Đưa bệnh nhân nhẹ nhàng bước về phía thần chết

14/12/2020 - 06:15

PNO - Chứng kiến cái chết của cha năm 17 tuổi, chị quyết tâm trở thành bác sĩ cứu người. Một ngày, khi biết mẹ mình không thể qua khỏi, chị lúng túng tự hỏi làm sao… trao mẹ cho “thần chết” một cách nhẹ nhàng nhất.

 

Với bác sĩ Ngọc Thể, dìu bệnh nhân qua dốc cuối cuộc đời cũng là thiên chức của người thầy thuốc
Với bác sĩ Ngọc Thể, dìu bệnh nhân qua dốc cuối cuộc đời cũng là thiên chức của người thầy thuốc

 “Người ta thường nói nghề chọn người chứ người không chọn nghề, có thể họ đúng nhưng với tôi thì không. Trước mỗi giai đoạn quan trọng của sự nghiệp, tôi gặp một biến cố. Đó là nỗi đau, mà cũng như… động lực để tôi quyết tâm làm tốt hơn phần việc của mình”, tiến sĩ - bác sĩ Thân Hà Ngọc Thể - Trưởng khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - mở đầu câu chuyện.

1.

17 tuổi, cũng như bao nữ sinh khác, Ngọc Thể loay hoay với suy nghĩ sẽ thi vào trường đại học nào, làm công việc gì trong tương lai. Đang nghĩ về những dự định chọn ngành nghề thì sự ra đi đột ngột của người cha đã giúp Ngọc Thể quyết tâm trở thành bác sĩ để cứu người. Cô thi đậu vào Trường đại học Y Dược TPHCM, ngày ngày cố gắng hoàn thành giấc mơ trở thành bác sĩ. Ra trường, cô chọn chuyên ngành tim mạch, sau đó là bác sĩ tim mạch can thiệp tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Hơn 20 năm đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, bác sĩ Thể đã từng cấp cứu giành lại bao sinh mạng cho người bệnh. Mỗi cuộc chiến nơi cửa tử, bác sĩ Thể cùng đồng nghiệp cảm nhận rất rõ sự kỳ diệu của y học. Không chỉ là thuốc kịp lúc, mà người thầy thuốc phải là một chiến binh không bao giờ được từ bỏ. 

Thế nhưng, năm 2011, bác sĩ Thể khiến bạn bè, người thân ngỡ ngàng khi chuyển sang chuyên ngành lão khoa. Đến năm 2013, chị lại theo đuổi chuyên ngành chăm sóc giảm nhẹ. Từ một “chiến binh” nơi cửa tử, giành giật từng mạng sống của bệnh nhân, chị trở thành “Người đồng hành với bệnh nhân cận tử”. Thay vì có được sự biết ơn, cảm kích lúc cứu người bệnh qua nguy kịch, giờ đây, đôi khi chị phải nhận lại sự la mắng, bất mãn của thân nhân người bệnh khi buộc nói rằng bệnh nhân cần được an nghỉ.

Hỏi chị có thấy nghịch lý không, khi ai cũng nghĩ nhiệm vụ cao cả của một bác sĩ là cứu người, riêng chị lại chọn lĩnh vực không có lối ra, còn từng bước “dâng” bệnh nhân của mình đến bên thần chết, chị lắc đầu, gượng cười, nụ cười pha lẫn nước mắt như chính niềm nuối tiếc âm ỉ trong tám năm qua - kể từ ngày mẹ chị qua đời.

Chị chậm rãi: “Sự ra đi của má tôi ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Nhìn má từng bước rời xa mình, dù lúc đó đã là bác sĩ hơn 20 năm, tôi vẫn thấy mình lúng túng, không biết phải chuẩn bị điều gì cho má, cho mình và cho người thân của mình khi má đang đến sát bờ sinh tử. Lúc đó, tôi càng thấm thía hơn nỗi niềm thân nhân người bệnh. 

2.
Sau sự ra đi của mẹ, chị nhận ra thành công của người thầy thuốc không chỉ là chữa khỏi cho bệnh nhân. Không thể đảo lộn quy luật cuộc sống nhưng bác sĩ có thể làm cho người bệnh cao tuổi hay người trẻ mắc bệnh nan y, mạn tính vẫn có khoảng thời gian dễ chịu cho tới tận những phút cuối của cuộc đời. 

“Tôi biết không gì đau khổ hơn khi người bệnh cảm nhận được bệnh của họ đã không còn đáp ứng điều trị đặc hiệu. Tôi không muốn chuyện với má tôi lại xảy ra cho những người cao tuổi khác, cũng như không muốn thân nhân người bệnh phải trải qua cảm giác nuối tiếc hay tội lỗi vì đã không làm theo nguyện ước của người đã khuất”, chị chia sẻ.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bác sĩ Thể cười: “Không phải ai cũng thấu hiểu việc làm của mình. Văn hóa của người Việt Nam có ai muốn nói đến chết chóc đâu, nhất là với người nhà của họ. Thân nhân không muốn nghe, người ta còn nói mình trù ẻo. Thêm phần, một bệnh nhân có rất nhiều thân nhân, mỗi người lại có một ý nghĩ khác nhau”.

Có tình huống bác sĩ mời người nhà của nam bệnh nhân khoảng 60 tuổi, bị ung thư tụy giai đoạn cuối đến thảo luận với gia đình về kế hoạch chăm sóc cận tử cho người bệnh. Người vợ thấu hiểu, hợp tác tốt với nhân viên y tế, trong khi em ruột của bệnh nhân dứt khoát không chấp nhận sự thật, đòi phải cứu bằng được anh của mình, đồng thời gây hấn với tất cả người thân còn lại trong gia đình lẫn nhân viên y tế. Ông giăng băng rôn “bác sĩ giết người” trước cổng bệnh viện, gửi đơn tố cáo công an, gây áp lực rất nhiều cho nhân viên y tế. 

“Thương nhất là bệnh nhân, ban đầu ông chấp nhận bệnh của mình, sắp xếp công việc, ý nguyện để thực hiện trước khi ra đi. Khi người em tác động, ông bị xáo trộn, vừa muốn thoát khỏi nỗi đau đớn của bệnh tật, vừa... sợ chết, vừa mắc kẹt trong sự xung đột giữa vợ mình và em ruột. Chỉ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra bệnh án, có kết luận rõ ràng thì em của người bệnh mới ngưng “khủng bố” gia đình và các nhân viên y tế. Lúc này, không chỉ bệnh nhân sợ hãi, mà nhân viên y tế cũng rất căng thẳng”, bác sĩ Thể nói.

Quá tải, kiệt sức, căng thẳng đã làm cho không ít nhân viên y tế trong khoa phải xin chuyển đi khoa khác hoặc đổi nghề. Việc phải chứng kiến người bệnh của mình xuống dốc dần dần về thể chất lẫn tinh thần cũng là một áp lực không nhỏ cho nhân viên y tế làm việc tại Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ. 

3.
Thế nhưng, đối mặt với sự hăm dọa của gia đình người bệnh không khó bằng việc bác sĩ phải làm sao giúp bệnh nhân hiểu và chấp nhận được bệnh của mình, hiểu hơn về giá trị thời gian còn lại, thực hiện ước nguyện cuối đời để ra đi một cách thanh thản nhất. Từ đó, người nhà cũng đỡ tiếc nuối, đau lòng hay vương vấn về những điều chưa kịp thực hiện với người đã mất.

Bác sĩ Thể nói: “Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ là lĩnh vực mới nhưng rất có ý nghĩa đối với người bệnh, đặc biệt là người mắc bệnh nan y giai đoạn cuối, khi y học dù hiện đại cách mấy vẫn không thể chữa khỏi. Trong trường hợp này, đội ngũ nhân viên làm việc trong khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên công tác xã hội, chuyên viên tâm lý… có thể đồng hành cùng người bệnh, giúp người bệnh bớt đau khổ về thể chất lẫn tinh thần, giúp người nhà hiểu rõ hơn nguyện vọng người bệnh về ý nguyện cũng như được chăm sóc, yêu thương.

Chính vì mục tiêu đó, không chỉ ở bên cạnh người bệnh mà chúng tôi còn muốn “chữa” cách nghĩ của thân nhân người bệnh, bởi lúc đó người bệnh cần được lắng nghe, chia sẻ. Chúng tôi tin rằng nếu mình đến với bệnh nhân và gia đình người bệnh bằng sự chân thành, thấu cảm thì không khó để nhận được sự yêu thương, tin tưởng từ họ”.

Hỏi bác sĩ Thể có hối hận gì không khi sự nghiệp đang thuận lợi lại chọn con đường cam go như vậy, chị lắc đầu. Bởi dẫu rằng không còn giữ được cuộc sống lâu hơn cho người bệnh, người thầy thuốc vẫn có thể xoa dịu những đớn đau, bế tắc cả thể xác lẫn tâm hồn người bệnh, giúp họ đón nhận quy luật cuộc đời không hối tiếc, giúp người thân của họ yên lòng vì mình đã làm tất cả những gì có thể.

Và có lẽ, một cách nào đó, giúp con người ta đi qua dốc bên kia của cuộc đời, quẳng gánh lo toan, nhẹ nhàng bước về phía thần chết, khi không còn sự lựa chọn nào khác, cũng là một thiên chức của người thầy thuốc. 

Phạm An

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI