DN Việt hoàn toàn có thể thắng bằng đường chính ngạch

30/06/2014 - 07:42

PNO - PN - “Trung Quốc (TQ) đang tăng cường giám sát xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Thời gian tới, thậm chí một số cửa khẩu có khả năng sẽ dừng một thời gian để họ chấn chỉnh lại việc giao thương” - thông tin do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT...

edf40wrjww2tblPage:Content

Sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu (XK) các mặt hàng nông lâm thủy sản đạt gần 15 tỷ USD, tăng 12,7% so cùng kỳ; tuy nhiên, với thị trường TQ, trong tháng Năm-Sáu có dấu hiệu giảm sâu. Thị trường này chiếm gần 32% tổng kim ngạch XK rau quả của Việt Nam, trong đó riêng thanh long, vải, bột sắn chiếm 80-90%. Lúa gạo, cao su xuất sang TQ chiếm khoảng 40% kim ngạch XK của ngành hàng. Điều đáng nói là đa phần hàng xuất sang TQ qua đường tiểu ngạch.

DN Viet hoan toan co the thang bang duong chinh ngach

Lô hàng gạo xuất khẩu. Nguồn ảnh: Internet.

GS Võ Tòng Xuân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ về việc DN Việt chuộng làm ăn với TQ theo đường XK tiểu ngạch.

Ông phản bác quan điểm của nhiều DN cho rằng XK tiểu ngạch là lợi thế không nên bỏ của nông sản VN: “Đó không phải là lợi thế mà thực chất là buộc nông dân bán rẻ. Các DN không thể ở mãi thế bị động như vậy”.

Lấy ví dụ mặt hàng gạo, GS Xuân gợi ý: các DN VN hoàn toàn có thể chuyển đổi XK qua đường chính ngạch sang TQ bằng cách nâng cao chất lượng hạt gạo. Có thể, trong thời gian đầu, lượng XK sẽ thấp đi, nhưng với nhu cầu gạo hiện nay của TQ (theo GS Xuân, ước tính thiếu khoảng 10 triệu tấn/năm) thì chắc chắn họ sẽ phải thu mua theo quy luật cung - cầu. Mặt khác, với chất lượng cao, gạo VN cũng hoàn toàn có thể tìm đường đi ra các thị trường khó tính.

GS Xuân cho biết, thực tế đã có DN biết “từ chối” con đường tiểu ngạch đầy rủi ro. Đó là Công ty lúa gạo Cẩm Nguyên (Tháp Mười, Đồng Tháp). Hơn một năm nay, công ty đã trực tiếp sang TQ tìm kiếm đầu mối tiêu thụ, và mọi đơn hàng xuất khẩu đều có hợp đồng, cam kết. Công ty mời thẳng đối tác sang VN để tận mắt chứng kiến chất lượng gạo ngay tại vựa sản xuất. Giám đốc công ty này cũng chủ động làm việc với các DN tại Hồng Kông và Mỹ để đưa gạo VN sang.

Tại Lào Cai, thay vì XK tiểu ngạch qua TQ, Hợp tác xã (HTX) tương ớt Mường Khương lại đẩy mạnh chế biến và tiêu thụ tại thị trường nội địa. Năm 2011, ông Nguyễn Văn Dũng, chủ nhiệm HTX đã đầu tư dây chuyền sản xuất trên hai tỷ đồng để tăng chất lượng sản phẩm. Năm 2014, trong khi nhiều tỉnh điêu đứng vì thương lái TQ ngừng thu mua ớt thì toàn bộ sản phẩm của HTX Mường Khương đã được phân phối khắp cả nước.

Ông Nguyễn Tấn Đắc, Phó chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre cho biết, hoạt động buôn bán dừa sang TQ vẫn ổn định. Nhưng về lâu dài, nếu thị trường TQ bất ổn, tỉnh sẽ điều chỉnh diện tích trồng dừa. Theo ông Phạm Văn Quỳnh - Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ, Sở đã khuyến cáo nông dân không sản xuất ào ạt một hoặc vài loại trái cây mà nên đầu tư nâng cao chất lượng cũng như rải đều các loại sản phẩm. Hiện nay, bà con nông dân Cần Thơ vẫn xuất trái cây sang thị trường TQ và Campuchia. “Tuy vậy, khó mong chờ quá nhiều vào thị trường Campuchia, bởi nơi này chỉ tiêu thụ một vài mặt hàng với số lượng không lớn”, ông Quỳnh nói.

Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật phân tích: “Để giao thương không bị rủi ro khách quan lẫn chủ quan, thì việc XK hàng qua đường chính ngạch là một giải pháp các DN phải tính đến bởi mang lại hiệu quả kép: uy tín và lợi nhuận. Theo tính toán, XK 1kg thanh long sang các thị trường EU hay Mỹ, Nhật Bản có giá trị bằng 10kg thanh long bán sang TQ. Vì thế, chúng ta cần phải xây dựng hàng rào kỹ thuật rõ ràng, tiêu chuẩn chặt chẽ, kiểm soát nghiêm khắc… để dễ dàng cho việc kiểm tra chất lượng khi đưa hàng hóa đến những thị trường khác. Chúng ta phải nhanh chóng hình thành nên những vùng nguyên liệu chuyên XK sang Mỹ, Nhật Bản hoặc EU, Hàn Quốc… để tránh sự lệ thuộc vào TQ”.

 V. Thư - H. Anh - H. Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI