Định luật bảo toàn và chuyển hóa... tham nhũng

16/03/2018 - 12:01

PNO - Dễ gì khi lật lại những trang thống kê, những bản báo cáo ở các giai đoạn này mà tìm cho ra một dòng ghi nhận là phát hiện, xử lý, điều tra… Tất cả chìm trong bóng tối, trong những con số không tròn trĩnh, nhẵn thín.

Tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của TP.HCM, có những con số rất đáng… giật mình. Theo đó, trong 37.000 cán bộ công chức kê khai thu nhập (đạt tỷ lệ 99%), không có một trường hợp nào bị xử lý vì kê khai không đúng; mỗi năm có hàng ngàn đơn khiếu nại tố cáo nhưng trong báo cáo lại chưa phát hiện được tham nhũng lãng phí. 

Nó tròn trịa, nhẵn thín như thể cuộc hưởng ứng phong trào “vở sạch chữ đẹp”. 

Dinh luat bao toan va chuyen hoa... tham nhung

Nó triệt để trong công tác “phòng” tới mức không có bất kỳ vụ việc nào để phải “chống”; hay khả năng và kỹ năng “tự chống đỡ” trong hàng chục ngàn bản kê khai, những giải trình trước khiếu nại tố cáo chuyên nghiệp tới mức vô hiệu hóa tính năng “phòng hộ” từ xa. Kết quả, báo cáo của một hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí lại không có một ví dụ điển hình nào được/bị phát hiện; hoặc có thì trong năm, đâu như một, hai vụ. 

Thay cho tiếng reo mừng vì sự trong sạch của bộ máy công quyền, lại nén đi tiếng thở dài chua chát, còn hơn cả cái “giật mình” khi công cụ kiểm tra và giám sát đã bị “bộ lọc” con người hầu như vô hiệu. Chuyện phát hiện dấu hiệu sai phạm để xử lý, chấn chỉnh vốn chẳng vui vẻ gì. Nhưng không phát hiện bất kỳ vụ việc nào - trong trường hợp này - lại còn tệ hại hơn.

Nó gần như là hệ quả của việc không thể phân biệt nổi đúng - sai; không chạm đến được sự nhận diện và phân tầng những “khuôn mặt” tham nhũng; không buồn giải mã tính phân hóa ngày càng sâu sắc và bức bối trong xã hội, mà ở đó một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chiếm giữ mức sống vượt hẳn người dân. 

Nhìn lùi lại, rộng ra ở phạm vi bộ ngành, trong 10 năm (2006 -2015), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không phát hiện trường hợp nào tham nhũng; 9 tháng đầu năm 2017, tại Bộ Y tế, không có một cá nhân, đơn vị nào có hành vi, dấu hiệu tham nhũng…

Không ít vụ lừa đảo người lao động, đem con bỏ chợ ở xứ người hay còn có những người sống phải “chạy” để tìm suất công nhận thương binh, liệt sĩ cho người đã chết; hoặc đại án VN Pharma và đường đi của thuốc giả… như thể là phép hô biến khắc xuất khắc nhập. 

Cho nên, một lần nữa, con người - chủ thể của công cụ - chỉ có con người mới điều hành và kiểm soát công cụ. Một khi con người chấp nhận, thỏa hiệp và đồng lõa cho “công cụ hóa” thì xin thưa, không một quy chế giám sát nào, không một quy định kiểm tra nào đủ để thanh lọc những chiêu trò ma mãnh, những cú tạo phe cánh thân hữu, những cuộc nhập nhèm, lo lót, leo trèo nhằm chiếm đoạt lợi ích sai trái.

Thì đấy, cái giá nào phải trả cho cuộc bán mua quái gở giữa AVG và MobiFone? Cái án tù nào cho những kẻ nhân danh, vẽ vời sòng bạc ảo để giết chết hàng triệu người thật trong cơn đen đỏ? Chao ôi, kẻ tung người hứng, những canh bạc ngàn tỷ cứ được xòe ra trên lợi ích quốc gia, trên từng đồng thuế đẫm mồ hôi nước mắt cần lao. Hỡi ôi, cái chức trách nằm trên đôi quân hàm thiếu tướng phụ trách phòng, chống tội phạm công nghệ cao lại hạ thủ bút mà ký tá để ăn chia trên cờ gian bạc lận!

Dễ gì khi lật lại những trang thống kê, những bản báo cáo ở các giai đoạn này mà tìm cho ra một dòng ghi nhận nào là phát hiện, xử lý, điều tra… Tất cả cứ chìm trong bóng tối, trong câm lặng, trong những con số không tròn trĩnh, nhẵn thín. 

Dễ gì một khi đã hạ quyết tâm, nâng mức dự báo, tăng cường công tác phòng, chống triệt để - trong giai đoạn tới, mà kết quả của cuộc phòng, chống tham nhũng sẽ có con số thật. 

Lẽ nào, sẽ vĩnh viễn tồn tại một định luật bảo toàn và chuyển hóa… tham nhũng: tham nhũng không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác mà thôi; cho nên cũng không tự nhiên mà… giật mình về cái báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng kia!  

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI