Dinh dưỡng chống suy nhược sau COVID-19

21/02/2022 - 06:43

PNO - Dinh dưỡng là công cụ tốt nhất để khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng và suy nhược hậu COVID-19.

Khi chống lại nhiễm trùng, cơ thể cần nhiều năng lượng và chất lỏng hơn. Đồng thời, nhu cầu protein phải tăng lên để hỗ trợ hệ thống miễn dịch và giúp sửa chữa các mô cơ thể trong quá trình phục hồi. Lượng vitamin và khoáng chất cũng giúp ích cho các quá trình này. Nếu không ăn uống đầy đủ, cơ thể cần sử dụng các nguồn dự trữ năng lượng, protein, khoáng chất và vitamin tự nhiên. Từ đó dẫn đến sút cân hoặc cơ bắp ngày càng teo nhỏ và yếu hơn.

Vì vậy, trong thời gian 7 - 20 ngày chống lại COVID-19, cơ thể gần như đã sử dụng tất cả sức mạnh sẵn có để đẩy lùi kẻ địch. Ngay cả khi hồi phục, những thiệt hại vẫn cần được sửa chữa. Nhiệm vụ của chúng ta lúc này là bù lại phần năng lượng bị mất, khối lượng cơ suy giảm, thay đổi chứng chán ăn trong khi đối mặt với hậu quả của dùng thuốc mạnh và chấn thương tâm lý. 

 

 

Sau COVID-19, cơ thể cần được bồi dưỡng nhiều hơn để hồi phục
Sau COVID-19, cơ thể cần được bồi dưỡng nhiều hơn để hồi phục

Mary Hickson, giáo sư về dinh dưỡng tại Đại học Plymouth (Anh), nhận định: “Ăn đúng chế độ rất quan trọng để giữ thể chất và tinh thần tốt. Yếu tố quan trọng của quá trình hồi phục sau COVID-19 là đảm bảo chế độ ăn uống của bạn lành mạnh, hợp lý”. Tuy nhiên, nói thì dễ hơn làm vì bản thân chứng chán ăn do mất mùi vị, giảm mức năng lượng và suy nhược là yếu tố cản trở việc ăn uống, và trên hết, nhiệm vụ nấu bữa ăn cho chính bạn dường như cũng khó khăn hơn. Sau đây là một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng hậu COVID-19 mà bạn cần theo đuổi.

Ăn thực phẩm tươi sống

Bổ sung chất đạm (protein) vào mỗi bữa ăn là điều tối quan trọng để xây dựng lại cơ thể. Protein cạn kiệt cũng đồng nghĩa với việc giảm khả năng miễn dịch. Dù vậy, ăn quá nhiều protein trong một bữa ăn sẽ không hiệu quả vì cơ thể khó phân giải và sử dụng chúng. Thay vào đó, bạn có thể ăn một quả trứng cùng bánh mì vào bữa sáng, thịt heo cho bữa trưa và gà hoặc đậu phụ cho bữa tối. Nên ăn trái cây, rau, các loại đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt (ví dụ như yến mạch, gạo lứt hoặc các loại củ giàu tinh bột như khoai tây, khoai mỡ, khoai môn hoặc sắn). 

Mỗi ngày, người trưởng thành nên ăn 250g trái cây, 300g rau củ, 250g ngũ cốc hoặc gạo, 160g thịt và đậu. Đối với bữa ăn nhẹ, các sản phẩm từ sữa cũng là nguồn cung cấp protein chất lượng tốt. Đồng thời hãy chọn rau sống và trái cây tươi thay vì thực phẩm có nhiều đường, chất béo hoặc muối. Không nấu quá chín rau và trái cây vì điều đó có thể làm mất các vitamin quan trọng. Khi sử dụng rau và trái cây đóng hộp hoặc sấy khô, hãy chọn những loại không thêm muối hoặc đường.

Uống đủ nước mỗi ngày 

Nước rất cần thiết cho sự sống, giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng và hợp chất trong máu, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, loại bỏ chất thải và bôi trơn các đệm khớp. Mọi người cần uống 8 - 10 cốc nước mỗi ngày. Nước lọc là sự lựa chọn tốt nhất, nhưng bạn cũng có thể tiêu thụ các loại đồ uống khác, trái cây và rau quả có chứa nước, ví dụ như nước chanh, trà và cà phê. Vitamin C là một chất chống ô-xy hóa mạnh, đặc biệt tốt cho sức khỏe của phổi. Lưu ý không tiêu thụ quá nhiều caffein và tránh nước trái cây ngọt, xi-rô, nước ép trái cây cô đặc, đồ uống có ga vì tất cả đều chứa nhiều đường.

Giảm chất béo và dầu

Tiêu thụ chất béo không bão hòa (có trong cá, trái bơ, các loại hạt, dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hướng dương và ngô) tốt hơn là chất béo bão hòa (từ thịt mỡ, bơ, dầu dừa, kem, pho mát…). Ưu tiên chọn thịt trắng như thịt gia cầm và cá thay vì thịt đỏ. Tránh các loại thịt đã qua chế biến vì chúng có nhiều chất béo và muối. Nếu có thể, hãy chọn các sản phẩm từ sữa ít béo và tránh xa chất béo công nghiệp có trong thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ chiên, bánh pizza đông lạnh…

Ăn ít muối và đường 

Khi nấu và chế biến thức ăn, hãy hạn chế lượng muối và các gia vị có hàm lượng natri cao (ví dụ như nước tương và nước mắm) để lượng muối ăn hằng ngày của bạn ở dưới mức 5g (khoảng một muỗng cà phê) và nên sử dụng muối i-ốt. Mặt khác, hạn chế uống nước ngọt và đồ uống khác có nhiều đường (ví dụ như nước trái cây, nước ép trái cây cô đặc, sữa có đường và sữa chua uống có đường). Chọn trái cây tươi thay vì đồ ăn nhẹ ngọt như bánh quy, bánh ngọt và sô-cô-la.

Nên ăn tại nhà nhưng vẫn dạo chơi ngoài trời 

Thói quen ăn ở nhà giúp giảm tỷ lệ tiếp xúc với người khác và đem lại cho bạn khả năng kiểm soát chế độ dinh dưỡng tốt hơn. Tuy nhiên, bạn cần tiếp xúc ánh nắng vì một số nghiên cứu đã phát hiện ra mối tương quan tích cực giữa vitamin D và kết quả hồi phục tốt hơn sau COVID-19. Hãy cố gắng đón một chút ánh nắng vào buổi sáng sớm trong ít nhất 20 phút để cơ thể tổng hợp các tiền tố vitamin D. 

Ngọc Hạ (theo WHO, NDTC, Times of India)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI