Định vị thương hiệu bằng dòng phim riêng

04/12/2024 - 07:13

PNO - Một số đơn vị sản xuất phim ngay từ đầu đã định hình được dòng phim riêng. Một số đơn vị khác sau thời gian thử sức qua nhiều thể loại cũng đã tìm ra hướng đi để tạo nên dòng sản phẩm đặc trưng. Tất cả giúp phim Việt có sự đa dạng, dễ nhận diện.

Nghĩ khác, làm khác

Ngày 3/12, bộ phim Công tử Bạc Liêu của Xưởng phim Màu hồng đã có buổi chiếu ra mắt. Cũng như phim điện ảnh đầu tiên của đơn vị này là Cô Ba Sài Gòn, tác phẩm của đạo diễn Lý Minh Thắng gây ấn tượng mạnh bằng việc kết hợp yếu tố lịch sử - thời trang. Thông qua ngôn ngữ thời trang, bộ phim như một nhật ký sống động ghi lại những thăng trầm của xã hội Đông Dương những năm 1930-1940 - nơi truyền thống Á Đông giao hòa với sự tinh tế của thời trang phương Tây.

Dấu ấn thời trang trong phim thể hiện qua con số may mới 100 bộ vest, 150 bộ áo dài, 50 bộ bà ba. Vài ngày trước, những trang phục áo dài trong phim đã được dàn diễn viên trình diễn trong đêm thời trang Ru hò xự xang xê cống của nhà thiết kế Thủy Nguyễn.

Phim Công tử Bạc Liêu (trên) và Cô Ba Sài Gòn (dưới) của Xưởng phim Màu hồng  luôn kết hợp yếu tố lịch sử - thời trang - Ảnh do đoàn phim cung cấp
Phim Công tử Bạc Liêu (trên) và Cô Ba Sài Gòn (dưới) của Xưởng phim Màu hồng luôn kết hợp yếu tố lịch sử - thời trang - Ảnh do đoàn phim cung cấp

Làm phim kể về văn hóa, con người, lịch sử thông qua điểm nhấn thời trang là hướng đi của Xưởng phim Màu hồng, do nhà thiết kế Thủy Nguyễn sáng lập. Nhà sản xuất phim Công tử Bạc Liêu - anh Giang Hồ - cho biết: “Xưởng phim Màu hồng hướng tới dòng phim kể về văn hóa, con người Việt Nam một cách đậm nét. Không phải vay mượn văn hóa chỉ để kể chuyện mà phải kể sao để khán giả hiểu. Chẳng hạn, xem Cô Ba Sài Gòn sẽ hiểu chiếc áo dài được may như thế nào chứ không lấy hình ảnh áo dài đưa vào phim để kêu gọi sự ủng hộ trang phục này. Xem Công tử Bạc Liêu sẽ hiểu tường tận về con người Bạc Liêu, người miền Tây thời đó ra sao. Sắp tới, sẽ có dự án làm về đám cưới truyền thống. Cách này là một bước định vị thương hiệu cho khán giả biết tới Xưởng phim Màu hồng sau thời gian loay hoay chọn hướng đi riêng”.

Bộ phim Linh miêu - Quỷ nhập tràng đang chiếu rạp là tác phẩm thứ hai trong chuỗi phim kinh dị của 89S Group. Sau hình ảnh chó đội nón mê (phim Quỷ cẩu), mèo đen (phim Linh miêu - Quỷ nhập tràng), sẽ có hơn chục con vật tiếp theo được đơn vị này đưa lên màn ảnh từ nay đến năm 2030. Gần nhất, năm tới sẽ là bộ phim về heo 5 móng xuất hiện trong văn hóa dân gian của người Khơ Me. Nhà sản xuất Võ Thanh Hòa đặt mục tiêu: các bộ phim của hãng sẽ mở ra những góc nhìn mới về tín ngưỡng dân gian các vùng miền và các câu chuyện kỳ bí lâu đời.

Cũng theo đuổi thể loại kinh dị, nhưng hướng đơn vị AMF khai thác là những câu chuyện lấy cảm hứng từ ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Sau phim Ma da làm về văn hóa sông nước miền Tây là Quỷ nhập tràng nói về tập tục mai táng vùng cao, ra mắt năm sau. Trong khi đó, các phim Production Q của bộ đôi Trần Hữu Tấn - Hoàng Quân đi theo hướng lấy cảm hứng từ truyện kể dân gian, đồng dao, những câu chuyện truyền miệng như Chuyện ma gần nhà, Bắc kim thang, Cám.

Khác biệt để thành công

Ngoài các thương hiệu sản xuất phim kể trên, điện ảnh Việt còn một số đơn vị khác mà khi nhắc đến tên, khán giả sẽ nghĩ ngay đến những tác phẩm mang dấu ấn đặc trưng riêng. Như MAR6 Pictures của bộ đôi Bảo Nhân - Nam Cito với những bộ phim “nữ quyền” đậm chất sang chảnh là series Gái già lắm chiêu, Trấn Thành Town của đạo diễn, diễn viên Trấn Thành trung thành với những câu chuyện kể về tầng lớp lao động bình dân ở Sài Gòn. Từ Bố già, Nhà bà Nữ, Mai và sắp tới là phim tết Bộ tứ báo thủ đều cùng bối cảnh xóm lao động, tình huống “ồn ào”.

 Gái già lắm chiêuGái già lắm chiêu
Gái già lắm chiêu, bộ phim mang dấu ấn đặc trưng của MAR6 Pictures

TPHCM là nơi tập trung nhiều đơn vị sản xuất phim nhất cả nước. Việc chọn cho mình hướng làm phim riêng với những màu sắc đặc trưng là bước đi tất yếu để định hình bản sắc. Càng nhiều đơn vị tìm được dòng phim riêng, diện mạo điện ảnh Việt càng thêm phong phú. Nhà sản xuất Giang Hồ nói về việc làm dòng phim kết hợp yếu tố lịch sử - thời trang: “Hiện nay thị hiếu người xem nghiêng về phim hài, kinh dị, những đề tài văn hóa, truyền thống khó tìm được chỗ đứng tuy nhiên, cái lợi là được sự ủng hộ của những người yêu thích văn hóa truyền thống. Tôi tin lớp trẻ ngày nay đang có xu hướng quay về với những giá trị văn hóa xưa. Đó là tín hiệu tốt để theo đuổi dòng phim này”.

Nhà sản xuất Võ Thanh Hòa thổ lộ: 89S Group đã dành 5 năm nghiên cứu trước khi công bố sẽ làm dòng phim kinh dị dân gian: “Khi mới bắt đầu thông báo làm dòng phim này, có nhiều ý kiến phản bác, nhiều lời khuyên lẫn sự nghi ngờ vì sao chọn ngách nhỏ khó đi này. Trên thế giới có 2 dòng phim bán chạy là hành động và kinh dị, nên nếu làm tốt, đó là cách quảng bá văn hóa hiệu quả. Chúng ta thừa hưởng nhiều hình tượng văn hóa dân gian hay. Chúng tôi chọn đem văn hóa Việt Nam ra thế giới theo cách này”.

Việc định vị thương hiệu bằng dòng phim riêng bước đầu đã đem đến những tín hiệu tốt. Những bộ phim kinh dị của các đơn vị kể trên đa số đều ăn khách, dễ dàng đạt mốc doanh thu trăm tỉ đồng. Các phim của Trấn Thành Town liên tục lập kỷ lục doanh thu. Phim Cô Ba Sài Gòn làm sống lại thời trang áo dài phong cách “cô Ba Sài Gòn” và sắp tới có thể là áo dài La Mur.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI