An đếm từng bước chân nặng trĩu trên cát, nhớ Lâm da diết. Đêm nay sóng lặng, biển yên ả như hôm hai đứa chia tay. Nhớ giọng hát Lâm nồng ấm, khắc khoải: “Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về, gọi hồn liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya”. Đó là lần đầu tiên An nghe Lâm hát. Nhìn sâu vào đôi mắt to đen thổn thức, An hiểu những gì Lâm đang muốn nói.
An yêu biển, Lâm cũng thế. Chỉ khác là Lâm yêu biển dát vàng sóng sánh hoàng hôn, yêu biển trong những chiều nhạt nắng. Với Lâm, biển chiều là thời khắc thanh bình, yên ả nhất trong ngày, như những ước mơ đời thường, chỉ giản đơn thôi nhưng giúp người ta cảm thấy hạnh phúc. Lâm là thế, mộc mạc như bao người con của biển. Sau những chuyến đi chài, những chiếc vỏ ốc kết thành vòng tay xinh xắn là quà Lâm tặng An. An giữ gìn như báu vật.
Thời ấy, An ngây thơ và vụng dại, đâu hiểu những lời Lâm nói, những ngọt ngào Lâm trao. An chỉ thích làm theo ý mình, bất chấp cáu gắt của Lâm. Nhiều lúc hai đứa giận nhau cả tuần, rồi cuối cùng, Lâm cũng phải làm hòa trước. Tự lúc nào cũng không biết, Lâm nhẹ nhàng đi vào đời An. Có những đêm chiêm bao, thấy thuyền Lâm chao đảo trong sóng lớn, An bật dậy, hét lên sợ hãi. Sớm mai, mang theo tâm trạng lo lắng, An ra bãi đón Lâm về.
Lâm mồ côi từ năm lên mười. Sau một cơn giận dữ của biển, cha Lâm nằm lại ngoài khơi xa, đến giờ vẫn chưa tìm thấy xác. Lúc đó dân làng cũng mời thầy về rước xác, cúng ba ngày ba đêm không được, ông thầy quảy túi rút lui. Lâm đắp một cái mộ gió, không khóc nhưng mặt đanh lại, lầm lì. Lớn lên theo từng mùa gió chướng, nước biển thấm mặn mồ hôi, Lâm cũng dạn dày với nghề chài lưới.
Dân làng bảo, có lẽ nhờ cha phù hộ nên Lâm đi biển giỏi nhất trong làng. An thua Lâm bốn tuổi. Sáng sáng ra bãi đón thuyền ba về, An yêu buổi bình minh rực rỡ, vầng dương nhô lên từ lòng biển mang theo những tia nắng đầu tiên lấp lánh. Thuyền về đầy bến, ngập khoang tôm cá. An đi dọc bờ biển, miết đôi chân trần trên cát tìm những mảnh vỏ sò bị sóng đánh dạt vào bờ. An có cả một bộ sưu tập vô số vỏ sò, tự kết thành đủ thứ vật dụng ngộ nghĩnh. Lâm cộc tính, chỉ có mỗi An là bạn.
Trong làng cũng có vài đứa trạc tuổi nhưng Lâm chẳng giao du, họa hoằn đụng mặt chỉ cười chào rồi đường ai nấy đi. An và Lâm thường ra bãi đá ngầm vào buổi chiều để nghịch cát và ngắm biển. Lâm nằm duỗi chân ra, An hốt từng bụm cát đắp đầy người Lâm. Có khi An nghịch, đắp hai đụn cát lên ngực Lâm rồi cười nắc nẻ.
Cả làng sống bằng nghề biển. Chạng vạng, khi trời giao thoa giữa chiều và tối, đàn ông của làng ráp thành từng đội thuyền ra khơi. Hừng đông ló dạng, thuyền về bến, đám đàn bà con gái đón nhận những thúng cá, nối nhau ra chợ. Nghề chài cứ vậy truyền từ đời này sang đời khác.
Dẫu ai cũng biết biển khơi lúc hiền hòa, lúc thịnh nộ, cho nhiều nhưng cũng lấy đi của con người không ít. Bao người đàn ông của làng đã ra đi mãi mãi không về. Không ít đám tang tập thể từng được tổ chức, vợ góa con côi nấc nghẹn trước sóng gào. Thế nhưng, lớn lên là những thằng con trai của làng lại tiếp tục lao ra biển, như số phận, như một thứ định mệnh đã an bài.
Nhưng nếu không ra biển, dân làng còn biết làm gì? Làng chỉ trơ trọi một lớp học, dạy đến lớp năm là ngưng. Lớp không phân biệt lớn nhỏ, dạy đủ để lũ trẻ con biết đọc và viết tên mình, đếm được số cá mình đánh được. Chỉ bấy nhiêu là đã đủ với cái xóm chài heo hút này.
Thầy giáo cũng là một ông lão đánh cá có chút đỉnh chữ nghĩa, nghe nói từng ra phố học đến lớp 6 lớp 7 gì đó, rồi quay về làng, lại sống chết với cái nghề chài lưới. Cái nghèo cứ thế đeo bám dân làng từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nhưng có lẽ, đến An thì đã xuất hiện ngoại lệ. An không muốn sống như mọi phụ nữ trong làng, khắc khoải từng ngày, mòn mỏi chờ đợi. An không muốn phải phập phồng nỗi lo mỗi khi người đàn ông mình yêu thương ra biển. Cuộc sống đó như nặng nề quá sức An. An hiểu, những con chữ sẽ giúp An thực hiện ước mơ. Ông giáo già đã ồ lên ngạc nhiên khi nghe An nói cái “không thích” của mình, cười hề hà: “Mày lên phố đi. Nơi đó mới có chữ cho mày học.
Chữ của tao cạn rồi”. An nghĩ rất nhiều lời ông nói. Phố xa lạ vô cùng với An. An chỉ nghe ở đó đông đúc, náo nhiệt, con người lanh lợi nhưng lạnh lùng. Một con bé nhà quê ngơ ngác như An liệu có thích hợp đến đó không? Liệu An có tìm được những gì mình muốn tìm? Trằn trọc mãi không ngủ được, đêm đó An một mình lang thang ra biển.
Biển thăm thẳm một màu đen huyền bí, gió như cắt vào da thịt. An biết mình có một tình yêu lớn lao với nơi này, khó có thể bứt rời, nhưng An tin, mình sẽ trở về khi đã góp nhặt được những thứ cần thiết. Chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, bởi An chỉ là một con bé 17 tuổi, lần đầu dò dẫm nơi phố thị, chữ nghĩa chỉ ê a đủ một cái tên. Nhưng chẳng hề gì, An tự nhủ, mình sẽ học lại từ đầu. Cuộc đời đâu có thứ gì tự tìm đến, tất cả mình đều phải chủ động nắm bắt. An mong, thế hệ sau của làng sẽ không còn chỉ biết i tờ, chỉ lẩm nhẩm được vài con số đơn giản. Với An, vậy là đã đủ đong đầy niềm vui.
Ba rít thuốc liên tục khi An thỏ thẻ đề nghị, mẹ dừng mũi may nhìn An lạ lẫm. Đêm ấy, An nghe tiếng trở mình của ba nhiều hơn, tiếng thở của mẹ như khó nhọc hơn. Sau một ngày đánh điện thương lượng với cô Tám, người bà con xa trên thành phố, ba mẹ đưa cho An một tấm vé xe, một tờ giấy ghi địa chỉ và một triệu đồng.
Kết quả nhanh hơn mong đợi rất nhiều. An chạy một mạch sang nhà Lâm báo tin, chẳng rõ mình đang vui hay buồn… Chiều ấy, Lâm không ra khơi, hai đứa đi dọc bãi biển, mỗi người nặng trĩu một niềm riêng. Lâm nhìn An tha thiết. Biết nói sao cho An hiểu lòng mình. Những tia nắng cuối ngày vụt tắt, đàn chim biển kêu eng éc sau một ngày sải cánh.
Trăng dần nhú lên, không gian đặc quánh một màu đen thẫm. Sóng dội ghềnh đá rì rầm. Đêm nồng vị biển. Hai đứa nhìn ra khơi xa, nơi thấp thoáng những chiếc thuyền câu sáng đèn vàng. Lâm khẽ khàng mấp máy môi, cất giọng hát trầm buồn. Lời ca khắc khoải những nỗi niềm. Biển mênh mông. Trời cao lồng lộng….
An lên phố chưa đầy ba tháng thì cơn bão số hai đổ vào làng chài. Tất cả tan tác. Giọng mẹ run rẩy qua điện thoại: “Con về với thằng Lâm lần cuối đi”. An buông rơi ống nghe, nước mắt trào mặn môi. Trên chuyến xe sớm về với Lâm, An nghe yêu thương vỡ vụn. Mẹ Lâm ngất lên ngất xuống trong tay An. Cuộc đời của phụ nữ làng chài nghiệt ngã là vậy.
Chia ly lúc nào cũng rình rập. Người làng kể, sáng đó trên đường về bến thì bão ập đến, thuyền Lâm chạy trước, lẽ ra đã kịp trú bão nếu không quay lại cứu thuyền ba An. Lặn ngụp trong bão nửa ngày, đẩy được thuyền ba An khỏi tâm bão thì thuyền Lâm bị đánh rã nát. Mọi người chỉ loáng thoáng nghe tiếng hét của Lâm. Hai ngày sau, bão tan, xác Lâm được tìm thấy khi trôi xuôi về phía làng. Mọi người nói, Lâm không muốn ở lại với biển vì còn điều gì đó vương vấn.
An cắn chặt môi ngồi bên mẹ Lâm. Cô nhớ có lần Lâm nói: “Lâm không thích mộ gió. Dù sống hay chết Lâm cũng sẽ mãi mãi ở làng”. Lâm nằm đó, vẻ bình yên, thanh thản. Mất Lâm, lòng An như trống rỗng. Rồi mai, An sẽ lại lên phố, lại miệt mài đuổi theo cái khát vọng vượt thoát khỏi số phận của người phụ nữ làng chài. Nhưng, định mệnh vẫn là định mệnh, An cũng bị biển cướp đi người mình yêu thương.
Những con chữ An góp nhặt, hy vọng một ngày không xa sẽ thay đổi được cuộc sống nơi này; thay đổi được cái định mệnh đó. Làng chài sẽ không còn những nấm mộ gió, không còn những phụ nữ cô đơn.
Đêm cuối trước khi ra phố, An một mình đếm từng bước chân nặng trĩu trên cát. Sóng lặng. Biển yên ả như hôm hai đứa chia tay, nhưng đã không còn tiếng hát khắc khoải: “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về…”.
Trúc Thiên