Những ngày cuối tháng Mười, đường phố tràn ngập hình ảnh ma quỷ cho lễ hội Halloween. Với người bình thường, ma chỉ là “chú hề” chọc cười, nhưng với người yếu bóng vía, đó là một nỗi ám ảnh kinh hoàng. Những nỗi sợ kỳ quái và vô lý trong cuộc sống hôn nhân cũng gây bao chuyện dở khóc dở cười.
Khốn khổ vì liên tưởng
Nhân duyên của chị Cẩm Hoài (nhân viên tư vấn bảo hiểm, ngụ Q.7, TP.HCM) suýt gãy đổ chỉ vì trò chơi dại của người yêu một tháng trước ngày cưới. Biết chị sợ ma, chàng tắt đèn, xõa khăn trắng và ngậm cây nhang trong miệng để hù chị.
Chị hoài xỉu ngay tại chỗ. Khi tỉnh dậy, chị “từ hôn” vì cho rằng, người yêu biết điểm yếu của chị mà vẫn hù dọa, chẳng quan tâm đến an nguy của chị thì mong gì là điểm tựa cho đời chị. Vị hôn phu khóc đứng khóc ngồi, năn nỉ xin chừa.
Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Lan Hải, có 1.001 đối tượng để sợ, nhưng cơ chế chung của nỗi sợ chỉ đơn giản là sự liên tưởng và phóng đại. Có những nỗi sợ vu vơ đến… phi lý nhưng người trong cuộc vẫn bị tê liệt thần kinh khi gặp. Trái thanh long đẹp là thế, nhưng chị Hạnh Trâm (giáo viên, ngụ Q.2, TP.HCM) lại hét ầm ĩ vì tưởng con rận khổng lồ.
Chồng chị làm mọi cách - từ động viên, giải thích đến mua về chất đầy dĩa, bắt phải ăn, chị càng né. Một ngày, chị cho con ăn mè đen, đứa bé òa khóc, vùng chạy. Chị bất ngờ liên kết với nỗi sợ thanh long của mình trong tiềm thức. Mè đen hay trái thanh long thì có gì đáng sợ đâu. Từ đó, chị thoát khỏi ám ảnh sợ hãi.
Nâng đỡ vợ phút yếu đuối
Chuyện thật như đùa xảy ra với một nữ anh hùng: từng lừng lẫy, hiên ngang trước họng súng của quân thù nhưng lại tím tái, hốt hoảng trước em bé sơ sinh chính mình vừa rứt ruột đẻ ra.
Với bà, em bé đỏ như con chuột, tiếng khóc lại nheo nhéo như mèo, da thịt mềm như bột, tay chân lòi chòi như chú rùa lật ngửa - một tổ hợp gớm ghiếc, “bất an”. May mắn là chồng bà đã ”cứu vớt” đời vợ lẫn con. Ông tạm xin nghỉ, ở nhà chăm con.
Ông tạo điều kiện để con gần mẹ. Những động tác xoay đầu, quơ tay, chớp mắt của bé được ông diễn giải: “Bé đòi mẹ ẵm vì mẹ đẹp”. Những lúc ôm bà, ông vòng tay ôm cả hai mẹ con để tập quen hơi. Bà không thể tiếp cận con, không cho bú được, ông giúp bà vắt sữa, trữ vào bình cho con.
Nhờ sự kiên trì của ông cộng việc bé đã qua thời kỳ “đỏ hỏn”, bà dần tham gia vào việc chăm sóc con, không còn sợ nữa. Lòng biết ơn của bà dành cho ông gói gọn trong câu: “May mà em cưới được một ông có bản năng làm mẹ”.
Không dễ giúp bạn đời vượt qua nỗi sợ đã ăn sâu từ thuở bé. Chị Cẩm Hoài sau đó vẫn kết hôn vì anh đã hứa sẽ suốt đời dắt chị đi toilet. Chẳng là, chị không dám đi một mình ra toilet giữa đêm vì luôn có cảm giác “bọn ma” lùa ra từ toilet.
Có khi chị hét váng nhà chỉ vì cái bóng mình in trên cửa kính. Hồi nhỏ, chị gọi cha mẹ, anh chị đi cùng. Lấy chồng, chị khều người “bạn cùng giường”, nhờ giúp. Lắm khi anh đang ngáy khò khò, cũng phải mắt nhắm mắt mở dậy “tiễn chị”. Lúc mang thai, mỗi đêm chị “dựng đầu” anh hai, ba lần.
Bực bội với nỗi sợ “tào lao” của vợ, anh chồng làm đủ cách để “hù cho quen”. Anh rủ chị coi “phim ma” để giải thích rằng ma quỷ chỉ là tưởng tượng. Anh dán hình hoa hồng, dòng suối lên cái gương soi trong nhà vệ sinh - nơi chị thường thấy… mặt ma. Có việc phải đi khuya, anh nhắn tin: “Em cứ bật hết đèn, ti vi lên cho vui. Anh sống… bao nhiêu năm nay có thấy con ma nào đâu!”.
Thử thách tột cùng để chị đánh bật được bóng ma là thời gian nuôi con nhỏ - chị phải ôm con ngồi xa phòng ngủ để tiếng khóc của con không làm chồng mất ngủ. “Thấy mình thành gánh nặng cho người thân, tui quyết tuyên chiến với nỗi sợ. Giờ tôi chỉ còn sợ chồng mình bị “ma nữ” bắt mất thôi!” - chị Hoài cười.
Cùng với sự trưởng thành của cơ thể, của kiến thức, kỹ năng; nỗi sợ trong mỗi người cũng được nuôi lớn. Sợ độ cao, sợ lửa, sợ xe cộ, sợ chó… và chúng thường gắn với một hay nhiều sự cố đáng tiếc trong đời. Bên cạnh việc ngán ngại những “thế lực bạo quyền” đó còn có những nỗi sợ lạ lùng, như: sợ ma, côn trùng, hốc cây, nhúm tóc, bọt xà bông…
Tô Diệu Hiền
Hãy cho bạn đời…quyền được sợ
Người mắc chứng ám ảnh sợ hãi thường sợ quá mức và vô lý đến hoảng loạn với những vật hoặc các tình huống không thực sự quá nguy hiểm. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt trong gia đình, tại nơi làm việc hoặc trong môi trường xã hội.
Việc đối diện với các tình huống sợ hãi sẽ đẩy nhịp tim đập nhanh hơn, khiến bệnh nhân thở gấp, cảm thấy mắc nghẹn, đau thắt ngực, toát mồ hôi, rối loạn tiêu hóa, không thể kiểm soát các hành động của mình.
Con gái tôi rất sợ gián, xuất phát từ việc bị người lớn dọa “bắt con gián” mỗi khi cháu quấy khóc hồi bé. Cháu có thể tê liệt mọi giác quan khi thấy gián bay. Vào lớp, cháu bị bạn ghẹo bằng cách lấy hai sợi tóc kẹp vào cuốn vở, giả làm râu gián. Có lần, cháu bị bạn trai bắt nạt, đẩy vào phòng vệ sinh cũ - “vương quốc” của loài gián - khiến cháu sợ chết khiếp và ngất đi.
Khi bạn có nỗi sợ nào đó là bạn tạo cơ hội cho người khác khống chế mình, thực hiện những điều xấu: xâm hại, cướp bóc, khống chế, bắt ép làm điều họ muốn... Cuộc sống sẽ luôn phải dè chừng, hoang mang, mất nhiều cơ hội tận hưởng, mất hạnh phúc, mất vui. Vì vậy, cần phải vượt qua nỗi sợ bằng nội lực bản thân và người thân.
Với nỗi sợ của thành viên trong gia đình, người nhà nên công nhận thay vì chỉ trích. Hãy khích lệ, an ủi khi cần thiết và cố gắng tìm cách giải quyết.
• Hạn chế nói: “Có gì đâu mà sợ!”. Hãy tôn trọng cảm xúc của họ.
• Không hù dọa, cố gắng “cải tạo” hoặc “rèn luyện” quá mức.
• Không trêu chọc, giễu cợt, thúc giục, phủ nhận cảm xúc này. Đừng tỏ ra khó chịu, chán nản, bực bội khi thấy họ trở nên “kém cỏi”, nhút nhát, sợ hãi vô cớ. Điều này chỉ càng làm họ cảm thấy mất chỗ dựa và càng sợ hãi.
• Nhẹ nhàng cho người thân tiếp xúc với “con ngoáo ộp” gây sợ ấy theo mức độ tăng dần để giảm bớt sợ.
Nếu làm đủ cách mà vẫn cứ “sợ là sợ thôi”, hãy công nhận… “quyền được sợ” của người thân.
ThS-BS Lan Hải