Định vị ngành hàng lúa gạo theo hướng tăng giá trị

31/05/2023 - 10:19

PNO - Tuy ở vị thế đang lên, nhưng nhìn tổng thể, ngành hàng lúa gạo Việt Nam sẽ không dễ dàng vượt qua sức ì nếu việc sản xuất vẫn theo lối tư duy nặng đầu vào, nhẹ đầu ra, tăng diện tích, mùa vụ, sản lượng.

Trong bức tranh màu xám của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm 2023 thì xuất khẩu gạo nổi lên như một điểm sáng. Ngoài sản lượng, sau nhiều năm ở hàng “chiếu dưới” so với Thái Lan, nay giá gạo xuất khẩu của nước ta trong thế so kè và có những thời điểm vượt qua giá gạo nước bạn.

Sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc
Sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc

Tuy ở vị thế đang lên, nhưng nhìn tổng thể, ngành hàng lúa gạo Việt Nam sẽ không dễ dàng vượt qua sức ì nếu việc sản xuất vẫn theo lối tư duy nặng đầu vào, nhẹ đầu ra, tăng diện tích, mùa vụ, sản lượng.

Độ khó và mức độ cạnh tranh trên thương trường ngày càng lớn. Thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu đều không dễ chơi. Thách thức cạnh tranh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân ngày càng cao; trách nhiệm của cơ quan hoạch định cơ chế, chính sách, pháp luật, định ra quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng để đáp ứng yêu cầu thị trường ngày càng lớn.

Một trong những đề xuất mà giáo sư, tiến sĩ Bùi Chí Bửu - chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Việt Nam - đưa ra là, cần chuyển sang chiến lược kinh doanh từ hạt lúa, chứ không nên chỉ kinh doanh từ hạt gạo như nhiều năm qua. Tức là cần có tư duy chiến lược cho chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo chứ không “chặt khúc” cho riêng xuất khẩu gạo. 

Cần chăm sóc chu đáo hơn cho thị trường tiêu dùng gạo nội địa với 100 triệu dân, sức tiêu thụ gấp 3 lần lượng gạo xuất khẩu. Mặt khác, gạo cũng là nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến lương thực, thực phẩm và là đối tượng để phát triển các sản phẩm đổi mới, sáng tạo, chế biến sâu sau gạo.

Tăng trưởng xuất khẩu gạo hiện nay cần được xem là tín hiệu thị trường, không phải chỉ để định vị thị trường xuất khẩu gạo mà cần định vị và chuyển đổi ngành hàng lúa gạo theo hướng phát triển bền vững. Điều này phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là “Chuyển từ ngành sản xuất sang phát triển nền kinh tế nông nghiệp, từ phạm vi sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành dịch vụ, công nghiệp, từ đơn giá trị nông sản sang tích hợp sản phẩm đa giá trị, từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị”. 

Yêu cầu sắp tới phải thương mại hóa ngành sản xuất lúa gạo, đặc biệt là hiện đại hóa chuỗi giá trị hạt gạo, bao gồm đổi mới thể chế, cải tiến công nghệ, ứng dụng ngày càng nhiều hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng đến sản xuất bền vững hơn với môi trường, chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt hơn. 

Khả năng cạnh tranh của ngành sẽ được xây dựng trên cơ sở hiệu quả và đổi mới chứ không phải trên thù lao giá rẻ cho người dùng gạo hay gánh nặng an ninh lương thực đặt lên vai người trồng lúa. Nông dân cần được tập hợp lại cùng các doanh nghiệp đủ mạnh để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị được quản lý từ đầu vào đến đầu ra.

Cần tiếp tục thực thi nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh. Việc chuyển đổi sang phương thức kinh doanh nông nghiệp và chuyển đổi số đòi hỏi phải nghiên cứu, kết nối thực tiễn, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong việc xây dựng chuỗi liên kết thực phẩm, chọn các tiêu chuẩn phù hợp, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng tin cậy làm công cụ, xây dựng các tác nhân nòng cốt tham gia chuỗi và hướng đến cộng đồng theo định hướng chuỗi chất lượng mở. 

Tăng trưởng xuất khẩu gạo là cần, vị thế cường quốc hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo cũng cần, nhưng quan trọng hơn là những giá trị mà nó mang lại. 

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI