Dịp tết, nhập viện vì… uống thuốc

29/01/2022 - 06:44

PNO - Trong kỳ nghỉ tết Nguyên đán, nhiều cơ sở y tế cũng tạm ngưng khám bệnh, chỉ tập trung xử lý những ca cấp cứu. Thế nên khi gặp vấn đề về sức khỏe, mọi người thường tự “xử lý”, phổ biến nhất là tự… uống thuốc. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc không đúng cách sẽ gây ra các hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Uống thuốc cả vỏ gây tổn thương thực quản

Mới đây liên tiếp xảy ra các sự cố do uống thuốc chưa đúng cách. Ngày 11/1, bệnh nhi P.T.Đ. (ngụ Bình Dương) nhập viện vì nuốt luôn cả viên thuốc hạ sốt còn vỏ. Cạnh sắc nhọn của vỏ viên thuốc đã làm trầy xước niêm mạc thực quản của bé. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh nhi đã được nội soi gắp dị vật ra.

Cần dùng thuốc đúng cách để đón tết an toàn  - ẢNH MINH HỌA: INTERNET
Cần dùng thuốc đúng cách để đón tết an toàn - Ảnh minh họa: Internet 

Theo bác sĩ chuyên khoa I Lý Phạm Hoàng Vinh, Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, các dị vật thực quản như viên thuốc còn nguyên vỏ đã cắt rời thành hình vuông có cạnh nhọn rất nguy hiểm vì độ sắc bén có thể gây tổn thương thực quản và động mạch bên cạnh. Trẻ nuốt viên thuốc còn nguyên vỏ có thể dẫn đến các biến chứng không ăn uống được, tổn thương trầy xước gây áp xe thành sau họng, áp xe cổ, thậm chí thủng thực quản, tổn thương mạch máu...

Ngày 24/1, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa nội soi lấy dị vật cho một bệnh nhân COVID-19 bị hóc vỏ thuốc. Bệnh nhân là một phụ nữ 53 tuổi được đưa tới bệnh viện trong tình trạng nuốt đau. Các bác sĩ phát hiện một viên thuốc còn nguyên vỏ nằm trong thực quản người này.

Sơ ý hóc vỏ thuốc là tình trạng khá phổ biến được ghi nhận, chủ yếu xảy ra ở trẻ em và người lớn tuổi. Do đó, bác sĩ Lý Phạm Hoàng Vinh khuyến cáo: Khi lấy thuốc cho trẻ hay cho người lớn tuổi, cần bóc vỏ, lấy hẳn viên thuốc ra thay vì chỉ cắt viên thuốc từ vỉ còn nguyên vỏ. Trẻ nhỏ thường không biết phải bóc vỏ mới uống được thuốc; người lớn đưa thế nào, trẻ cứ thế nuốt, gây hậu quả nghiêm trọng. Tương tự, người già không còn minh mẫn nên đôi khi uống luôn cả vỏ thuốc.

Không được để người già tự quản lý thuốc

Người già thường đãng trí nên con cái cũng cần chú ý theo dõi sát, đưa tận tay và quan sát các cụ uống thuốc vào mỗi cữ để đảm bảo ông bà uống đúng thuốc, đúng liều.

Chị Đ.T.H.T. (ngụ TP. Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ về sai lầm khi cho mẹ mình uống thuốc. Mẹ chị T. đã 80 tuổi, bị rung nhĩ, hẹp động mạch vành (đã đặt stent). Ngoài ra, bà còn mắc bệnh đái tháo đường. Theo chỉ định của bác sĩ, ngày nào bà cũng phải uống thuốc điều trị đái tháo đường và thuốc tim mạch (trong đó có thuốc chống đông máu theo liều lượng rất khắt khe).

Chị T. chia thuốc vào hộp, thành từng ô, đủ cả tuần cho mẹ, thường xuyên nhắc nhở và tin tưởng bà sẽ uống đúng cữ. Bỗng dưng một ngày, bà bảo với con gái là thuốc uống hết rồi (trong khi hôm đó mới là thứ Tư). Chị T. tá hỏa kiểm tra hộp thuốc thì thấy hết sạch.

Thì ra mẹ chị đã uống nhầm, hết luôn cả phần thuốc của thứ Năm, thứ Sáu. Trong hộp có cả thuốc chống đông máu nên vô cùng nguy hiểm, chị vội vàng đưa mẹ vào bệnh viện thăm khám, kiểm tra. Rất may chưa có hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Bác sĩ cũng cảnh báo rằng nếu uống thuốc chống đông máu quá liều, mẹ chị có nguy cơ bị xuất huyết não, dẫn đến tử vong. 

Ngược lại với trường hợp của mẹ chị T., cụ ông N.D.T. (82 tuổi, một bệnh nhân đang khám và theo dõi đái tháo đường tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh - TP. Thủ Đức, TPHCM) bỗng dưng mệt mỏi, chóng mặt. Khi khám, bác sĩ phát hiện chỉ số đường huyết của cụ T. tăng vọt (trước đó cụ đang được điều trị rất ổn định).

Khi bác sĩ hỏi, cụ trả lời dạo này mình thường quên uống thuốc, con trai của cụ mới tá hỏa vì ngày nào anh cũng chia thuốc để sẵn ở nhà cho bố trước khi đi làm và cho rằng bố mình vẫn uống thuốc đều đặn.

Những sai lầm thường gặp khi sử dụng thuốc

Bác sĩ thực hiện nội soi gắp viên thuốc còn nguyên vỏ
Bác sĩ thực hiện nội soi gắp viên thuốc còn nguyên vỏ cho một bệnh nhân ở Cần Thơ

Để tránh những sai lầm trong việc sử dụng thuốc, giúp người dân đón tết an toàn, bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh - Phó khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - khuyến cáo các tình huống hay xảy ra để mọi người rút kinh nghiệm.

- Uống thuốc hạ sốt nhiều lần: Khi bị sốt, ta chỉ nên uống hạ sốt khoảng hai lần. Nếu tình trạng sốt vẫn kéo dài phải đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hiện nay, ngoài sốt do mắc COVID-19 còn có khả năng khác là mắc sốt xuất huyết. Nếu cứ ở nhà uống hạ sốt mà không đi khám sẽ rất nguy hiểm. 

- Uống thuốc hạ sốt quá liều, đặc biệt là đối với trẻ em: Đã có trường hợp bị ngộ độc Paracetamol do uống quá liều thuốc hạ sốt (khi nhập viện, chức năng gan bị ảnh hưởng, men gan tăng cao). Do đó, mọi người cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để canh đúng liều lượng và khoảng cách mỗi lần dùng thuốc hạ sốt. Triệu chứng ngộ độc Paracetamol ở trẻ: có dấu hiệu mệt mỏi, buồn nôn, nôn, khó chịu, vã mồ hôi, đau bụng, chán ăn…

- Không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi uống thuốc: Khi nhận toa thuốc từ bác sĩ, phụ huynh mua thuốc về cho trẻ uống. Thế nhưng có những loại thuốc dạng bột, hướng dẫn sử dụng chỉ dẫn phải đổ thêm nước, lắc đều rồi mới đong 5ml cho trẻ uống mỗi lần. Vậy nhưng phụ huynh lại hấp tấp không đọc kỹ, lấy thìa xúc luôn bột thuốc cho trẻ uống. Thuốc kháng sinh được cơ thể hấp thụ và chuyển hóa ở gan, đào thải qua thận. Vì vậy, việc lạm dụng thuốc kháng sinh dẫn đến tình trạng tích tụ chất độc ở gan, thận và gây ngộ độc nghiêm trọng.

- Hãy cho con uống thuốc đúng với độ tuổi: Không phải tự dưng mà nhà sản xuất quy định một số loại thuốc không dùng cho trẻ dưới ba tuổi, dưới mười tuổi, dưới 12 tuổi… Thứ nhất, nhiều trẻ không uống được thuốc viên, thuốc bào chế cho trẻ chủ yếu là dạng bột, si-rô. Nếu chúng ta mua thuốc viên của người lớn về rồi tự bẻ ra thì khó tránh sai liều lượng. Hơn thế nữa, có một số hoạt chất trong thuốc của người lớn được khuyến cáo không an toàn cho trẻ em. Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ nên không phải cứ máy móc “áng chừng” theo cân nặng mà tự chia liều thuốc.

- Uống nhầm thuốc do quản lý thuốc không khoa học: Nhiều trường hợp người lớn tuổi uống nhầm thuốc vì kém minh mẫn hoặc vì thị lực kém. Bên cạnh đó, không ít trẻ nhỏ uống nhầm vì… tưởng thuốc là kẹo. Tình huống này xảy ra do cha mẹ để thuốc bừa bãi, các loại thuốc để trong tầm với của trẻ, thuốc không được phân loại... Để tránh tình trạng này, các gia đình nên có tủ thuốc riêng, trong tủ thuốc cũng nên chia ra các ngăn theo từng loại bệnh. Tủ thuốc cần đặt ở vị trí ngoài tầm tay của trẻ.

- Bệnh nhân mạn tính không nên trữ quá nhiều thuốc: Tâm lý chung của mọi người là muốn lấy thuốc thật nhiều để an tâm nghỉ tết. Chỉ cần lấy một tháng thuốc là đủ. Sau tết, bệnh nhân nên đi tái khám để được bác sĩ căn chỉnh lại liều lượng tùy tình trạng bệnh. 

- Tự ý bỏ bớt thuốc: Nhiều người tự ý bỏ bớt thuốc trên toa của bác sĩ vì cho rằng không cần thiết. Thật ra, tất cả các loại thuốc được kê trong toa đều có ý nghĩa bổ trợ, phối hợp cho nhau. Việc tự ý bỏ bớt thuốc là sai, ảnh hưởng tới kết quả điều trị bệnh, đôi khi còn gây các tác dụng không mong muốn. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI