Đâu đó trong cuộc trò chuyện, Hoaprox có những toan tính riêng đủ để thấy anh nghiêm túc với con đường âm nhạc, nhưng không có toan tính nào thiếu đi sự chân thành, tận tụy.
Đôi khi người ta hay thắc mắc về những người chọn đi ngược với số đông, rằng vì sao họ không chọn một con đường dễ dàng hơn. Giống như Hoaprox (Nguyễn Thái Hòa, sinh năm 1997), nếu tập trung vào thị trường nhạc Việt thì có thể giờ đây Hòa đã có một vị thế nhất định.
|
Hoaprox nói nếu chọn hướng đi “thị trường” hơn, có thể bản thân anh đã có nhiều thành tựu |
Mọi hướng đi với DJ Hoaprox đều quá hấp dẫn vì anh có khả năng nhưng Hòa chọn con đường khó nhất, là chinh phục khán giả toàn cầu, đưa nhạc Việt đến trời Tây và “ẵm” giải Grammy. Ở đây, Grammy nên được hiểu là sự công nhận đến từ quốc tế dành cho nghệ sĩ Việt, không phải một chiếc kèn vàng vật lý để trưng bày, vì nếu có một giải thưởng nào đó danh giá hơn Grammy, thì Hoaprox không ngần ngại đặt ra một mơ ước cao hơn để chinh phục.
24 tuổi, chín năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, giờ đây, con đường đi đến giấc mơ của Hoaprox đã ngắn dần khi những giải thưởng âm nhạc, những màn kết hợp đa quốc gia đã xuất hiện mà chàng DJ 9X không ở thế của người ngỏ lời - anh được mời tham gia.
Nghệ thuật không phân cấp, không giới hạn
Phóng viên: With you (tựa Việt: Ngẫu hứng) của Hoaprox có sự xuất hiện của DJ Nick Strand và Mio, tâm thế của anh ra sao khi sản phẩm có nghệ sĩ quốc tế tham gia?
DJ Hoaprox: Tôi biết Nick Strand (thành viên nhóm Seeb - PV) thông qua mạng xã hội. Chúng tôi kết bạn sau khi nghe sản phẩm âm nhạc của nhau nhưng không nói chuyện nhiều. Một ngày, Nick nhắn tin, ngỏ lời muốn làm lại ca khúc Ngẫu hứng mà tôi từng ra mắt vào năm 2015. Nick bảo ca khúc hay và muốn thực hiện một phiên bản mới, tôi đồng ý vì bản thân không mất mát gì ở lần hợp tác này.
Nếu Nick không chủ động hỏi và mời bạn bè của cậu ấy, tôi sẽ không thực hiện Ngẫu hứng phiên bản 2020 vì chưa từng có dự định làm lại một ca khúc cũ. Ngoài ra, tôi cũng không nghĩ đến việc sẽ mở lời kết hợp với Nick. Không phải tôi tự ti, tôi hoàn toàn có thể đặt vấn đề hợp tác với nhiều nghệ sĩ quốc tế nhưng ở trường hợp của Ngẫu hứng, sự cầu thị này là không cần thiết.
|
Hình ảnh trong MV Ngẫu hứng của Hoaprox |
* Ngẫu hứng có là ván bài mà phần thắng được cưa đôi?
- Nick ở vị trí cao hơn tôi trong nghề và sở hữu nhiều sản phẩm ấn tượng. Được hợp tác với Nick có thể xem là một sự may mắn. Tuy nhiên, tôi biết Nick ngỏ lời không hẳn vì vui thích, đó là một quyết định có cơ sở.
Thực tế, các nghệ sĩ Âu - Mỹ đang nhắm đến thị trường châu Á bởi thứ nhạc họ đang làm khó có thể tạo ra những chuyển biến mới. Họ cần những màn kết hợp tạo cảm hứng nhiều hơn và châu Á - thị trường âm nhạc còn trẻ và khá sôi động - là sự lựa chọn được ưu tiên.
Theo một nghiên cứu mà tôi biết, Trung Quốc là thị trường đang được nhắm đến nhiều nhất tại châu Á. Tiếp theo, có thể mọi người bất ngờ nhưng Việt Nam là quốc gia thứ hai. Khi tôi sang châu Âu, tôi biết những công ty, những lễ hội âm nhạc lớn đang muốn đến Việt Nam. Các quốc gia như Hàn Quốc hay Nhật Bản, họ đã đến nhiều lần nên khó tạo sự mới mẻ.
Tôi đang có đủ hai tiêu chí mà bất cứ nghệ sĩ Âu - Mỹ nào cũng đều cần. Thứ nhất, tại Trung Quốc, sau khi bài Ngẫu hứng ra mắt năm 2015, tôi được tạo một hồ sơ nghệ sĩ tại đây. Thứ hai, tôi đến từ Việt Nam. Lần hợp tác này, chúng tôi mang đến cơ hội cho nhau, sòng phẳng và cùng có lợi.
* Nghệ sĩ Việt phải làm sao để có những lời mời hợp tác như thế?
- Trong quá trình làm nhạc, tôi từng đặt câu hỏi vì sao những nghệ sĩ quốc tế chưa hợp tác với nghệ sĩ Việt. Có phải chúng ta chưa đủ đẳng cấp hay năng lực? Ngày đó, vì hiếm khi những màn hợp tác diễn ra, tôi cũng không tự đánh giá được trình độ của bản thân nên cảm thấy e ngại. Cho đến hiện tại, đã hơn một lần hợp tác, tôi khẳng định nghệ sĩ Việt dư trình độ để tiến ra quốc tế. Số lượng này cũng không ít.
Nghệ sĩ trong nước cực kỳ giỏi nhưng vì khoảng cách địa lý và cảm giác tự ti lớn nên họ chọn hướng đi khác. Cụ thể hơn, nghệ sĩ Việt đang thiếu niềm tin. Nhiều người không tin mình có thể hợp tác, tức tự giới hạn bản thân như tôi ngày trước. Tôi từng nghĩ mình không đủ giỏi nên không dám tin mình có thể làm. Và rồi, tôi đã làm được thì bất cứ nghệ sĩ Việt Nam nào cũng có thể thực hiện.
Điều còn lại, ngoài ngôn ngữ, tôi nghĩ nghệ sĩ Việt đang tự khoanh vùng hoạt động. Nhiều người cho rằng thị trường trong nước đã đủ để họ vẫy vùng. Họ sẽ dễ dàng tìm ra đường hướng cho mình, dễ thành công, dễ kiếm được tiền tại Việt Nam. Mọi người đều muốn cách an toàn nên không ai chọn hướng đi quá nhiều thử thách. Còn đối với tôi và nhóm của mình, mọi người đều muốn xem mình đi được tới đâu nên có những định hướng khác.
* Hiện tại, việc ký hợp đồng với các công ty quốc tế cũng hỗ trợ được phần lớn nếu nghệ sĩ Việt muốn ra thế giới, anh có chọn hướng kết hợp này?
- Tôi chưa ký hợp đồng độc quyền với hãng ghi âm nào của quốc tế. Tôi đang hoàn toàn tự do trong việc làm nhạc. Với từng sản phẩm, tôi muốn tìm một đơn vị phát hành riêng, như With you, tôi làm việc với Universal. Còn nếu muốn phát hành nhạc ở Việt Nam, tôi sẽ tìm các đơn vị, nền tảng khác. Tôi đang cân nhắc kết hợp với một công ty nước ngoài để định hướng tốt hơn cho sự nghiệp nhưng hiện tại, tôi chưa chọn lựa được.
Từng hoang mang để mơ một giấc mơ có tầm vóc
* Khi biểu diễn ở những sân khấu quốc tế, hai chữ Việt Nam có khiến anh tự giới hạn mình vào những khuôn khổ nhất định?
- Tôi đi ra quốc tế với tâm thế là nghệ sĩ Việt Nam, do đó, chuyện quảng bá đất nước như thế nào trong mắt bè bạn thế giới khá quan trọng. Đôi lúc, tôi không muốn gánh vác trọng trách là DJ Việt duy nhất giới thiệu văn hóa, âm nhạc Việt nhưng hiện chưa có nhiều người nhận trọng trách này.
Khi lên sân khấu, chỉ cần MC giới thiệu nghệ sĩ này đến từ Việt Nam, khán giả đã dành sự chú ý nhất định. Cho nên, âm nhạc của tôi đang mang tính truyền tải cao các thông điệp, năng lượng tích cực và tranh thủ quảng bá hình ảnh đất nước. Giai đoạn này, tôi không thể nào xuất hiện với những đề tài như sự đau khổ trong tình yêu hay phản ánh mặt xấu của xã hội... Khi đại diện cho Việt Nam, tôi biết bản thân phải tự giới hạn một số đề tài. Điều này không hẳn gò bó nhưng tôi mong trọng trách đưa Việt Nam ra thế giới, trong thời gian sắp tới không chỉ mình tôi gánh vác mà sẽ có nhiều nghệ sĩ khác để mang thêm nhiều màu sắc âm nhạc hơn.
|
Hoaprox trong một đêm diễn |
* BST - nhóm nhạc đình đám của Hàn Quốc viết nhạc tiếng Anh vì nhắm tới thị trường quốc tế và họ bị fan cho rằng “bỏ rơi” khán giả trong nước. Anh cũng đang làm điều tương tự. Vì sao có lựa chọn này?
- Vấn đề của BTS là điều tôi đã gặp phải. Với những bài hát hướng đến khán giả quốc tế, tôi đều thực hiện bằng tiếng Anh. Tôi cần một ngôn ngữ thông dụng hơn để người nghe hiểu được điều tôi muốn nói ngoài giai điệu. Điều này khiến ca khúc của tôi khó tiếp cận với khán giả tại Việt Nam nhưng để thực hiện mục tiêu đặt ra, tôi phải buông bớt. Tuy tôi cũng đã có ý định cân bằng lại đối tượng người nghe trong thời gian sắp tới với một vài sản phẩm dành cho khán giả Việt nhưng chắc chắn, phần lớn sản phẩm vẫn hướng đến cộng đồng người nghe ngoài lãnh thổ.
"Tôi đã định cho mình công thức để làm nhạc. Nếu chỉ thuần cảm xúc, đó là các sáng tác để giải trí đơn thuần, còn lại, phải có những tính toán nhất định về âm nhạc để thu hút người nghe. Với tôi, mỗi bài hát phải làm sao để níu chân người nghe trong vòng năm giây. Điều đó buộc giai điệu phải cực bắt tai. Hiện mỗi ngày có rất nhiều bài hát ra mắt nên nếu ca khúc của tôi không tạo ra cảm xúc trong năm giây đầu, người nghe sẽ lướt qua. Từ trước giờ, công thức này vẫn khá hiệu quả.
DJ Hoaprox
|
* Anh có dành sự lưu tâm cho dòng chảy âm nhạc trong nước?
- Chắc chắn tôi không thể bỏ qua việc quan sát thị trường nơi tôi đang sống. Chưa kể, tôi có định hướng sẽ ra mắt một số sản phẩm phục vụ khán giả trong nước nên việc hiểu điều gì đang diễn ra với âm nhạc Việt Nam là bắt buộc. Nhưng đáng tiếc, có nhiều thời điểm, tôi không hiểu vì sao có những xu hướng nghe nhạc, những bản hit như thế xuất hiện. Các con số khủng buộc tôi phải nghe ca khúc nếu muốn tạo nên thành tích tương tự nhưng tôi vẫn cần nghiên cứu thêm vì chưa tìm ra lý do, chưa cảm được.
* Anh sớm gặt hái được thành công từ một vài sản phẩm đầu tay, hành trình chín năm đi với âm nhạc cũng được cho là khá dễ dàng, thật sự có thuận lợi như thế?
- Ai cũng nghĩ tôi thuận lợi hơn so với những người khác khi sớm thành công và con đường âm nhạc tương đối bằng phẳng. Tôi thấy mình may mắn ở chỗ tôi có nhiều thời gian, bắt đầu sớm với âm nhạc. Đến bây giờ, sau chín năm, tôi vẫn còn thời gian để thực hiện ước mơ của mình. 24 tuổi, tôi còn rất trẻ và nếu thị trường tiếp tục có những biến động, tôi vẫn còn kịp để thích ứng. Đó là lợi thế lớn nhất. Còn lại, tôi nghĩ có thuận lợi nhưng đó không là chuyện ngẫu nhiên. Nỗ lực của mỗi cá nhân rất quan trọng.
Trong chín năm từ khi bắt đầu, tôi đã mày mò và tự cố gắng. Âm nhạc điện tử khi đó ít nhiều vẫn còn xa lạ: ít người ai biết thể loại tôi đang theo đuổi là gì, không có trường lớp đào tạo, không ai nói với tôi rằng tôi nên làm gì, không có một cộng đồng nào yêu nhạc được thành lập. Mọi thứ đều do tôi tìm kiếm. Thời điểm đó, tôi vừa phải hoàn thành việc học ở trường, vừa tìm hiểu thêm. Có những ngày, ba giờ sáng tôi dậy mày mò tìm hiểu đến năm giờ rồi mới đến trường. Sự cố gắng của tôi được đền đáp, hoàn toàn không phải chỉ may mắn.
*Câu chuyện “một cú ăn ngay” với Ngẫu hứng năm 2015 có tạo áp lực cho anh vì khi thành công quá sớm, người ta thường không biết bước tiếp theo nên làm gì?
- Trong giai đoạn 2015 - 2016, tôi không biết âm nhạc mình sẽ làm trong thời gian sắp tới là gì. Tôi có phần bị lạc lối, mâu thuẫn vì không biết nên lựa chọn an toàn hay nên đi theo ước mơ lớn. Trong hai năm đó, tôi bị ảnh hưởng cảm xúc nên các ca khúc viết ra cũng không thật hài lòng.
Mọi người xung quanh định ra những con đường cho tôi khá an toàn. Họ nghĩ rằng tôi rồi sẽ nhanh chóng thành công như một số đàn anh trong nghề. Họ quay ngược trở lại, nói hướng tôi chọn - đưa âm nhạc ra thế giới - là hướng đi sai vì quá khó. Nếu tôi ngoan ngoãn tập trung vào thị trường trong nước, có thể giờ đây, tôi đã làm giám đốc âm nhạc của nhiều chương trình, đứng sau các bản hit của ca sĩ nổi tiếng... Đó là những điều tôi từng mơ nhưng không phải là mục tiêu dài hạn trong sự nghiệp.
* Anh từng nổi tiếng với danh xưng “Cậu bé vàng” - Golden Boy từ khi giành giải quán quân tại The Remix 2017. Người ta thường thích được ngợi khen nhưng có vẻ anh không thích điều này?
- Ngay từ khi danh xưng “Cậu bé vàng” xuất hiện, tôi không thật sự thoải mái nhưng không thể phản ứng gay gắt vì đó là tình cảm từ mọi người. Tuy nhiên, đã có nhiều lần tôi nói khéo về chuyện bản thân không đồng tình với danh xưng đó. Tôi cảm thấy áp lực, cảm thấy bị đổ dồn sự chú ý vào mình nhiều hơn. Trong khi tôi cũng chỉ là một nghệ sĩ làm nhạc như bao người; khi được tung hô như vậy, tôi thấy không phù hợp. “Cậu bé vàng” chỉ ở một độ tuổi nhất định, còn bây giờ tôi 24 tuổi thì danh xưng đó không còn nhiều ý nghĩa, nó đã chết khi tôi trưởng thành.
|
Hướng đến thị trường quốc tế nhưng Hoaprox vẫn dành sự quan tâm đến thị trường âm nhạc trong nước |
* Giấc mơ Grammy của anh cho tới hiện tại, còn bao xa để đạt được?
- Giấc mơ Grammy vẫn còn đó. So với thời điểm trước, bây giờ, tôi đã tiến gần đến hơn một chút nhưng quãng đường còn rất xa. Có nhiều nghệ sĩ là sao hạng A nhưng không đạt được Grammy. Có thể tôi cũng không gặp may như họ nhưng tôi hạnh phúc vì vẫn đang trên con đường thực hiện.
Grammy là thứ đại diện cho mơ ước của tôi về thành tựu âm nhạc. Trong vài năm tới, nếu có giải thưởng nào lớn hơn Grammy, tôi sẽ chinh phục. Ước mơ của tôi là một giải thưởng âm nhạc quốc tế cao nhất. Tôi không tự cao nhưng tôi muốn đã mơ thì mơ cho thật lớn vì khi mơ lớn, động lực để thực hiện mới đủ mạnh. Tôi từng nghe ai đó nói nếu mơ giấc mơ có tầm vóc thì giả sử bạn không đến được vạch đích, bạn cũng sẽ ở những vị trí lấp lánh, chúng luôn tốt hơn việc đứng tại chỗ. Tôi đánh cược với chính mình.
Diễm Mi (thực hiện)
(Ảnh nhân vật cung cấp)