PNO - Sở hữu loạt ca khúc kinh điển và vũ đạo mê hoặc, bộ phim ra đời năm 1987 cho thấy sự vượt khỏi khuôn khổ của một câu chuyện về điệu nhảy khi đề cập đến những vấn đề thức thời, thậm chí cấm kỵ của xã hội bấy giờ.
Dirty dancing được thực hiện bởi một ê kíp tập hợp những con người táo bạo - một đạo diễn nam đồng tính, một biên kịch nữ và nhà sản xuất nữ, trong thời điểm nam giới thống trị ngành công nghiệp điện ảnh.
Nước đi mạo hiểm từ nữ biên kịch
Phim lấy bối cảnh vào mùa hè năm 1963. Cô gái 17 tuổHi Frances Houseman (Jennifer Grey), biệt danh thường gọi “Baby”, cùng gia đình nghỉ hè ở khu resort Catskills. Đây là nơi nghỉ dưỡng dành cho tầng lớp thượng lưu. Cô và vũ công Johnny Castle nhanh chóng phải lòng nhau sau khi khiêu vũ ở buổi nhảy múa của nhóm người lao động trong Catskills. Trong đêm đó, cô phát hiện Penny - bạn nhảy của Johnny - mang thai và có thể không làm việc được. Người khiến Penny có thai là Robbie - gã sinh viên Đại học Y khoa Yale đào hoa đang ra sức tán tỉnh chị của Baby. Hiểu rằng hắn đã “quất ngựa truy phong", Baby mượn tiền của cha để giúp Penny đi phá thai. Cô thay thế Penny làm bạn nhảy với Johnny, khiến tình cảm cả 2 càng nồng thắm.
Sau khi phá thai, sức khỏe của Penny không tốt nên Baby đã nhờ cha mình đến khám và cho thuốc. Vì một sự nhầm lẫn, ông nghĩ rằng chính Johnny gây nên hậu quả này và cấm con gái bén mảng gần các vũ công, những người mà ông cho là “thấp hèn". Cặp đôi quyết định lén lút gặp nhau, thăng hoa qua từng điệu nhảy và chờ cơ hội thuyết phục gia đình chấp nhận tình yêu của họ.
Trailer phim Dirty dancing:
Trước Dirty dancing, đã có 2 bộ phim vũ đạo để lại dấu ấn trong điện ảnh Mỹ: Flashdance (Vũ điệu đam mê, 1983) kể về hành trình gian nan để trở thành vũ công chuyên nghiệp của cô thợ hàn Alex Owens (Jennifer Beals) và Footloose (Nhảy múa tự do, 1984) kể về việc cậu trai tuổi teen Ren McCormack (Kevin Bacon) cố phá vỡ luật cấm nhảy múa ở một nhà thờ. Những nhân vật có tính cách nổi loạn, thách thức định kiến, khuôn mẫu khắt khe trong nghệ thuật và trong xã hội là đặc điểm nổi bật của dòng phim trên. Với phim vũ đạo, điệu nhảy là linh hồn của bộ phim, là cá tính của nhân vật, dùng để kể câu chuyện; phần âm nhạc được tuyển chọn từ những bài hát phù hợp. Nhân vật không cần hát mà phải dùng các bước nhảy để làm nổi bật cảm xúc trong phim.
Eleanor Bergstein - một nữ biên kịch gốc Do Thái - đã viết Dirty dancing để hồi tưởng về thời ấu thơ của mình. Trước bộ phim này, bà đã thành công khi viết kịch bản cho It's my turn (Đã đến lượt tôi, 1980). Tuy nhiên, trong quá trình dàn dựng phim, nhà sản xuất quyết định cắt phân đoạn nhảy khêu gợi và thay bằng một cảnh nóng khác. Tại sao các cảnh tình dục táo bạo, khỏa thân không bị ngăn cấm trên màn ảnh nhưng nhảy múa lại bị cắt xén? Cảm thấy vô lý, bà quyết định viết kịch bản mới xoay quanh “dirty dancing" - điệu nhảy đòi hỏi sự tương tác thân mật giữa bạn nhảy nam và nữ, với nhiều động tác phô diễn sự gợi cảm.
Eleanor quyết định dùng chất liệu từ thuở ấu thơ để kể nên câu chuyện. Trong đó, nhân vật Baby và gia đình cô được xây dựng giống hệt như cuộc đời ấu thơ của nữ biên kịch. Eleanor được gọi là “Baby" cho đến khi bà bước qua độ tuổi 20. Cha bà là bác sĩ và giao toàn việc chăm sóc con cái cho vợ. Cả gia đình bà thường tận hưởng mùa hè ở khu Catskills.
Hoàn chỉnh kịch bản, bà cùng người bạn thân - nhà sản xuất Linda Gottlieb - bắt tay tìm đạo diễn và diễn viên phù hợp. Họ đặt ra tiêu chuẩn từ đầu: người làm phim phải có tư duy cởi mở và thành thục về các điệu nhảy. Đạo diễn Emile Ardolino, người vừa đạt giải Oscar và Emmy cho bộ phim tài liệu năm 1983 về người sáng lập trường dạy nhảy He makes me feel like dancing (Người thầy dạy nhảy múa) - là ứng viên sáng giá. Tâm đắc với kịch bản, Emile đã đồng ý, bất chấp rằng ông chưa có kinh nghiệm làm phim truyện.
Khâu tuyển diễn viên cũng vô cùng gian nan. Nhiều cái tên sáng giá như Sarah Jessica Parker, Winona Ryder... đã được đề xuất cho vai Baby nhưng cuối cùng đoàn lại chọn Jennifer Grey, khi ấy mới 26 tuổi, và đi thử vai chỉ vì… nghe lời cha. Jennifer không biết nhảy nhưng nét mạnh mẽ của cô đã thuyết phục được Eleanor.
Quá trình tuyển chọn diễn viên cho vai Johnny cũng nằm ngoài dự kiến của ê kíp làm phim. Nữ biên kịch yêu cầu nam chính phải có đôi mắt mí lót và giữa hàng trăm hồ sơ tiềm năng, bà lại “chấm” Patrick Swayze. Nghịch lý ở đây là trong hồ sơ dự tuyển, Patrick đã viết hoa yêu cầu “No dancing" (không nhảy múa). Xuất thân trong môi trường múa từ bé, có mẹ là một biên đạo kiêm vũ công, bản thân cũng trải qua quá trình tập luyện ballet ở New York nhưng nam tài tử phim i (Hồn ma) từ chối nhảy múa vì muốn tập trung vào chuyên môn diễn xuất.
Những phân cảnh nhân vật Baby lúng túng khi học nhảy đều tự nhiên vì bản thân Jennifer Grey không biết nhảy và những gì cô thể hiện trên màn ảnh đều là thật - Nguồn ảnh: YouTube
Đi trước thời đại
Bất kể câu chuyện tình yêu giữa 2 nhân vật chính có phần sến súa, phi lý, điều gì đã khiến một bộ phim về nhảy múa lại mang ý nghĩa văn hóa nhiều đến vậy? Đó chính là bởi phim đã đề cập rất nhiều vấn đề xã hội nhức nhối thời bấy giờ. Baby xuất thân từ gia đình giàu có nhưng cô có lòng trắc ẩn với những người lao động có địa vị thấp hơn. Ở tuổi 17, cô quyết theo học về kinh tế ở những quốc gia kém phát triển và muốn gia nhập một tổ chức phi chính phủ sau này. Sự phân biệt đối xử, miệt thị, tính dục hóa giai cấp lao động cũng được thể hiện rõ qua nhân vật Johnny và Penny. Họ bị lợi dụng về tình cảm và thể xác bởi những nhân vật tầng lớp thượng lưu, bị vu oan, thậm chí không được tiếp cận bình đẳng về y tế.
Bên cạnh đó, phim đề cập đến vấn đề phá thai và quyền phá thai an toàn của phụ nữ - một đề tài vẫn còn nhức nhối cho đến nay. Nhân vật Penny chọn phá thai “chui" và suýt rơi vào cửa tử. Trước khi phim ra rạp, nhà phát hành từng yêu cầu ê kíp làm phim cắt đi cảnh này. Tuy nhiên, Eleanor cùng nhà sản xuất Linda kiên quyết giữ lại vì họ tin rằng những vấn đề đó thực sự có giá trị và phải được nói ra. Cảnh này sẽ ảnh hưởng đến nguyên do nhân vật Baby quyết tâm học nhảy và đấu tranh cho tình yêu. Phải mất 10 năm kể từ khi bộ phim này ra đời, phụ nữ Mỹ mới xuống đường đấu tranh cho quyền được phá thai an toàn của mình.
Bên cạnh đó, phim đã lồng ghép nhiều ca khúc kinh điển của những ca sĩ và nhóm nhạc người da đen nổi tiếng vào thập niên 1960, như đoạn nhạc trước khi vào phim là Be my baby (Hãy làm người yêu em) của tam ca The Ronettes hay Cry to me (Khóc với anh) của cha đẻ nhạc soul Solomon Burke... Những bài hát thể hiện sự mãnh liệt trong tình yêu kết hợp với vũ điệu nóng bỏng và nhiều cảm xúc.
Một cảnh ấn tượng trong phim Nguồn ảnh: Vox
Dirty dancing đã trở thành một trong những phim đạt doanh thu ngất ngưởng trong năm 1987, vượt qua những định kiến và kỳ vọng của các nhà phát hành phim thời bấy giờ. Ca khúc I've had the time of my life (Khoảnh khắc cuộc đời) nhận được cả giải thưởng từ Viện Hàn Lâm và Quả cầu vàng cho hạng mục Ca khúc gốc xuất sắc nhất và cả giải Grammy cho màn song ca hay nhất. Bộ đôi diễn viên Jennifer Grey và Patrick Swayze cũng nhận được đề cử diễn viên xuất sắc ở giải Quả cầu vàng. Phim còn được chuyển thể thành phiên bản nhạc kịch Broadway.
9 năm kể từ Dirty dancing, vị đạo diễn Emile năm xưa qua đời vì căn bệnh AIDS. 22 năm từ khi thủ vai Johnny, tài tử Patrick Swayze cũng đã qua đời sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư tụy. Eleanor Bergstein từng nói: “Patrick Swayze từng băn khoăn rằng sau khi anh mất đi, liệu có còn ai nhớ đến mình không?” và câu trả lời là: Đến bây giờ, khán giả vẫn nhớ về người đàn ông hiền lành, lãng tử qua Ghost và Dirty dancing.
Sự cống hiến của Patrick cho Dirty dancing mãi là vô giá. Người ta sẽ không quên được có một người bất chấp cả đầu gối từng bị chấn thương để hết mình với vai diễn, từng nhập viện vì chấn thương trong lúc quay phim mà vẫn không lùi bước. Và đến nay, nhiều người yêu nhạc vẫn ngân nga ca khúc She's like the wind (Nàng như một ngọn gió) mà anh sáng tác và hát cho phim.