Định kiến hay bản lĩnh?

03/03/2013 - 00:34

PNO - PNCN - Thân gửi chị Hạnh Dung!

Em từng có gia đình, có hai con nhưng đã đổ vỡ. Anh cũng từng một lần kết hôn rồi ly hôn.

Chúng em đến với nhau bằng sự đồng cảm và yêu thương. Anh là người đàn ông sâu sắc, sống bản lĩnh, tự lập. Tuy nhiên, gia đình anh lại rất định kiến, ba mẹ anh đã làm mọi cách để ngăn cản mối quan hệ của chúng em vì em đã có con và không tương xứng về gia thế. Gia đình anh giàu có, trong khi em chỉ là một người bình thường nên ai cũng nghĩ em đến với anh vì tiền. Anh lại rất yêu thương và kính trọng ba mẹ nên chấp nhận mọi sự sắp đặt của gia đình. Hiện gia đình buộc anh phải tìm hiểu một cô gái, nếu anh không đồng ý thì có thể tìm một cô gái bất kỳ nào đó có thân thế trong sạch, chỉ cần không phải là em.

Em chưa một lần tiếp xúc với gia đình anh, vì ba mẹ anh một mực không chấp nhận, nhất định không chịu gặp. Ba mẹ anh ra điều kiện một là nghe lời, hai là họ sẽ từ anh. Anh bất lực khuyên em không nên quan hệ với anh nữa, vì không thể nào vượt qua nổi định kiến của gia đình, chẳng lẽ em theo anh mãi mà chẳng có danh phận gì. Về phần mình, em yêu anh và không hề muốn mất anh, có khổ thế nào, gia đình anh có định kiến ra sao em cũng chấp nhận, miễn trong tim anh có em là đủ. Chúng em phải làm thế nào để có thể vượt qua định kiến của gia đình anh?

Nga (TP.HCM)

Dinh kien hay ban linh?

Em Nga mến,

Thật khó hiểu khi gia đình anh ấy lại định kiến với em nặng nề đến mức buộc anh ấy “có thể tìm một cô gái bất kỳ nào đó có thân thế trong sạch, chỉ cần không phải là em”. Họ định kiến vì điều gì? Em đã có con, em nghèo, gia thế không tương xứng hay còn vì điều gì nữa? Để vượt qua được định kiến của gia đình anh ấy, hai em phải tìm hiểu cho được căn nguyên của nó. Cả hai em đều đã qua một lần đổ vỡ, đã có cuộc sống độc lập, nên thực ra, sự trói buộc của cha mẹ chỉ có giới hạn tương đối, việc vượt qua định kiến tuy không dễ nhưng cũng không quá khó đến mức không thể. Vấn đề nằm ở chỗ cả hai phải đứng cùng “chiến hào” để “nội công, ngoại kích” và phải thật sự kiên trì, nhẫn nại.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây, theo Hạnh Dung, không khó vì định kiến của cha mẹ anh ấy mà khó ở chính bản lĩnh của anh ấy. Không hiểu em có nhầm lẫn không khi nhận xét “anh ấy là người đàn ông sâu sắc, sống bản lĩnh, tự lập”. Một người như thế lẽ nào cam chịu sống theo kiểu “chấp nhận mọi sự sắp đặt của gia đình” và dù yêu vẫn xuôi tay bất lực khuyên người yêu cắt đứt “vì không thể nào vượt qua nổi định kiến của gia đình”, em lại còn nói theo kiểu buông xuôi là sẽ “theo anh mãi mà chẳng có danh phận gì”. Nói như vậy, nếu em chịu “theo” mà “chẳng có danh phận gì” thì mối quan hệ đó sẽ tiếp tục được duy trì hay sao? Một người bản lĩnh và tự lập sẽ có cách ứng xử khác, anh ta sẽ chọn người yêu theo cách của mình và dù thế nào cũng bảo vệ sự chọn lựa đó, đấu tranh đến cùng để đạt mục đích. Tất nhiên là sẽ khó khăn, vì một người con có hiếu không thể thẳng thừng bất chấp những mong muốn của cha mẹ, nhưng anh ta sẽ tìm được cách chứng minh cho cha mẹ thấy tình yêu của mình là chân chính, chứng minh sự chọn lựa của mình là đúng.

Vì thế, em nên bàn với người yêu kiên trì thuyết phục cha mẹ anh ấy. Hai em cũng có thể nhờ đến những người bà con hay bạn bè có uy tín với ba mẹ anh ấy góp lời khuyên giải ông bà chấp nhận em. Thời gian sẽ là bạn đồng hành với hai em nếu cả hai chịu “trường kỳ kháng chiến” để bảo vệ tình yêu. Tất nhiên, với điều kiện là anh ấy phải chịu “chiến đấu” chứ không phải là chấp nhận thua cuộc như em đã viết trong thư. Nếu anh ấy bỏ cuộc thì dù có yêu đến mấy em cũng chẳng thể làm gì được, ngoài việc chia tay để làm lại từ đầu.

Hạnh Dung
(hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI