Định kiến về giới được gói trong những “hộp quà”

21/12/2020 - 07:45

PNO - Ngày nay, dù xã hội đã phát triển rất nhiều so với trước, nhưng định kiến về giới thì vẫn còn tồn tại và được gói trong những vỏ bọc đẹp đẽ.

 Đó là một nội dung đã được các chuyên gia tâm lý, khách mời và các bạn sinh viên thảo luận sôi nổi trong một talkshow chủ đề “Vượt qua định kiến giới” diễn ra sáng 19/12 tại cơ sở 2 Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.

Dùng từ mỹ miều để hạn chế năng lực của phụ nữ!

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nguyên Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM, nhận định rằng: còn nhiều lắm sự bất bình đẳng về giới đối với phụ nữ đã được người ta dùng những câu chữ, hình tượng mỹ miều để lấp liếm đi. Chẳng hạn coi phụ nữ là nội tướng. Nghe từ nội tướng rất oai nhưng thực ra lại hàm ý ám chỉ phụ nữ chỉ quán xuyến việc nhà, không quản việc ngoài ngưỡng cửa. Ngay cả trong phân công công việc, đăng tin tuyển dụng, một số công ty thường phân định: việc này là của đàn ông, còn phụ nữ chân yếu tay mềm nên làm việc kia… Như vậy là chúng ta chưa công bằng trong đánh giá năng lực giữa đàn ông và phụ nữ. Đừng nên ưu đãi cho phụ nữ như thế, ưu đãi là chưa coi trọng, là nghĩ rằng phụ nữ sẽ không làm được việc như nam giới, vô hình trung làm hạn chế cơ hội thể hiện năng lực của phụ nữ.

Talkshow “Vượt qua định kiến giới” thu hút đông đảo sinh viên từ các trường đại học
Talkshow “Vượt qua định kiến giới” thu hút đông đảo sinh viên từ các trường đại học

Đồng quan điểm với nhà báo Thế Thanh, chuyên viên tham vấn tâm lý Mia Nguyễn cho rằng khi xã hội càng phát triển hiện đại, văn minh thì định kiến về giới lại được gói ghém trong những “hộp quà”. Hiện nay, tại Việt Nam, hơn 40.000 trẻ em gái không có cơ hội chào đời vì bị lựa chọn giới tính ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Hiện tượng phần lớn diễn ra ở những phụ nữ có điều kiện, có học thức, sống ở thành thị. Ai là người quyết định giới tính của những bào thai đó? Còn nhiều lắm sự bất bình đẳng về giới khi mà mỗi buổi sáng bạn đứng trước gương và hỏi mình mặc vậy đã chuẩn mực chưa. Nữ mà cắt tóc ngắn cũng trở thành khác lạ. Nữ theo như số đông là phải để tóc dài, không được mạnh mẽ thể hiện cái tôi ra ngoài. Đó chính là định kiến về giới, tưởng chừng rất bình thường nhưng chẳng qua được thể hiện tinh vi hơn mà thôi. 

Thay đổi định kiến bằng “mưa lâu thấm đất”

T.A., một nam sinh viên đến từ Trường đại học FPT, đã đặt câu hỏi cho các khách mời: “Phụ nữ có thể mạnh mẽ trong công việc, nhưng về cảm xúc thì vẫn yếu đuối và cần một bờ vai. Phải chăng phụ nữ vẫn cần nam giới làm chỗ dựa?”. Trả lời câu hỏi này, chuyên gia xã hội học Lê Minh Tiến, Đại học Mở TP.HCM, cho rằng: đàn ông là bờ vai cho phụ nữ dựa chỉ là sự định hình về văn hóa chứ không phải lẽ tự nhiên. Ở rất nhiều nơi trên thế giới phụ nữ lại đi chinh chiến còn đàn ông ở nhà chăm con, lo việc gia đình. Chẳng cần dẫn chứng xa xôi, ngay cộng đồng người Chăm của ta theo văn hóa mẫu hệ, trong gia đình, phụ nữ Chăm là chỗ dựa của đàn ông, quyết định ngày làm giỗ, mời khách; con gái đầu lòng được quý như cháu nội đích tôn vậy. 

Làm cách nào để thay đổi được định kiến về giới trong gia đình là điều được các bạn sinh viên vô cùng trăn trở. Một nữ sinh viên của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn rất muốn các chuyên gia chỉ cho cách giải quyết mâu thuẫn giữa bản thân và cha mẹ do quan niệm bất bình đẳng giới gây ra. Bạn này kể, em trai của mình dù có làm sai, làm chưa tốt, bừa bãi trong sinh hoạt thì bố mẹ cũng chỉ tặc lưỡi bảo “nó là con trai”. Vì là con trai nên không cần chia sẻ việc nhà, không phải phụ nấu cơm, rửa bát, còn bạn là con gái nên luôn được mẹ dạy dỗ khắt khe, ăn thế nào, ngồi thế nào, mặc cái gì…

Chuyên gia xã hội học Lê Minh Tiến đã tư vấn và gửi thông điệp đến tất cả sinh viên, rằng cha mẹ được nuôi dạy trong xã hội trước, chịu ảnh hưởng của một hệ tư tưởng khác, cho nên ta đừng cố gắng thay đổi họ mà chỉ hy vọng giúp họ giảm bớt định kiến sai lệch về giới. Đối tượng cần thay đổi là chúng ta, các bạn hãy làm sao để sau này con cái của mình không phải gánh chịu những định kiến bất bình đẳng về giới như thế nữa.

Bạn Nguyễn Lưu Tâm Anh, cựu sinh viên Khoa Xã hội học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã bật mí chiến thuật “mưa lâu thấm đất” giúp phụ huynh dần thay đổi định kiến về giới. Đó là khi xem ti vi thấy có nhân vật phụ nữ mạnh mẽ, thành công trong sự nghiệp thì bạn nhiệt liệt cổ vũ. Thậm chí bạn chỉ cho phụ huynh cái hay trong quảng cáo trên ti vi: ông chồng đang ăn nhậu với bạn thì vợ gọi, anh ta vội chạy về mua tã giấy cho con. Ngày nào cũng được nghe, được xem về sự bình đẳng giới thì chắc chắn thế hệ ông bà, cha mẹ rồi cũng dần cảm nhận và thay đổi quan niệm. 

Thanh Huyền 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI