Tìm hướng đi cho nông nghiệp đô thị TPHCM - Bài cuối:

Định hình vùng sản xuất, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

10/06/2023 - 06:45

PNO - Sau loạt bài phản ánh thực trạng nghề nông ở TPHCM, phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã trao đổi với ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM - về hướng đi cho nông nghiệp ở TPHCM.

LTS: Đô thị hóa ở TPHCM đang diễn ra ngày càng nhanh chóng. Những ruộng lúa, vườn rau dần nhường chỗ cho các công trình xây dựng. Quy hoạch đất nông nghiệp, định hướng việc sản xuất nông nghiệp để giúp nông dân yên tâm sản xuất, làm giàu bằng nghề nông đồng thời giữ mảng xanh cho phố thị là việc cần làm dù không dễ. 

Bài 1: Bấp bênh nghề muối

Bài 2: Kỳ vọng về “dải lụa xanh” ven sông Sài Gòn

Bài 3: Còn đâu vườn trầu 18 thôn xưa?

Bài 4: Khi nông dân bỏ ruộng lúa để vào nhà máy

Bài 5: Không dễ giữ nghề nông thời “tấc đất tấc vàng”

Cánh đồng lúa ở xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TPHCM ẢNH: SONG AN
Cánh đồng lúa ở xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TPHCM - Ảnh: Song An

Phóng viên: Việc phát triển nông nghiệp đô thị ở TPHCM hiện nay gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Ông Đinh Minh Hiệp: Những khó khăn cơ bản là tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nhưng chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến đất nông nghiệp bị chia cắt manh mún, thiếu ổn định và sử dụng kém hiệu quả; ô nhiễm nguồn nước và đất đai có chiều hướng gia tăng. Ngành nông nghiệp của TPHCM phát triển mạnh theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng nhiều người sản xuất chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp hoặc chưa xây dựng phương án khả thi.

Đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp, nông thôn của TPHCM tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung quy mô, sản xuất lượng hàng hóa lớn. Một số chuỗi liên kết còn chưa bền vững do doanh nghiệp và người nông dân không thực hiện theo hợp đồng đã ký kết khi có rủi ro về thị trường hoặc giá cả biến động.

Trong công tác chứng nhận VietGAP (tiêu chuẩn Việt Nam về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), một số thủ tục còn bất cập, như xác nhận lại đối với các hộ sản xuất quy mô nhỏ hay công nhận vùng sản xuất an toàn. Chất lượng và giá một số giống cây, con chưa thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Quy trình nhân giống, quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng giống chưa được ban hành cụ thể cho từng đối tượng nên chất lượng giống chưa cao, đặc biệt là cây giống cấy mô.

 Ông Đinh Minh Hiệp  - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM
Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM

* Diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở TPHCM đang ngày càng bị thu hẹp, sở có những giải pháp gì trước tình trạng này?

- Theo chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tổng diện tích đất nông nghiệp của TPHCM là 89.612ha. Nếu được sử dụng khoa học và hiệu quả cao hơn so với hiện nay thì đóng góp của nhóm sản phẩm nông nghiệp cho kinh tế thành phố sẽ vẫn được duy trì và tăng trưởng.

Giải pháp là cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở khu vực ngoại thành - nơi quỹ đất nông nghiệp còn nhiều - theo hướng tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp số, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp thông minh kết hợp với các loại hình du lịch học tập, nghỉ dưỡng.

Đối với các khu vực có tỉ lệ đô thị hóa cao, chỉ còn những không gian sản xuất nông nghiệp nhỏ nằm xen cài trong các khu dân cư hoặc không còn không gian để sản xuất nông nghiệp thì phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, mô hình nông nghiệp tầng cao trên nóc nhà hay ban công các tòa nhà, các chung cư cao tầng để tạo các mảng xanh phục vụ đời sống tinh thần, cải thiện môi trường sống của các hộ, cá nhân và cộng đồng dân cư. Mô hình này cũng giúp cung cấp sản phẩm nông nghiệp phục vụ một phần nhu cầu tại chỗ của người dân thành phố. Việc sản xuất sẽ theo hướng áp dụng quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

* Một số chuyên gia kinh tế, nông nghiệp gợi ý rằng, TPHCM nên đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Ông nghĩ gì về ý kiến này và sở có đang xúc tiến mô hình này không, thưa ông?

- TPHCM có nhiều lợi thế trong việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Chúng tôi xác định, có thể gắn kết những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái với các đơn vị làm du lịch để hình thành các tour, tuyến du lịch mới. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND TPHCM ban hành và triển khai thực hiện chương trình OCOP (chương trình quốc gia “Mỗi xã 1 sản phẩm”) đến năm 2025, trong đó xác định rõ những giải pháp cần triển khai thực hiện để phát triển, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch.

Nông dân ở huyện Bình Chánh chuẩn bị mai để cung ứng cho khách hàng trong nước - ẢNH: SƠN VINH
Nông dân ở huyện Bình Chánh chuẩn bị mai để cung ứng cho khách hàng trong nước - Ảnh: Sơn Vinh

Đồng thời, với vai trò là cơ quan thường trực trong chương trình xây dựng nông thôn mới của TPHCM, chúng tôi sẽ tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có nội dung chỉ đạo 5 huyện xây dựng nông thôn mới triển khai các hoạt động quảng bá các điểm du lịch nông thôn hiện có của địa phương, vận động người dân cùng tham gia quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch nông thôn ở địa phương mình.

* Được biết, sở đang xây dựng đề án quy hoạch các khu vực, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hướng nông nghiệp đô thị, trong đó hạt nhân là khu nông nghiệp công nghệ cao. Ông có thể cho biết một số nội dung, định hướng chính khi xây dựng quy hoạch nói trên? 

- Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là chương trình nằm trong đề án kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, TPHCM sẽ tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con với chất lượng và năng suất cao. 

Hiện nay, nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 48% giá trị trong sản xuất nông nghiệp của toàn thành phố. TPHCM đã và đang tập trung nguồn lực để ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học hướng đến nền nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững.

Định hướng của chúng tôi là tập trung chuyển đổi các loại đất kém hiệu quả sang đất nông nghiệp khác để hình thành các khu, vùng sản xuất tập trung ổn định lâu dài gắn với ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số. Quy mô dự kiến đến năm 2030 khoảng 18.760ha, bao gồm các vùng chuyên canh cây ăn trái công nghệ cao, nuôi tôm sú, nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi trồng thủy sản, cá cảnh, sản xuất thức ăn gia súc; vùng chăn nuôi; vùng hoa, cây cảnh; vùng rau, hoa công nghệ cao; vùng trồng cỏ; vùng trồng rau.

Ruộng muối là một phần trong mô hình du lịch cộng đồng ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch là giải pháp nâng cao giá trị đất nông nghiệp - ẢNH: TAM NGUYÊN
Ruộng muối là một phần trong mô hình du lịch cộng đồng ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch là giải pháp nâng cao giá trị đất nông nghiệp - Ảnh: Tam Nguyên

* Sắp tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có những giải pháp gì để hỗ trợ nông dân làm nông nghiệp đô thị? 

- Để hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp đô thị, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng các nhóm giải pháp như nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch triển khai các chiến lược, cơ chế tài chính; duy trì, mở rộng và thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất giống; phát triển khoa học, công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cao cho người dân; đổi mới công tác khuyến nông theo hướng tập trung xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị hàng hóa, xây dựng và khuyến khích các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái nhằm phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp đô thị; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát huy vai trò trung tâm của hợp tác xã, xây dựng chuỗi liên kết nông lâm thủy sản, xúc tiến quảng bá thương hiệu...

Ngoài ra, để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển nông nghiệp đã đề ra đến năm 2030, chúng tôi sẽ thực hiện một số giải pháp trọng tâm như quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao; đề ra các giải pháp khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp; đề ra các giải pháp đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất; xúc tiến khâu tiêu thụ sản phẩm; phát triển nguồn nhân lực; đề xuất cơ chế, chính sách.
* Xin cảm ơn ông. 

Sơn Vinh

Nhiều khu đất ở ngoại thành TPHCM bị bỏ hoang do nằm trong vùng quy hoạch hoặc sắp bị đưa vào quy hoạch nên người dân ngại đầu tư sản xuất - ẢNH: SONG AN
Nhiều khu đất ở ngoại thành TPHCM bị bỏ hoang do nằm trong vùng quy hoạch hoặc sắp bị đưa vào quy hoạch nên người dân ngại đầu tư sản xuất - Ảnh: Song An

Cần tập trung vào chất lượng thay vì sản lượng

Đất nông nghiệp của TPHCM ngày càng bị thu hẹp nên cần phải quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ổn định. Chúng ta không nên chú trọng vào sản lượng mà cần tập trung vào chất lượng, giá trị sản phẩm để tạo thương hiệu. Chỉ có nâng cao hiệu quả kinh tế mới phát triển nông nghiệp TPHCM ổn định, dài lâu.

Để đạt được hiệu quả kinh tế cao, cơ quan quản lý nhà nước cần định hướng sản xuất. Chúng ta đã có tổ chức sản xuất nhưng còn yếu về định hướng sản xuất; người dân chủ yếu sản xuất theo kiểu truyền thống nên thu nhập còn bấp bênh, thường xuyên gặp cảnh “được mùa, mất giá”, “đổ xô trồng, đổ xô chặt”.

TPHCM có đầy đủ “hệ sinh thái” nông nghiệp, gồm cây lúa, rau màu, hoa, kiểng, cây ăn trái, thủy sản, gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, diện tích sản xuất ngày càng giảm do vùng sản xuất chưa được quy hoạch bài bản, hiệu quả kinh tế chưa thật sự cao. Ví dụ, ở ngoại thành TPHCM, có nhiều khu vực trồng cây hoa nhưng hoa của TPHCM lại không cạnh tranh lại hoa Đà Lạt. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần định hướng cho người dân trồng hoa lan, hoa dừa cạn để phục vụ nhu cầu trang trí; khuyến khích các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn đẩy mạnh việc trang trí bằng hoa. Nếu làm được điều này, nông dân sống được và ngành dịch vụ cũng phát triển.

Cùng với đó, ngành công thương cần xem xét đưa các mặt hàng vật tư nông nghiệp vào chương trình bình ổn thị trường để giảm gánh nặng chi phí cho người sản xuất. Hiện nay, chi phí sản xuất cao khiến người dân phải bỏ vốn lớn, thu lãi ít nên không mặn mà làm nông. Trong bối cảnh “tấc đất, tấc vàng” như ở TPHCM hiện nay, cần cập nhật và ứng dụng các mô hình trồng cây theo kệ thẳng đứng, nhà kính nhiều tầng để nâng cao hệ số canh tác cũng như khai thác hiệu quả các không gian trống trong đô thị.

Ông Võ Ngọc Đẹp 
- nguyên Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM

Đơn giản hóa thủ tục vay vốn 
Để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nông dân cần nguồn vốn đầu tư khá lớn. Do đó, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước bằng các gói vay ưu đãi. Những năm qua, nhờ các chương trình hỗ trợ vốn của Nhà nước mà nhiều nhà vườn ở huyện Bình Chánh đã đầu tư mở rộng sản xuất, mang lại hiệu quả rất lớn.

Nhưng hiện nay, thủ tục cho vay còn phức tạp. Để nông dân vay được vốn, thủ tục vay vốn phải đơn giản hơn. Nông dân có thể vay vốn thông qua hội nông dân. Hội cũng sẽ giám sát để người vay dùng vốn đúng mục đích, trả lãi đúng hạn.

Ông Nguyễn Văn Thọ
 - nông dân trồng hoa lan ở huyện Bình Chánh

Cải tạo kênh rạch để phát triển nông nghiệp

Ô nhiễm nguồn nước, khí thải, rác thải đang ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, đến ngành nông nghiệp của TPHCM. TPHCM có sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch chằng chịt. Lợi thế này đang dần mất đi khi kênh rạch hầu hết đã bị ô nhiễm nguồn nước và rác thải. Xâm nhập mặn và suy giảm chất lượng nguồn nước cũng đang đe dọa sông Sài Gòn.
Nông nghiệp và nguồn nước là 2 thứ không thể tách rời. Do đó, cần phải có giải pháp bảo vệ nguồn nước để phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định. Theo tôi, chính quyền TPHCM cần đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cải tạo kênh rạch. Nước trên kênh rạch không còn ô nhiễm sẽ phục vụ cho ngành nông nghiệp và cũng góp phần phát triển du lịch. 

Giáo sư Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng 
Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường 
(Trường đại học Công nghiệp TPHCM)
 Hoàng Lâm (ghi)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI