Đa phần những trường hợp này đều vượt tuyến chỉ để khám những bệnh mạn tính thông thường mà y tế tuyến cơ sở hoàn toàn điều trị được. Tại sao lại như vậy?
Cả năm chỉ hai người đến sinh nở
Chín giờ ngày 11/10, chúng tôi có mặt tại trạm y tế (TYT) xã Vĩnh Hưng, H.Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Trạm là dãy nhà một trệt một lầu khang trang, có tám nhân viên y tế (hai bác sĩ) và đầy đủ các phòng sinh nở, khám thai, siêu âm, xét nghiệm, lưu bệnh… Nhưng đã nửa buổi sáng mà trạm vẫn chỉ có những nhân viên y tế ngồi nói chuyện với nhau. Mãi sau mới có một bệnh nhân là cụ P.T.N., 84 tuổi, ở ấp Bắc Hưng, tới đo huyết áp.
Tham quan phòng xét nghiệm trên lầu, máy móc trùm mền; phòng sinh nở, khám thai, siêu âm, lưu bệnh… với đầy đủ máy móc trang thiết bị vẫn còn mới tinh, nhưng bên ngoài cửa đóng then cài. Bác sĩ Nguyễn Văn Mến - trưởng trạm - cho biết, từ đầu năm tới nay ở xã có 180 thai phụ đến khám thai nhưng chỉ có hai người sinh nở tại trạm, còn lại họ lên huyện hết.
|
Trạm y tế xã, phường có phòng ốc khang trang, có cả phòng sinh, phòng khám thai, nhưng luôn cửa đóng then cài vì không có bệnh nhân - Ảnh: Thanh Huyền |
Dược sĩ trung cấp Trần Văn Hiếu - TYT xã Vĩnh Hưng - cho biết, hiện tại trạm mới chỉ đạt được 70% danh mục 241 loại thuốc mà Bộ Y tế quy định, nhóm thuốc đang thiếu chủ yếu là thuốc giảm đau và hen suyễn. “Có ba bệnh nhân đến trạm khám hen suyễn nhưng do không có thuốc nên họ đã lên thẳng tuyến huyện để điều trị” - dược sĩ Hiếu nói.
Tương tự, người dân tới TYT P.Nhà Mát, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu chủ yếu để châm cứu, điều trị nhức mỏi vai gáy. Nhưng nơi đây chỉ có một y sĩ y học cổ truyền, hết ca không có người thay thế, trong khi bệnh nhân cần điều trị liên tục theo liệu trình thì mới được bảo hiểm y tế thanh toán. Bất cập này khiến bệnh nhân bỏ trạm, lên điều trị ở tuyến trên. Mới đây, Trường mầm non Hoa Hồng, P.Nhà Mát, TP.Bạc Liêu có bảy bé bị bệnh tay chân miệng nhưng các phụ huynh đã bồng con lên thẳng bệnh viện huyện chứ không đến TYT phường. Bệnh viện huyện sau đó đã báo về TYT phường để nắm tình hình. Các cán bộ y tế của trạm phải thuyết phục phụ huynh đưa con về trạm điều trị.
Mỗi khi ngành y tế làm việc với tuyến y tế cơ sở và chỉ ra tồn tại là hoạt động chưa hiệu quả thì lãnh đạo các đơn vị này thường thanh minh: không có bác sĩ, cơ sở hạ tầng xuống cấp, trang thiết bị y tế thiếu, danh mục thuốc quá ít… Thật ra, những điều này đều có nhưng không thể đổ lỗi vì khó khăn, thiếu thốn mà bệnh nhân không đến. Bởi thực tế, cùng điều kiện như vậy, vẫn có nơi thu hút bệnh nhân, hoạt động khá hiệu quả. Điều này cho thấy, dù trong hoạt động mang tính chuyên môn cao nhưng yếu tố con người, thái độ phục vụ là điều quan trọng.
Bỏ quên thái độ phục vụ
Lúc 13g45 ngày 19/10, chúng tôi tìm đến TYT P.6. Q.10 (400 Nguyễn Chí Thanh) với lý do đang đi trên đường thì bị choáng váng. Khi tôi vừa vào thì có một nữ nhân viên bước ra với vẻ ngái ngủ. Cứ tưởng cô ấy tiếp mình nhưng là để nghe điện thoại, xong cô quay vào trong. Hơn 5 phút sau, một cô gái trẻ mặc đầm xanh ra: “Chị bị gì?”. Sau khi hỏi sáng giờ tôi ăn uống gì chưa, cô bảo “để em đo huyết áp cho”. Trở vô phòng, cô vừa kéo ngăn tủ ra vừa lẩm bẩm “máy đo huyết áp đâu rồi?”. Cô bước qua căn phòng thứ hai, cũng vẫn câu hỏi đó và quay trở lại phòng đầu tiên. Cô vẫn lầu bầu “để ở đây mà sao không thấy”. Rồi cô cũng tìm thấy máy đo huyết áp. Khi đó, người phụ nữ lớn tuổi mặc đầm hoa ra đo huyết áp cho tôi. Mặt chị lạnh tanh chị hỏi sáng có ăn uống gì không. Sau khi đo huyết áp cho tôi, báo là bình thường chị ra cửa lấy xe đi một mạch.
Toàn quốc có đến 11.142 trạm y tế phường, xã với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn. Thế nhưng, thực tế người dân ngày càng ít đến trạm y tế phường, xã. |
Còn lại mình tôi ngồi ở bàn tiếp nhận bệnh. Tôi xin cô nhân viên trẻ: “Chị mệt quá, có giường cho chị nằm nghỉ chút được không?”. Cô nhân viên trả lời: “Tụi em đang làm báo cáo, giấy tờ bày đầy ra giường không có chỗ nằm chị ơi”. Tôi lấy tay ôm đầu, tỏ vẻ vì mệt, nhưng cô nhân viên cũng không có động thái nào. Cô quay vô phòng và mất tăm. Hơn 10 phút sau, cô mới quay lại bàn… lấy nước uống và hỏi tôi “chị thấy đỡ chưa?”. Tôi nói khỏe, cảm ơn cô và chào ra về.
Cũng với lý do trên, chiều 19/10, tôi đến TYT P.12, Q.5 (227 Nguyễn Chí Thanh). Vừa thấy tôi, cô nhân viên mặc áo blouse đứng dậy niềm nở: “chị cần em giúp gì ạ?”. Vừa nghe tôi nói bị mệt, choáng cô liền mời tôi lên chiếc giường với tấm drap trắng tinh gần đó: “chị nằm nhắm mắt cho đỡ mệt rồi em đo huyết áp nhé”. Cô hỏi thăm tôi ăn gì chưa, có đang bị bệnh gì không, tối qua ngủ được không? Sau đó, cô đo huyết áp cho tôi và dặn nằm nghỉ khi nào khỏe hãy về. Chốc chốc, cô đến sờ trán và hỏi tôi đỡ mệt chưa. Khi tôi nói hết mệt và ngỏ ý về, thì cô đo huyết áp cho tôi lần nữa. Cô theo tôi ra tận cửa và dặn: “Chị chạy xe cẩn thận nhé. Chị nhớ ngủ đủ giấc nghen”. Sự nhiệt tình của cô cho tôi niềm tin: bất cứ người bệnh nào đến đây cũng cảm thấy ấm lòng và sẽ quay trở lại khi cần.
Còn ở TYT P.1, Q.6, sáng 19/10, trong hai giờ, có bảy bệnh nhân đến khám. Bệnh nhân Đặng Kim Kiều ở 37-39 Ngô Nhân Tịnh, P.1, Q.6 bị mệt, chóng mặt, hoa mắt… được bác sĩ Đinh Quốc Tùng chẩn đoán rối loạn tiền đình, được cho vào phòng bệnh nằm nghỉ và truyền dịch. Anh Ngô Đoan H. bị ung thư không ăn uống được, đến TYT để được truyền dịch bổ sung dinh dưỡng. Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, ở 165/4A Văn Thân, P.8, Q.6 bị sốt, choáng, mệt đến khám. Ông Tô Cửu Công, ở 3197 Chu Văn An, Q.6, đến đo huyết áp và ba bệnh nhân khác đến rửa vết thương.
Điều dưỡng Đào Thị Kiều Vân cho biết: trung bình nơi đây tiếp nhận khoảng 120-150 bệnh nhân đến khám, nhận thuốc mỗi tháng (tổng số dân của phường là 12.555 người) và cũng ngần ấy người đến nhờ rửa vết thương, thay băng. Lý giải vì sao một TYT nhỏ không có kỹ thuật cao, hay những thiết bị y tế như siêu âm, x-quang nhưng vẫn thu hút bệnh nhân, chị Vân cho rằng: “Có lẽ do bọn em tận tình, vui vẻ phục vụ. Với suy nghĩ: khi vào bệnh viện, mình cũng mong muốn được chăm sóc ân cần, nên tụi em luôn làm việc để mọi người hài lòng và quay lại lần sau nếu có vấn đề sức khỏe”.
Chính sự hết lòng với bệnh nhân tạo niềm tin cho người dân để mỗi khi bệnh thông thường, người dân tìm đến TYT trước. Khi đó, người dân vừa đỡ mất công sức, thời gian và y tế tuyến trên cũng bớt quá tải.
Tại hội nghị nâng cao chất lượng y tế xã/phường được tổ chức ở TP.HCM ngày 10/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã thẳng thắn rằng: danh mục số lượng thuốc bảo hiểm y tế ở TYT thiếu rất nhiều loại, trung bình mỗi xã chỉ đạt 36,5%. Đây cũng là rào cản ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân và là nguyên nhân khiến bệnh nhân vượt tuyến.
Sở dĩ trạm y tế thiếu thuốc là do không có bác sĩ chỉ định (thiếu bác sĩ), không có bệnh nhân nên không dự trù, thuốc không có trong danh mục trúng thầu… Các TYT mặc dù được khuyến khích nên có quầy thuốc để phục vụ đảm bảo nhu cầu của nhân dân, nhưng kiểm tra ba TYT tại tỉnh Long An thì cả ba trạm đều có dược sĩ trung học, nhưng không mở được quầy thuốc vì bằng cấp đã cho thuê.
Sau nhiều năm, y tế phường, xã cũng mới chỉ cải thiện được cái vỏ cơ sở vật chất phòng ốc, máy móc thiết bị, còn điều cốt yếu nhất là con người thì vẫn chưa thể giải quyết. Bà Phan Lê Thu Hằng - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế - cho rằng, tâm lý chung chẳng bác sĩ nào muốn về y tế phường, xã làm. Thực tế này khiến y tế phường, xã không được nâng chất mà còn làm cho việc đầu tư cơ sở vật chất trở nên lãng phí.
|
Thùy Dương - Thanh Huyền