Đổ bệnh vì phải nuôi bệnh

31/10/2022 - 06:05

PNO - Chăm sóc người thân bị bệnh nặng dù trong thời gian ngắn hay dài cũng có thể khiến người nuôi bệnh mệt mỏi, căng thẳng, rối loạn tâm lý. Nếu không được san sẻ, giải tỏa kịp thời thì họ có nguy cơ bị trầm cảm.

Rối loạn lo âu vì mẹ chồng bệnh 

Chị N.T.C.A. (36 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) đang ở trong trạng thái tâm lý vô cùng căng thẳng. Mẹ chồng của chị bị xuất huyết não dẫn tới đột quỵ, phải nhập viện cấp cứu. Suốt đêm ở phòng cấp cứu, vợ chồng chị thức trắng. Sáng hôm sau, bà được chuyển lên phòng chăm sóc đặc biệt, chồng chị về đưa con đi học. Đến giờ nghỉ trưa, chồng chị vào đổi ca, chị khẩn trương về nhà tắm rửa, ăn uống, nghỉ ngơi chút rồi vội vã chạy vào bệnh viện thay ca để chồng về đi làm. 

Bác sĩ Lâm Hiếu Minh đang tư vấn cho một trường hợp rối loạn tâm lý vì phải nuôi bệnh  trong thời gian dài - ẢNH: THANH HUYỀN
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh đang tư vấn cho một trường hợp rối loạn tâm lý vì phải nuôi bệnh trong thời gian dài - Ảnh: Thanh Huyền

Nhà có hai vợ chồng, chị đành tạm nghỉ việc. Sau một tuần, mẹ chị A. được bệnh viện cho về. Bà bị liệt nửa người, nói chuyện cũng gặp nhiều khó khăn. Ban đầu, chị A. thuê người nuôi bệnh với mức phí 400.000 đồng/ngày. Thế nhưng sau đó do người nuôi bệnh làm việc không tốt, gia đình chị quyết định tự chăm sóc bà. 

Mỗi sáng, chị A. dậy từ 5g30 để lau mình bằng nước ấm, thay tã, bôi dầu mù u trị vết loét trên lưng cho mẹ chồng. Sau đó, chị thay quần áo mới, cho bà ăn cháo qua ống xông dạ dày rồi mới đi làm. Buổi trưa, chồng hoặc con của chị về cho bà uống sữa. Chiều, chị sấp ngửa chạy về lo cơm nước, chăm sóc, cho bà ăn cháo. Tối trước khi ngủ, chị còn xoa bóp cho bà theo các động tác vật lý trị liệu được bác sĩ hướng dẫn… 

3 tháng trôi qua, chị A. gầy rộc, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Chị luôn cảm thấy quá sức, dễ nổi nóng, quát tháo con cái, mâu thuẫn với đồng nghiệp. Chị lúc nào cũng trong trạng thái buồn ngủ nhưng cứ nhắm mắt thì bao nỗi lo lại hiện ra. Được bạn bè khuyên bảo, chị đi khám tâm lý. Bác sĩ tư vấn chị đang có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu. Bác sĩ trò chuyện với chồng chị, khuyên anh và các thành viên trong gia đình phải chia sẻ thời gian chăm sóc người bệnh cùng với chị. Nếu không kịp thời gỡ bỏ nút thắt này, chị sẽ bị bệnh trầm cảm, từ đó có nguy cơ tự làm tổn thương chính mình…

Có thể sang chấn tâm lý nghiêm trọng

Mới đây, bác sĩ chuyên khoa II Lâm Hiếu Minh - Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cũng tiếp nhận bệnh nhân nam P.Đ.T. (43 tuổi, ngụ quận Tân Bình) bị căng thẳng quá mức vì nuôi bệnh. Ba của anh T. năm nay 80 tuổi, bị loãng xương, té ngã gãy chân. Không thể đi lại khiến cụ ông luôn cáu gắt, la hét. Nhà đông con cháu nhưng ông chỉ đòi mình anh chăm sóc, luôn yêu cầu anh có mặt bên cạnh nên anh không thể đi làm. Anh T. kể: “Đêm cụ thức trắng, ban ngày mới ngủ, làm tôi cũng mất ngủ theo”. Anh tiêu cực tới mức nói với bác sĩ mình muốn chết vì cuộc sống là những chuỗi ngày quá áp lực.

Theo bác sĩ Lâm Hiếu Minh, tất cả những bệnh nhân tới khám - xuất phát từ nguyên nhân phải chăm sóc người bệnh mạn tính, người bệnh nặng kéo dài - đều có đặc điểm chung là bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng. Triệu chứng chung của họ là rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm xúc (suy nghĩ tiêu cực, buồn rầu). Không chỉ thế, người bệnh thường hay có các phản ứng cảm xúc không phù hợp như chửi mắng, la hét làm người nuôi bệnh luôn trong trạng thái căng thẳng.

Giải pháp cho những người nuôi bệnh bị rối loạn tâm lý, theo bác sĩ Lâm Hiếu Minh, chính là các thành viên trong gia đình phải có sự phân chia trách nhiệm đồng đều. Người nuôi bệnh cũng cần được bác sĩ hướng dẫn một số kỹ năng chăm sóc bệnh nhân để có thể xử lý các tình huống khi ở nhà. Nếu không được trang bị các kỹ năng cần thiết, khi chăm sóc bệnh nhân, người nuôi bệnh sẽ luống cuống, thiếu tự tin, lo lắng.

Cũng theo bác sĩ Minh, việc gia đình phải tự chăm sóc bệnh nhân đang là một vấn đề vô cùng nan giải ở nước ta. Bệnh nhân được thân nhân chăm sóc sẽ có lợi về mặt tâm lý, nhưng đổi lại người nuôi bệnh phải bỏ dở công việc, học hành, khiến cuộc sống bị đảo lộn. Một số trường hợp chia sẻ với bác sĩ Minh rằng mình đã phải bỏ việc làm vì nhà có người bệnh nặng. Ở những nước phát triển có dịch vụ hỗ trợ người bệnh. Tại nước ta, do điều kiện còn rất nhiều hạn chế nên người nuôi bệnh thường là người nhà. An sinh xã hội nước ta mới chỉ hỗ trợ cho việc vợ đẻ thì chồng được nghỉ hậu sản theo. Tuy nhiên, chưa có chế độ nào hỗ trợ cho con cái khi phải nghỉ làm để chăm sóc cha mẹ già yếu bệnh nặng. 

Chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến - Khoa Tâm thể, Bệnh viện TP.Thủ Đức:
Người nuôi bệnh cần có sự chuẩn bị về tinh thần

Khi gia đình có người bệnh phải chăm sóc trong thời gian dài, đặc biệt là người cao tuổi, thì không chỉ người đang bị bệnh mới mệt mỏi, mà người nuôi cũng phải có sự chuẩn bị về tinh thần. Nếu không, người chăm sóc dễ mắc rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, thậm chí bị trầm cảm.

Trường hợp nếu người bệnh còn ở bệnh viện, bạn có thể trò chuyện với những người cũng đang nuôi bệnh như mình ở đó, sẽ dễ dàng chia sẻ, hỗ trợ nhau lúc khó khăn này. 

Nếu như bệnh của người thân đã ổn định, xuất viện về nhà. Trước tiên, bạn nên được bác sĩ tư vấn kỹ về cách chăm sóc cho người bệnh. Khi bản thân mình quá thương ông bà, cha mẹ thì sẽ luôn sợ chăm sóc không đúng cách. Bạn sẽ sợ làm người bệnh bị đau, không dám rời mắt, không dám đi đâu, suốt ngày cứ bên cạnh dần dần người chăm bệnh cũng trở nên mệt mỏi, chán nản. Chưa kể nếu trước đó người nuôi bệnh cũng có bệnh thì càng làm không khí u ám hơn. 

Chính vì vậy, nếu gia đình đông thành viên, hãy cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ để ai cũng có thời gian nghỉ ngơi. Trong trường hợp nhà neo người, hiện nay hầu hết các bệnh viện đã có dịch vụ bác sĩ gia đình, đây cũng là phương án giúp người bệnh có sự an tâm khi được bác sĩ, y tá đến khám bệnh.

Đừng nghĩ một mình bạn mới có thể làm tốt công việc và âm thầm chịu đựng. Những người khác trong gia đình muốn cùng bạn chăm sóc người thân nhưng họ không biết phải làm sao. Thế nên, bạn hãy ghi lại các công việc cần làm như vệ sinh, cho ăn, uống thuốc, đưa người bệnh đi dạo… để mọi người thuận tiện phụ giúp bạn.

Chuẩn bị tinh thần, chăm sóc bản thân là một trong những lưu ý đầu tiên khi bạn chăm sóc người bệnh. Chỉ khi có sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái bạn mới có thể chăm lo nhiều hơn cho bệnh nhân. Vì vậy, nếu quá mệt mỏi, hãy dành chút thời gian để đi cà phê với bạn bè, đọc sách, xem phim, tập thể dục… thậm chí ngủ một giấc sâu để nạp lại năng lượng cho mình. 

Nếu quá bận, đừng cố gắng quá mức khi bạn không thể làm tốt mọi việc, hiện nay khá nhiều dịch vụ hỗ trợ tận nơi như thay băng, vệ sinh vết thương, cho bệnh nhân uống thuốc tại nhà, giao hàng, đồ ăn tận nơi, giúp việc theo giờ.

Khi bạn bị mất ngủ, cảm thấy quá mệt mỏi, kiệt sức, hay giận dỗi, có suy nghĩ người bệnh là gánh nặng, to tiếng, cáu gắt với người bệnh… có thể bạn đã rơi vào các rối loạn lo âu, căng thẳng hãy tìm đến các bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được điều trị sớm. 

Phạm An (ghi)


Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI