Phụ nữ gắn với cái đẹp, với thiên chức làm mẹ, giữ vai trò quan trọng trong xây dựng gia đình hạnh phúc. Phụ nữ ngày càng vươn lên đảm nhiệm những trọng trách xã hội trong sự phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.
Lịch sử đã ghi nhận phụ nữ Việt Nam có truyền thống chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước, góp phần tạo nên đất nước anh hùng, hòa bình, độc lập và phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Việt Nam ngày càng phát huy vai trò, vị thế và được tạo điều kiện để phát triển.
|
Nâng cao quyền của phụ nữ trong đời sống chính trị - xã hội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam - Ảnh tư liệu |
Theo tư tưởng của Bác Hồ, vấn đề nam nữ bình quyền đã được đề cập trong Cương lĩnh năm 1930 của Đảng và trong Hiến pháp đầu tiên của nước ta. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và chăm lo công tác phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển đội ngũ cán bộ nữ thông qua các chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật…
Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã nêu rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và hướng phấn đấu để đạt tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý vào năm 2020. Trong thực tế, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý có tăng lên.
Lần đầu tiên, khóa XII có 3 ủy viên Bộ chính trị là nữ. Lần đầu tiên, Quốc hội khóa XIV có chủ tịch Quốc hội là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt 26,7%.
Nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng ở cấp tỉnh đạt 16%, tăng 2%, riêng TPHCM đạt 20%. Hiện có 9 bí thư tỉnh ủy là nữ. Tỉnh Bình Phước có 6 ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy là nữ.
Giờ đây, các chỉ số về phát triển con người, về bình đẳng giới của Việt Nam nhìn chung là tiến bộ. Tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học, cao đẳng tương đương nam giới. Tỷ lệ nhà khoa học nữ cũng tăng dần, đạt mức 44,2% thạc sĩ và 28% tiến sĩ. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ đạt 76,3 tuổi.
Lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ nữ là chủ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh trên 30% và có nhiều nữ doanh nhân nổi tiếng, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế đất nước. Lao động nữ có tỷ lệ cao hơn nam ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, phụ nữ luôn khẳng định thế mạnh của mình.
Mặc dù tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý có tăng nhưng vẫn còn thấp so với chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị. Có địa phương, tỷ lệ nữ tham gia tỉnh ủy dưới 10%, thậm chí không có ủy viên thường vụ tỉnh ủy là nữ. Tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo ở các bộ, ngành và ở các sở còn ít.
Tỷ lệ lãnh đạo nữ tại các doanh nghiệp chưa tương xứng với số lượng, tiềm năng của lực lượng lao động nữ. Tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng hội nhập và tận dụng các lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thực tế, tốc độ thu hẹp khoảng cách giới không bắt kịp sự thăng hạng về kinh tế của Việt Nam. Chúng ta có hệ thống pháp luật về bình đẳng giới khá tốt nhưng việc thực hiện có lúc, có nơi chưa hiệu quả. Còn không ít những rào cản vô hình, những tác động tiêu cực của định kiến giới trong xã hội và gia đình, kể cả những hạn chế của một bộ phận nữ giới. Họ còn mặc cảm, tự ti, an phận…
|
Phụ nữ ngày nay có rất nhiều cơ hội để phát huy tài năng và trí tuệ |
Trong bối cảnh thế giới và đất nước có nhiều thay đổi về việc làm, thu nhập, nhất là những tác động ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, những ngành thâm dụng công nghệ sẽ hưởng lợi, những ngành thâm dụng lao động sẽ gặp khó khăn, đòi hỏi phải có sự chủ động ứng phó tích cực và quyết liệt. Mặt khác, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật hiện hành nhằm khắc phục nhanh những hạn chế, bất cập.
Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Trong đó, hạt nhân lãnh đạo - yếu tố quan trọng để đảm bảo cán bộ nữ vào vị trí lãnh đạo, quản lý - chính là cấp ủy Đảng, đặc biệt là người đứng đầu, cùng với sự tạo điều kiện của gia đình và nỗ lực phấn đấu, trau dồi của bản thân cán bộ nữ.
Phát triển toàn diện phụ nữ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, ưu tiên cán bộ lãnh đạo, quản lý đòi hỏi cần có bước chuyển về nhận thức, về sự chỉ đạo tập trung để đạt hiệu quả, nhất là nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp hoạch định chính sách, pháp luật.
Khát vọng vươn lên, ý chí vượt khó, tinh thần ham học hỏi và khả năng sáng tạo của phụ nữ cần được khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để phụ nữ tự tin làm tốt vai trò, trọng trách lớn lao đối với gia đình và xã hội, góp sức dựng xây đất nước hùng cường, quốc gia hạnh phúc.
Phạm Phương Thảo
(nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM)