Vảy phấn hồng
(viêm da tróc vảy)
Ðây là bệnh thường gặp vào mùa xuân và dễ làm người bệnh lo sợ, hoang mang. Bắt đầu chỉ là đốm hồng ban tròn ở ngực hay bụng, sau đó nhanh chóng lan ra khắp người, tróc vảy và ngứa dữ dội.
Chị Trần Thị H. 32 tuổi, ở Q.4, TP.HCM kể: “Cách đây nửa tháng, em ngủ dậy thấy ngứa ở ngực và thấy một nốt tròn màu hồng. Em cứ tưởng mấy ngày tết đi chơi, leo núi bị trầy, nào ngờ qua mấy hôm sau nó lan ra khắp bụng, lưng, tróc vảy như da rắn và ngứa không chịu nổi. Khi em tắm hay đổ mồ hôi, càng thấy ngứa dữ dội và càng gãi thì vùng ngứa càng lan mạnh. Em sợ quá đi khám thì BS nói em bị bệnh vảy phấn hồng, BS chỉ kê thuốc thoa cho đỡ ngứa và kêu em đừng lo vì bệnh này thường tự hết sau vài tuần, nhưng em đã bị gần ba tuần rồi mà chẳng đỡ, người em hiện đầy vết thâm và nhọt màu hồng, em lo quá”.
Theo BS Lê Thái Vân Thanh, bệnh vảy phấn hồng không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ vì nổi nhiều hồng ban đỏ khắp người (chỉ trừ lòng bàn tay, chân), bong tróc vảy và ảnh hưởng đến sinh hoạt do ngứa ngáy, đặc biệt là khi tiếp xúc với nước hay đổ mồ hôi.
Bệnh có nhiều thể khác nhau, nhưng vảy phấn hồng được xác định có liên quan đến yếu tố môi trường, do siêu vi tồn tại, lan tỏa trong không khí nhiều hơn vào thời điểm giao mùa nên ai cũng có thể “dính” phải.
Bệnh thường tự khỏi sau một vài tuần hoặc có khi kéo dài từ ba đến sáu tháng nên làm người bệnh hoang mang. Khi bị vảy phấn hồng, người bệnh không nên bôi đắp lá, mà cần đến BS chuyên khoa để được điều trị ngứa và hạn chế bệnh lan nhanh cũng như hạn chế thương tổn để lại trên da.
Viêm da tiếp xúc, dị ứng
Theo BS Trần Thiên Tài, Phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng BV Ðại học Y Dược TP.HCM, dị ứng là bệnh lý thường gặp, đặc biệt là dị ứng thời tiết. Ðó là khi cơ thể quá mẫn cảm do tiếp xúc với các yếu tố môi trường bên ngoài (đôi khi các yếu tố này là vô hại đối với những người khác).
Khi đó, các hóa chất trung gian (histamine đóng vai trò quan trọng nhất) được phóng thích, gây ra các tình trạng như kích thích các đầu tận cùng dây thần kinh gây ngứa, tăng tính thấm thành mạch, gây sưng phù, gây co thắt cơ trơn… Các biểu hiện lâm sàng của dị ứng thời tiết khá đa dạng, có thể biểu hiện ở da gây ra các tình trạng ngứa da, nổi mẩn đỏ, sưng phù ở da.
Dị ứng thời tiết cũng có thể biểu hiện ở mũi như ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi gây viêm mũi dị ứng hoặc ở đường hô hấp với biểu hiện co thắt phế quản trong bệnh hen phế quản… Trong đó, biểu hiện ở da và mũi là dễ gặp nhất.
Dị ứng thời tiết có thể xảy ra quanh năm, nhưng thường vào những mùa nắng nóng, mùa đông, thời điểm giao mùa hay khi thời tiết thay đổi đột ngột, vùng da tiếp xúc sẽ xuất hiện các triệu chứng như ngứa ít hoặc nhiều, cảm giác châm chích, phát ban, nổi sần đỏ, sưng phù…
Thời tiết nóng sẽ làm cho cơ thể ra nhiều mồ hôi, bề mặt da luôn ẩm ướt, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, từ đó gây nên tình trạng viêm nhiễm, nổi mẩn ngứa khó chịu. Với thời tiết lạnh, độ ẩm thấp, làn da bị khô, nhạy cảm hơn, dễ tróc vảy hơn từ đó da dễ bị kích ứng.
BS Vân Thanh cũng cho biết, vào mùa xuân, những yếu tố dị ứng trong môi trường tăng lên rõ rệt như hoa nở nhiều, côn trùng, ong bướm cũng nhiều, tạo ra nhiều chất gây dị ứng. Vào dịp tết và hậu tết, việc vận chuyển hàng hóa, hành khách tới lui, liên tục cũng làm không khí xuất hiện nhiều hạt bụi li ti, gây ô nhiễm.
Việc giặt giũ, dọn dẹp phải sử dụng hóa chất hoặc nhiều bụi bẩn cũng có thể gây nên bệnh lý ở da. Trong đó, những trường hợp viêm da tiếp xúc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như bị côn trùng cắn đốt, do tiếp xúc với dịch tiết của côn trùng…
Khi đó, vùng da tiếp xúc sẽ bị ngứa, sưng đỏ, xuất hiện mụn nước, mụn mủ, mụn vỡ mủ… Với những côn trùng có độc tố mạnh như ong, bò cạp… chất độc của chúng có thể gây trụy tim mạch, đe dọa tính mạng nạn nhân.
Khô, nứt da
Ðây là bệnh lý phổ biến khi trời lạnh hoặc thời tiết giao mùa. Nguyên nhân là do da bị mất nước, lớp sừng bảo vệ da bị thay đổi khiến da thô sần, dày, nhiều rãnh nứt… Có người chỉ bị ảnh hưởng nhẹ là da chân tay thô ráp, nứt nhẹ.
Tuy nhiên, khá nhiều trường hợp bị rất nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt. Như trường hợp chị Nguyễn Kim C. (41 tuổi, ở P.9, Q.3, TP.HCM) gần đây bỗng 10 đầu ngón tay bong tróc da, càng gỡ càng bong da nhiều hơn. Vùng da đầu ngón tay chị mỏng dần, đỏ, gây đau đớn và khó chịu khi làm việc.
Có khi chỉ quẹt nhẹ tay vào tờ giấy cũng chảy máu. Chị bôi kem dưỡng ẩm, thoa mỡ trăn cũng chẳng đỡ mà hiện vết bong tróc đã lan dần xuống lòng bàn tay, khiến chị phải nghỉ việc để đến BV Da Liễu điều trị.
Còn chị Bùi Thị Q. (28 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) thì bị nứt gót chân khá sâu đến rướm máu. BS Vân Thanh nhắc nhở: “Da khô, mỏng, nứt nẻ rất dễ tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập, tấn công cơ thể, gây nhiễm trùng huyết… nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, cần phải giữ gìn, chăm sóc da cẩn thận. Ðặc biệt, không được đắp, bôi các loại lá, thuốc không rõ nguồn gốc, sẽ có nguy cơ gây nhiễm trùng, làm tổn thương da nặng nề hơn, khiến việc điều trị khó khăn, tốn kém và lâu dài”.
Chàm thể tạng
Bệnh này gặp ở người lớn và cả trẻ em. Nguyên nhân vì thời tiết thay đổi, ngày nóng, đêm lạnh nên dễ làm bệnh chàm (viêm da cơ địa) bùng phát. Với những người có cơ địa nhạy cảm, hay dị ứng thì bệnh lý này dễ khởi phát, kích ứng do yếu tố nhiệt.
Triệu chứng là mặt hay một vùng da xuất hiện hồng ban, có mụn nước. Mụn nước vỡ sẽ đóng mày, tạo vảy khô. Bệnh ngứa dữ dội, làm người lớn khó chịu, liên tục “gảy đàn” trên da, còn trẻ nhỏ quấy khóc, ăn không ngon, ngủ không yên.
Càng gãi, da càng dày và dễ nổi mụn vỡ nước, tiết dịch, khiến da nứt nẻ, chảy máu và dễ nhiễm trùng, bội nhiễm nếu không chăm sóc, giữ vệ sinh tốt. Ngoài ra, gãi còn làm trầy xước hồng ban trên da và để lại sẹo, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ.
Thùy Dương