Định giá đất sai, người dân và Nhà nước đều thiệt hại

29/09/2023 - 06:18

PNO - Chiều 28/9, tại phiên họp lần thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - dự luật mà theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là có quy mô đồ sộ và nhiều nội dung khó, phức tạp.

Lo thiếu, lọt nếu liệt kê các trường hợp thu hồi

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - cho biết, một nội dung đáng lưu ý trong dự thảo là quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đây cũng là nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội từ kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, bởi có tác động lớn tới cả người dân, doanh nghiệp…

Vấn đề định giá đất ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Trong ảnh: Dự án nâng cấp mở rộng cầu Tăng Long ở TP Thủ Đức, TPHCM bị đình trệ vì vướng giải phóng mặt bằng ẢNH: TAM NGUYÊN
Vấn đề định giá đất ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Trong ảnh: Dự án nâng cấp mở rộng cầu Tăng Long ở TP Thủ Đức, TPHCM bị đình trệ vì vướng giải phóng mặt bằng ẢNH: TAM NGUYÊN

Dự thảo mới nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này quy định theo hướng vừa có tính khái quát, vừa cụ thể về các trường hợp thu hồi đất. Quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất có ưu điểm rõ ràng cho việc áp dụng thực hiện, đồng thời, khống chế các trường hợp thu hồi đất, đảm bảo chỉ thu hồi đất trong các trường hợp luật định, không thu hồi đất tràn lan. Tuy nhiên, quy định như trên có điểm hạn chế là không dự liệu được những trường hợp thu hồi đất khác để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. 

Bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác đại biểu, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - chỉ ra, dự thảo liệt kê 27 trường hợp thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong mỗi trường hợp lại có vài chục trường hợp cụ thể. Bà băn khoăn, cách thể hiện như vậy liệu có đáp ứng được vấn đề thực tiễn khi thường xuyên thay đổi?

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng có chung quan điểm khi kiến nghị, nên chăng ngoài danh sách liệt kê cụ thể thì có thêm “điều quét” trong luật để đảm bảo bao quát được những trường hợp chưa được liệt kê, đưa cho Chính phủ quy định chi tiết. “Ví dụ như nhà sinh hoạt cộng đồng là rất cần thiết, nhưng trong danh sách liệt kê không có, như vậy sẽ thiếu. Nếu không có điều quét thì trong quá trình thực hiện sẽ phát sinh” - ông Bùi Văn Cường dẫn chứng. 

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ, vì chưa xác định được các tiêu chí để có cơ sở phân cấp hết cho địa phương nên dự thảo luật quy định theo hướng liệt kê các phương án. Nhưng nếu liệt kê thiếu thì cũng “rất gay”. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, không thể nào liệt kê hết được từng trường hợp, nên phải chăng cần có “điều quét” để bao hàm thêm các trường hợp khác, tránh khi có phát sinh thì không thể triển khai do không có trong luật định. Tức là ngoài các trường hợp liệt kê thu hồi cụ thể, có thể đưa ra nội dung có tính chất bao quát hơn. Một số ý kiến nêu, có thể quy định “và các trường hợp khác” nhưng nằm trong quy hoạch đất của tỉnh, của quốc gia hoặc “giao cho Chính phủ quy định chi tiết”.

“Quét nhưng vẫn có “van khóa” chặt chẽ. Có ý kiến nói mở rộng thêm các trường hợp thu hồi phải phù hợp quy hoạch nhưng quy hoạch nào thì phải làm rõ” - ông Vương Đình Huệ nêu. 

Lo nhất là định giá đất

Định giá đất cũng là nội dung còn nhận nhiều ý kiến băn khoăn. Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, các phương pháp định giá đất được lồng ghép phương pháp chiết trừ vào phương pháp so sánh, không còn là một phương pháp định giá độc lập; đồng thời bổ sung trở lại phương pháp thặng dư. Cơ quan thẩm tra cho rằng, đây là nội dung quan trọng, vì vậy, cần có đề xuất chính thức của Chính phủ. 

“Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng nội hàm các phương pháp đã có sự thay đổi so với quy định của pháp luật hiện hành, vì vậy, chưa có cơ sở thực tiễn để đánh giá tính hợp lý về nội hàm và nguyên tắc áp dụng các phương pháp xác định giá đất. Do đó đề nghị chỉ quy định tên phương pháp và giao Chính phủ quy định chi tiết” - ông Vũ Hồng Thanh nêu. 

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, định giá đất là vấn đề lo lắng nhất. Nếu định giá đất sai, người dân hoặc Nhà nước sẽ thất thu. Vì vậy, trong định giá đất, “không để vấn đề riêng tư ảnh hưởng và không có sự quanh co”, cần đưa ra phương pháp đánh giá và điều kiện, nguyên tắc để đảm bảo khi áp dụng đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan. 

Về thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư từ hoạt động lấn biển, theo ông Vũ Hồng Thanh, quy định tại dự thảo trình Quốc hội chưa rõ các loại hình dự án có liên quan đến hoạt động này. Ông nhấn mạnh, hoạt động lấn biển không chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai mà còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, môi trường, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và pháp luật khác có liên quan, cần có quy định mang tính đồng bộ. 

Thực tế đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới các công trình lấn biển. Hiện Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị định về lấn biển (từ năm 2021) nhưng các cơ quan còn nhiều ý kiến khác nhau. “Cho đến nay, cả về mặt lý luận và thực tiễn, các nội dung chưa đủ “chín”, chưa đủ rõ để quy định quá cụ thể ngay tại Luật Đất đai về hoạt động lấn biển” - ông Vũ Hồng Thanh lý giải. 

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thanh lại quan tâm đến các quy định về đất đai nhằm hỗ trợ nông nghiệp, phát triển nông thôn. Bà đưa ra nhiều nghị quyết của trung ương đã quan tâm về vấn đề này, song dự thảo luật lại không có cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. “Đặc biệt là chính sách thực hiện chủ trương ly nông bất ly hương, nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người dân ngay tại quê hương để giảm áp lực cho thành phố” - bà chia sẻ. Bà cũng đề nghị dự thảo luật thể chế hóa chủ trương Nghị quyết 18/NQ-TW, đó là có các biện pháp để đánh thuế cao hơn với những người sở hữu nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu tư đất, bỏ hoang đất… nhằm tránh lãng phí trong sử dụng nguồn tài nguyên này.  

Đề xuất giảm diện tích đất thu hồi làm sân bay Long Thành

Cũng tại phiên họp lần thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 28/9, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đã trình bày tờ trình về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Chính phủ đề xuất điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư dự án từ 22.938 tỉ đồng xuống 19.207,504 tỉ đồng (giảm hơn 3.700 tỉ đồng); điều chỉnh diện tích đất thu hồi là 5.317,35ha (giảm 82ha); điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024; bổ sung việc bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Thẩm tra tờ trình, ông Vũ Hồng Thanh nhận định, công tác lập dự toán ngân sách và rà soát nội dung của dự án thành phần chưa sát với thực tiễn; sự điều chỉnh vốn đầu tư tương đối nhiều, giảm trên 15% so với tổng mức đầu tư ban đầu; các căn cứ lập tổng mức đầu tư điều chỉnh và lý do điều chỉnh còn chung chung, định tính. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá, cung cấp thêm thông tin, số liệu về điều chỉnh tổng mức đầu tư để đảm bảo tính minh bạch, chính xác, khả thi, tránh việc phải tiếp tục điều chỉnh.

Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, UBND tỉnh Đồng Nai cần phải rà soát, đánh giá rõ việc đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn có đáp ứng đồng bộ với việc bổ sung tăng quy mô số lô tái định cư hay không, nhằm đáp ứng nhu cầu và ổn định cuộc sống của người dân.

Về việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024, Ủy ban Kinh tế cho rằng, phải có đánh giá việc điều chỉnh về thời gian chuẩn bị và thực hiện có ảnh hưởng tới thời gian và lộ trình thực hiện giai đoạn 1 của dự án hay không. Chính phủ cần sớm đề xuất phương án điều chỉnh thời hạn hoàn thành giai đoạn 1 của dự án mà Quốc hội đã đặt ra và báo cáo cụ thể về nội dung này.

Minh Quang 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI