liệu điển hình, ngoài ra còn có chất liệu giấy, vải. Các thương hiệu Việt trong lĩnh vực này có: Chợ Lớn, Liên Hiệp Thành, Phú Bách Việt, Tia sáng…

Do choi giao duc chiem linh thi truong
Bé chơi nặn đất sét

Điểm chung của đồ chơi gỗ là được làm bằng gỗ thông, về nguyên bản đã có màu sắc tươi sáng; cả những sản phẩm được sơn cũng cho màu sắc rất chuẩn và bắt mắt; các chi tiết tinh xảo. Đồ chơi nhựa được làm từ nhựa nguyên sinh. Thông tin trên sản phẩm cho thấy đồ chơi đạt chứng nhận quy chuẩn kỹ thuật cho từng lứa tuổi khác nhau.

Có thể thấy, các nhãn hiệu này thiết kế đồ chơi dựa trên một số phương pháp giáo dục nổi tiếng, đã được áp dụng nhiều trên thế giới như Montessori, Emilia Reggio. Đây vốn là những phương pháp giáo dục giúp phát triển năm giác quan, tri giác, khả năng suy luận, dự đoán của trẻ qua các bộ đồ chơi. Theo đó, đồ chơi được phân theo từng lứa tuổi cụ thể từ 0-1 tuổi, 1-2 tuổi, trên 3 tuổi, trên 5 tuổi…

Trong giai đoạn đầu đời, 0-3 tuổi, đồ chơi hướng đến phát triển các giác quan cho trẻ: từ thính giác đến thị giác, xúc giác, đồng thời cũng xây dựng dần cho bé tính sáng tạo, khả năng tư duy. Chẳng hạn, chỉ với bộ đồ chơi Bé xây lâu đài cát (2-3 tuổi), bé sẽ học được cách lắp ghép khi xếp chồng các chi tiết lên nhau tạo thành mô hình cây dừa, quả bóng, nhân vật... Sau đó, bé tiếp tục chơi thêm các trò chơi từ mô hình đã lắp ghép: chuyền bóng, xây lâu đài cát… Qua đây, bé cũng được rèn luyện khả năng quan sát, tư duy logic, óc tưởng tượng vì chỉ khi chọn đúng miếng ghép, bé mới tạo được mô hình…

Độ tuổi có lượng đồ chơi phong phú hơn cả là từ 3-5 tuổi. Bé được tiếp cận với các hình khối, chữ cái, con số thông qua hình thức ghép hình, ghép chữ từ đơn giản đến phức tạp. Mỗi một bộ đồ chơi, nhà sản xuất đã tính toán để bé có thể chơi được tối thiểu ba cấp độ khác nhau. Cụ thể, chỉ với bộ bảng nam châm Antona, bước đầu bé làm quen với 10 chữ số, năm dấu phép tính, 7 hình khối; tiếp theo bé học các số đếm theo thứ tự bằng cách dán lên bảng. Sau khi thuộc và nhớ các số, các dấu, bé học tiếp đến các phép tính như chơi một trò chơi xếp hình trên chiếc bảng. Bé còn có thể viết, vẽ lại con số, hình khối ở trên bảng theo mẫu, ghép các hình khối với nhau để tạo thành các loài vật đáng yêu như chó, mèo, thỏ, gà, chim… (theo sách hướng dẫn đính kèm bộ đồ chơi).

Ngoài ra còn có loại đồ chơi mang tính giáo dục được sản xuất dạng thủ công như: đồ chơi từ bột mì nướng chín; bột nặn được nấu từ bột mì; các bộ học thiết kế từ vải không dệt, thực phẩm như nui, gạo màu… Mỗi bộ sản phẩm dao động trong khoảng 200.000-350.000đ.

Cần sự tương tác của phụ huynh, người thân

Những loại đồ chơi bằng gỗ có giá tương đối cao, đa phần từ trên 100.000-500.000đ; đồ chơi nhựa và giấy có giá mềm hơn, chỉ trên dưới 100.000đ. Điểm chung của đồ chơi giáo dục là cần có sự hướng dẫn và tương tác của những người lớn. Nếu cha mẹ bận thì nên có người lớn hơn như anh, chị, cô dì hay ông bà chơi cùng bé để có thể phát huy hết những tính năng và ý nghĩa của đồ chơi.

Không ít bậc phụ huynh còn chọn lựa đồ chơi để giáo dục con trẻ hoàn toàn theo phương pháp Montessori. Đồ chơi này được phân cấp theo từng nhóm. Nhóm cảm quan 1 tập trung phát triển năm giác quan với các bộ sản phẩm như: bảng màu, hộp phân biệt âm thanh/trọng lượng/phân biệt mùi/cấu trúc vải, thẻ hình học… Nhóm toán học, địa lý, sinh học, kiến trúc…: các chuỗi hạt màu, trò chơi ngân hàng, chuỗi hạt màu phép tính nhân; ghép hình các loại lá, con vật… Theo cô Cẩm Ngân, Công ty Oreka, đơn vị chuyên cung cấp giáo cụ, đồ chơi Montessori, chơi nhưng sẽ giúp bé cảm nhận được rất rõ ràng sự khác biệt trong bản chất của mỗi một đại lượng: nhẹ-nặng, dày-mỏng, cao-thấp, trầm-bổng…

Không chỉ mang tính giáo dục, rất nhiều bộ đồ chơi còn có tính kết nối tình thân, mang tính gia đình. Chẳng hạn, một loạt đồ chơi của Happytime, Tia sáng, Antona như: Nhanh và lanh, Rút thanh màu, Rút thanh số, Truy tìm bộ tứ, cả nhà cùng vui, xếp hình 2035 mảnh… tuy dành cho bé trên 5 tuổi nhưng đều cần có sự tham gia của ít nhất hai người. Một bộ đồ chơi khác là Cả nhà cùng vui cho bé 5-6 tuổi bao gồm 264 chi tiết hình vuông với đủ màu sắc, hình khối. Trên mỗi hình khối lại có nhiều họa tiết, chữ cái. Với chỉ một bộ đồ chơi, bé và gia đình có thể chơi được gần 10 trò khác nhau, như: Bowling, ném bóng mô phỏng Angry bird, ô ăn quan, cá ngựa, ghép vần, làm toán…

An Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI