|
Gần đây, thị trường thức ăn vặt đang cho thấy sức phát triển đa dạng hơn bao giờ hết (Ảnh minh họa: Freepik) |
Trước kia, nhắc đến món ăn phụ xen kẽ 3 bữa chính, hẳn chúng ta thường nghĩ về gói bánh quy, khoai tây chiên hoặc lon nước giải khát. Thế nhưng gần đây, thị trường thức ăn vặt đang cho thấy sức phát triển đa dạng hơn bao giờ hết, đến mức thuật ngữ “snack” (đồ ăn vặt) bắt đầu được cân nhắc như một thể loại ẩm thực riêng biệt.
Nhận thức rõ rệt hơn trước vấn đề bảo vệ môi trường ở người tiêu dùng nói chung và ngành chế biến thực phẩm nói riêng là nhân tố chính thúc đẩy một làn sóng chuyển đổi đặc sắc, khi thức ăn vặt được sản xuất, đóng gói tuân thủ tiêu chí bền vững.
Tái định nghĩa khái niệm ăn vặt
|
Mỗi gói kẹo dẻo Faves có thành phần gồm nhiều loại rau củ bổ dưỡng như cà rốt, khoai lang, củ dền… được trực tiếp thu gom từ các nông trang tại California (Mỹ) - Ảnh: PurePlus |
Dirk Van de Put, giám đốc điều hành tập đoàn đa quốc gia Mondelēz International - “ông lớn” của ngành bán lẻ thực phẩm toàn cầu - nhận định trong một bản báo cáo thị trường công bố đầu năm 2022: “Người tiêu dùng ngày càng ưu ái những loại thức ăn không chỉ giàu giá trị dinh dưỡng mà còn có nguồn gốc tự nhiên, sạch theo phong cách “bền vững”. Chúng tôi nhận thấy mọi người đang hứng thú tìm hiểu nhiều hơn về các công ty, thương hiệu đảm bảo được 2 yếu tố này”.
Một trong những sản phẩm mới đáng chú ý ở thị trường Mỹ hiện nay là “kẹo dẻo vì môi trường” của PurePlus - doanh nghiệp trẻ giàu tiềm năng đặt trụ sở tại Los Angeles, California. Với nỗ lực giải tỏa phần nào thực trạng lãng phí lương thực, công ty ra mắt Faves, thương hiệu kẹo ăn vặt mang thông điệp tái chế thiết thực. Gồm 2 hương vị chủ đạo dâu và nho, Faves làm hoàn toàn từ nguyên liệu rau củ, trái cây tươi sạch nhưng thường bị xem là “thừa thãi” và bị vứt bỏ ngoài tự nhiên.
Amy Keller - Giám đốc sáng lập PurePlus - là một nữ vận động viên thể thao kiêm nhà hoạt động vì môi trường, tạo nên Faves nhằm mục đích mang đến dấu ấn đổi mới tích cực trong thị trường sản xuất đồ ăn vặt. Cô chia sẻ: “Chúng tôi muốn góp sức giải quyết vấn nạn khủng hoảng khí hậu bằng cách chống lãng phí nguồn cung rau củ quả, đem lại các sản phẩm tốt cho sức khỏe con người lẫn trái đất. Với Faves, tôi hy vọng mọi người sẽ có thêm sự lựa chọn thực phẩm lành mạnh vì chính bạn cũng như môi trường”.
Trong nỗ lực bền vững hóa ngành sản xuất thức ăn vặt, rau trái tươi sạch đang cung ứng giải pháp lôi cuốn hàng đầu. Nếu PurePlus đề cao ý tưởng “giải cứu” rau củ quả, Tarwi Foods - công ty khởi nghiệp đang hoạt động ở Anh - lại tập trung phát huy giá trị vẫn còn ít được biết đến của 1 loại ngũ cốc đặc biệt: đậu lupin.
|
Đậu lupin đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe: giúp cân bằng lượng đường, hỗ trợ giảm cân và bảo vệ hệ tiêu hóa - Ảnh: Tarwi |
Cata Gorgulho - nhà sáng lập Tarwi Foods - cho hay: “Lupin rất dồi dào dưỡng chất tự nhiên. Chúng giàu protein gấp 3 lần hạt diêm mạch, nhiều chất xơ gấp 3 lần yến mạch, giàu sắt và chất chống ô xy hóa trong khi lại chứa rất ít calo. Tôi tin lupin sẽ là món ăn hấp dẫn những ai yêu thích việc giữ dáng cũng như để nâng cao sức khỏe mỗi ngày”.
Theo nữ doanh nhân này, đặc tính giàu dinh dưỡng khiến đậu lupin có thể đóng vai trò nguyên liệu chính trong những công thức thức ăn vặt tươi ngon, tiện dụng: “Đậu có vị giòn ngọt đặc trưng, dễ nấu, dễ ăn. Thực tế trong quy trình chế biến, chúng tôi chỉ bổ sung một số loại rau thơm để tăng hương vị cho đậu”.
Tarwi đã tung ra thị trường 2 dòng sản phẩm: đậu giòn lupin đóng gói trong túi ăn liền và Lummus - một dạng sốt làm từ lupin thích hợp thêm vào các món salad ăn vặt.
Về lâu dài, thông qua việc sản xuất thức ăn vặt khai thác nguồn nguyên liệu sạch và bền vững, Gorgulho tiết lộ đội ngũ tại Tarwi muốn nâng cao nhận thức chung về mô hình “nông nghiệp tái sinh”.
Cô lý giải: “Nông nghiệp tái sinh nghĩa là cố gắng tái tạo cũng như giữ gìn chất lượng đất trồng trọt. Lupin là giống cây hoàn hảo để tiến hành luân canh vì mục tiêu này. Chúng vừa giúp giảm thiểu nhu cầu sử dụng phân bón hóa học - từ đó gián tiếp làm giảm tình trạng ô nhiễm nguồn đất - vừa ít đòi hỏi công chăm sóc. Chúng tôi tin rằng việc khuyến khích mọi người tiêu thụ đậu lupin nhiều hơn lâu dần sẽ tạo ảnh hưởng tích cực rõ rệt lên môi trường”.
Xanh - sạch từ nông trại đến tay khách hàng
|
Các loại bánh ăn vặt bổ dưỡng của Lecka có nguyên liệu thuần tự nhiên, không thêm đường, không chứa gluten, phù hợp với người ăn kiêng lẫn ăn chay - Ảnh: Lecka |
Ở Bồ Đào Nha, đậu lupin khá phổ biến, nhưng những sản phẩm ăn vặt từ nguyên liệu thuần xanh này vẫn chưa được đánh giá cao. Tương tự tại Việt Nam, khéo léo khai thác nguồn nguyên liệu địa phương theo phương thức bền vững đã trở thành định hướng hoạt động của Lecka - thương hiệu thức ăn vặt đầy triển vọng vừa ra mắt.
Lecka được Markus Gnirck - một doanh nhân gốc Đức đam mê lối sống xanh - sáng lập năm 2020. Anh lý giải: “Chúng tôi nhận thấy rất nhiều người thuộc thế hệ trẻ ở Đông Nam Á hiện nay - những người yêu thể thao, vận động ngoài trời, ủng hộ xu thế tiêu dùng bền vững hay đơn thuần muốn chú trọng chăm sóc sức khỏe - đều đang tìm kiếm nguồn cung thực phẩm xanh và lành mạnh hơn”.
Kể từ sản phẩm đầu tiên có mặt trên thị trường (thanh năng lượng ăn vặt sử dụng nguyên liệu 100% ngũ cốc tự nhiên), Lecka đã tuân thủ chặt chẽ tiêu chí sản xuất “tươi sạch từ nông trại đến tay người tiêu dùng”. Nguồn rau củ quả chất lượng cao công ty khai thác được các nông dân Việt trồng trọt, không thêm đường hay phụ gia khác.
“Ở thị trường Việt Nam, thành phần nguyên liệu trong phần lớn sản phẩm thanh năng lượng nhập khẩu từ Mỹ hoặc châu Âu thường gây cảm giác lạ miệng. Để phát triển mặt hàng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng thật sự tươi ngon mang khẩu vị thuần Việt, chúng tôi tận dụng nguyên liệu bản địa phong phú sẵn có như xoài, chuối…; những loại đậu/hạt như điều, đậu phộng... tạo ra hương vị quen thuộc, gần gũi hơn với người Đông Nam Á” - Gnirck cho biết.
Nhiều thương hiệu trẻ như Lecka chủ động thiết lập tiêu chuẩn sản xuất xanh - sạch nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Gnirck tiết lộ Lecka đang liên kết thường trực với các chuyên gia nghiên cứu ở New Zealand trong kế hoạch tăng cường kiểm soát khí thải từ khâu quản lý nguyên liệu đầu vào đến tổ chức mạng lưới bán lẻ.
Anh nói: “Chúng tôi luôn chú tâm đến tiêu chí bền vững, thậm chí đã vận hành cơ sở nhà kính nông nghiệp riêng để đảm bảo kiểm soát tốt hơn khí thải carbon. Bên cạnh đó, chất liệu bao bì toàn bộ sản phẩm của Lecka đều làm từ thực vật, dễ phân hủy và hạn chế áp lực rác thải”.
“Cắt giảm khí thải hiệu quả là mục tiêu hoàn toàn trong tầm tay của các doanh nghiệp thực phẩm hiện nay. Điều này có thể đạt được thông qua định hướng khai thác nguyên liệu, đóng gói cũng như phân phối sản phẩm đúng cách” - nữ doanh nhân Ann Perkins có chung góc nhìn với Gnirck. Cô là nhà sáng lập Perkier - một thương hiệu thực phẩm ăn vặt đang được ưa chuộng tại Anh vì chủ trương sản xuất lành mạnh và bền vững”.
Như Ý