PNO - Không chỉ đồ chay khô được bán xá, nhập nhằng nguồn gốc mà cả đồ chay tươi cũng hiếm khi có nhãn mác. Dọc các con đường quanh chợ Hòa Bình (Q.5) như Đào Tấn, Bạch Vân, Bùi Hữu Nghĩa...
Tại các chợ ở TP. HCM, những món chay như thịt heo, thịt bề, thịt gà… được bày bán nhiều dưới dạng hàng xá không nhãn mác, giá rẻ hơn hẳn so với sản phẩm đóng gói, được các tiểu thương tùy ý “diễn dịch” đủ nguồn gốc: Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc...
Hàng xá ba không
Tại khu đồ chay ở chợ Bà Điểm (H.Hóc Môn), chị tiểu thương hào hứng giới thiệu nhiều mặt hàng đồ chay mới để mời khách; đủ loại heo, gà, bò, dê, cừu và cả tôm, cá. Tất cả đều là mặt hàng khô, lát mỏng hình vuông, đựng trong các hũ nhựa xỉn màu. Trung bình giá chỉ 15.000đ/ lạng, thịt dê và cừu đắt hơn từ 3.000- 5.000đ/lạng, rẻ hơn rất nhiều so với siêu thị. Về nguồn gốc, chị khẳng định: đồ chay này ngoài loại đóng gói, công ty cũng sản xuất dạng xá cho dễ bán. Nhưng, hỏi công ty nào sản xuất thì chị… không biết, chỉ nghe nói công ty ở tuốt Chợ Lớn. Cũng là các mặt hàng khô như trên, tại chợ Xóm Củi (Q.8), các tiểu thương lại khẳng định là hàng Thái Lan.
Tại chợ Bình Tây (Q.6), đồ chay thuộc mặt hàng khô, các nguyên liệu khô sử dụng trong chế biến các món chay như táo tàu, kim châm, bạch quả, nấm đông cô, hạnh nhân… chất đầy hai bên lối đi, đựng trong bao ni lông loại 20kg, nhiều loại đựng trong thùng, không có bất kỳ thông tin nào về sản phẩm. Tại đây, tùy loại thịt chay, có giá từ 100.000-250.000đ/kg. Chủ sạp T.H. cho biết, đồ chay nhiều nguồn gốc: Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc (TQ), trong đó hàng xá chay chủ yếu là của TQ. Đồ chay Thái, Ấn Độ ít có người mua vì giá đắt hơn.
Đồ chay bán tại các chợ phần lớn không rõ nguồn gốc, màu sắc lòe loẹt
Không chỉ đồ chay khô được bán xá, nhập nhằng nguồn gốc mà cả đồ chay tươi cũng hiếm khi có nhãn mác. Dọc các con đường quanh chợ Hòa Bình (Q.5) như Đào Tấn, Bạch Vân, Bùi Hữu Nghĩa, Chiêu Anh Các, Nhiêu Tâm… nhiều tiểu thương ngồi bán mặt hàng này hai bên đường từ 4g sáng đến 8, 9g tối. Đậu hũ non, cá viên, bò viên, tôm… đựng trong các mâm nhôm, để la liệt dưới đất hoặc kê trên các cục gạch.
Phần lớn sản phẩm đựng trong bao ni lông không nhãn mác, chỉ vài sản phẩm có nhãn nhưng chữ in bị nhòe, bao bì đã cũ, hạn sử dụng sắp hết, thông tin sơ sài, thậm chí nhiều sản phẩm không ghi địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng. Các loại tôm, cá viên tôm, thịt heo quay, xúc xích… chỉ nhìn bằng mắt thường là có thể biết đã lạm dụng phẩm màu vì màu sắc rất lòe loẹt. Người bán cho biết, sản phẩm được lấy từ các cơ sở ở TP.HCM, chợ đầu mối. Theo quy định, sản phẩm tươi phải được bảo quản ở nhiệt độ lạnh, nhưng hầu hết đồ chay tươi đều bị bày ra ngoài trời suốt ngày, bán chưa hết thì tiểu thương đem ướp lạnh, hôm sau bán tiếp.
Ngay với đồ chay có thương hiệu, người tiêu dùng cũng phải thận trọng khi muốn sử dụng xuyên suốt tháng chay, vì cũng sử dụng nhiều loại phụ gia. Tại một cửa hàng bán thực phẩm chay trên đường Lò Siêu (Q.6), đồ chay bày bán phong phú như đồ mặn, khách mua hàng gần như không hề để tâm xem trên bao bì sản phẩm có thành phần gì. Trong khi, trên bao bì nhiều loại có ghi rõ phụ gia không có lợi cho sức khỏe. Cụ thể, thịt ba rọi chay, ngoài tinh bột khoai sọ còn có tinh bột, muối ăn, phụ gia thực phẩm betacaroten, titanium dioxyde, sodium carbonate, calcium hydroxide…; chân gà chay thì có bột khoai sọ, sodium carbonate, titanium dioxyde, sorghum red, beta-apo-carotenal; heo sữa quay chay có phẩm màu đỏ, vàng…
Cẩn thận với sản phẩm không rõ nguồn gốc
Theo các chuyên gia về thực phẩm, so với các loại mứt xá, rau củ khô hàng xá thì đồ chay xá là sản phẩm người mua cần phải quan đến nguồn gốc nhất. Để tạo được hương vị, màu sắc bắt mắt giống thực phẩm mặn, nhà sản xuất phải cho vào đó nhiều loại phụ gia, phẩm màu, chất tạo mùi, chất định vị, chất bảo quản… Những chất này đa số nằm trong nhóm phụ gia thực phẩm đang bị thả nổi trên thị trường, có giá rất rẻ. Tại các chợ, hàng xá có giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm đóng gói có nhãn mác, màu sắc rất lòe loẹt, không loại trừ khả năng nhà sản xuất lạm dụng các chất phụ gia hoặc nguyên liệu không đảm bảo.
Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Công ty Saigon Cook chuyên tổ chức tiệc chay, cho biết, nếu các món chay được chế biến từ rau, củ, quả tự nhiên thì bột không thể nào có độ giòn, dai. Trong khi đó, các món chay bán trên thị trường, ví dụ như ốc chay có màu xám, tôm chay có màu đỏ tươi, nguyên liệu chỉ là bột nhưng ăn vào rất dai và giòn như ốc, tôm thật, chứng tỏ người sản xuất đã cho vào không ít hàn the. Theo khuyến cáo nếu người lớn ăn từ 5-20g, trẻ nhỏ khoảng 5g thì sẽ gây ngộ độc rất cao.
Về phẩm màu trong đồ chay công nghiệp, TS Phan Thế Đồng, Khoa Khoa học và công nghệ, ĐH Hoa Sen cho biết, nguyên liệu chính của thực phẩm chay là bột. Bột vốn có màu trắng, để tạo thành con tôm màu đỏ buộc phải sử dụng phẩm màu. Màu tự nhiên làm từ thực vật, động vật (củ nghệ, lá cây…) có độ bền kém, phải dùng số lượng lớn nên giá thành cao. Màu tổng hợp có độ bền cao, dễ sử dụng, giá thành lại rất rẻ. Tuy nhiên, có một số phẩm màu dù được phép sử dụng tại Việt Nam nhưng đã bị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và một số nước cấm sử dụng từ lâu.
Ví dụ, phẩm màu Brilliant blue FCF (sử dụng trong sữa, mứt, thạch, tương ớt, quả ngâm đường, rau củ đóng hộp, đóng chai, kẹo cao su…), erythrosine (thịt gia cầm qua chế biến, mứt, thạch, mứt quả, kem trái cây, trái cây đóng hộp hoặc chai), allura red AC (viên xúp, đồ gia vị, mù tạt, bánh, thực phẩm chế biến sẵn), tartrazine (ngũ cốc, mứt, thực phẩm ăn nhanh, mì gói, xúp, bột nước giải khát, bánh kẹo…). Việc sử dụng phẩm màu tổng hợp trong thời gian dài, vượt mức cho phép rất có hại cho sức khỏe.
Với ý nghĩa ăn chay để thanh lọc cơ thể, việc chọn thực phẩm chay công nghiệp giả mặn hoàn toàn không đem lại sự thuần khiết tự nhiên mà ngược lại còn đầu độc cơ thể vì thành phần của chúng chứa nhiều chất độc hại. Nhiều người đã nhận thức không đúng khi cho rằng ăn đồ chay giả mặn cơ thể sẽ được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng thật ra cơ thể vẫn thiếu chất trầm trọng vì chỉ được bổ sung tinh bột.
Để tốt cho sức khỏe, mọi người nên tự chế biến món chay bằng các loại rau, nấm, đậu hủ; bổ sung dưỡng chất bằng cách uống thêm sữa, dùng sữa chua, các loại ngũ cốc, bánh, ăn nhiều trái cây. Nếu chọn sản phẩm chay công nghiệp thì phải có thương hiệu, phải được làm từ nguồn gốc tự nhiên, không có phụ gia, nhất là cần chú ý đến màu sắc của sản phẩm. Tuyệt đối không mua đồ chay đông lạnh được bày bán dưới nắng vì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao.
Finelife Foodstore Lumière An Phú - một thương hiệu thuộc sở hữu của Saigon Co.op vừa khai trương tại chung cư Lumière Riverside (phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM).
Nhiều thương hiệu trong lĩnh vực từ hàng gia dụng, thời trang, tới mỹ phẩm… đang ghi nhận doanh số tăng vọt khi chuyển đổi bán hàng qua hình thức livestream.
Quyết định giảm lãi suất 0,25% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến giá vàng thế giới giảm mạnh, giá vàng SJC trong nước giảm gần 1,2 triệu đồng/lượng.