Những người không tìm được ghế ngồi đã chen chúc đứng xung quanh, dài ra đến tận cửa, hào hứng lắc lư, gõ nhịp theo các nghệ sĩ trên sân khấu. Họ thuộc các sứ quán châu Âu, là khách nước ngoài, khán giả hàn lâm trong nước và đặc biệt là rất nhiều gương mặt trẻ.
Có lẽ danh tiếng của Eric Legnini và nhóm tứ tấu mang tên anh đã giúp chương trình thoát được số phận hẩm hiu của nhiều show nhạc hàn lâm khác nơi mà số khán giả, nếu được 2/3 đã có thể gọi là thành công. Có lẽ đối với nhiều khán giả hôm nay, jazz dẫu sao vẫn dễ chịu, dễ nghe hơn nhạc cổ điển thuần túy nên Legnini đã không phải chứng kiến cảnh khán giả vừa nghe vừa... ngủ như đã từng xảy ra trong buổi hòa nhạc của tứ tấu tài danh Notos của Đức trong Những ngày châu Âu năm trước.
Nhóm tứ tấu Eric Legnini trong buổi hòa nhạc đỉnh cao của họ tại TP.HCM - Ảnh: Hoàng Yến
Sẽ không hề là quá lời nếu bảo đêm hòa nhạc của Legnini là một trong những chương trình jazz hay nhất từ trước đến nay tại TP.HCM. Họ xứng đáng được khán giả tán thưởng như vậy.
Nhưng, rất nhanh sau đó, ở một góc nhìn rộng hơn, mọi thứ vẫn như bình thường. Nhìn khắp khán phòng, số lượng phóng viên văn hóa - những người thường xuyên viết bài ca ngợi các show nhạc hàn lâm - chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Sau hơn năm tiết mục, “sức chịu đựng” của khán giả dần cạn kiệt. Họ bắt đầu rời thính phòng, ra hành lang hút thuốc, nhiều người bỏ ra về. Họ bảo: “Nghe vài bài thì hay chứ nhiều nữa thì không chịu nổi”. Âm nhạc của các “thầy phù thủy” đã vượt quá ngưỡng thưởng thức của họ và dù vẫn công nhận là hay, họ đã chọn ra về hoặc tìm đến với những món giải trí khác dễ nuốt hơn.
Trước đó một ngày, vở thanh xướng kịch Messiah của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) - chương trình kết hợp giữa các nghệ sĩ HBSO và Na Uy trong khuôn khổ dự án Transposition rơi vào tình trạng thảm hại về lượng khán giả. Sau bảy năm kiên trì hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng chuyên môn của nhạc công, nghệ sĩ biểu diễn, Messiah được xem như buổi báo cáo thành quả hợp tác giữa Việt Nam - Na Uy. Dù chúng ta buộc phải thừa nhận rằng so với các nghệ sĩ nước bạn thì những Phạm Trang hay Ngọc Tuyền của HBSO vẫn chưa thể vượt qua, nhất là khi họ phải hát bằng tiếng Anh cổ thời kỳ Baroque, nhưng trên tổng thể, Messiah là một vở diễn đáng xem, đáng nghe đối với mọi tín đồ âm nhạc hàn lâm. Ngoài những tài năng từ Na Uy, các nghệ sĩ Việt Nam cũng đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của họ trong biểu diễn, cho ta niềm tin rằng nhạc bác học Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai.
Trở lại thánh đường Nhạc viện TP.HCM, tối 10/5, vẫn trong khuôn khổ Transposition, đêm hòa nhạc gõ của nhóm SISU và các sinh viên Nhạc viện đã trình diễn một thứ âm nhạc tối giản (minimal music) với đặc trưng là những vòng lặp có thể kéo dài đến bất tận và sự khác biệt trên mỗi vòng lặp sẽ thể hiện tài năng của người nghệ sĩ. Thế nhưng, thật tội nghiệp cho SISU khi thay vì chờ nghe, phát hiện được những biến ảo tinh tế của họ ở mỗi vòng lặp, đã có những khán giả hỏi nhau: “Ủa, sao cứ nhiêu đó chơi hoài vậy?”. Cũng như với Legnini, khán giả ra về.
Những gì diễn ra trong đêm nhạc của Dàn hợp xướng Munich tối 11/5 tại Nhạc viện cũng tương tự. Dàn hợp xướng hàng đầu nước Đức đã không thể giữ chân khán giả khi khoảng cách biệt giữa chất lượng chuyên môn đỉnh cao và khả năng cảm thụ của khán giả Việt Nam vẫn còn quá xa.
Có nghe, có chứng kiến mới biết những nỗi lo về sự lệch pha giữa nghệ sĩ và khán giả hàn lâm hôm nay là thực. Trong khi các nghệ sĩ, qua các dự án hợp tác với nước bạn, đang tiến dần từng ngày thì khán giả đã bị bỏ lại sau lưng. Thay vì đuổi theo nghệ sĩ để cùng nhau phát triển, họ... bỏ rơi nghệ sĩ và hài lòng với năng lực cảm thụ của mình, thậm chí chọn cho mình những thứ dễ dãi hơn. “Đã đến lúc chúng tôi phải làm các chương trình có chất lượng chuyên môn cao, xứng tầm với vị thế và năng lực của HBSO”. Nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO khẳng định như thế trong buổi họp báo giới thiệu Messiah và ông đã đúng bởi Nhà hát sẽ khó vươn ra thế giới, khó xác định đẳng cấp nếu cứ mãi chạy theo những chương trình nhiều tính giải trí như Kẹp hạt dẻ, Trà Hoa Nữ, Cô bé Lọ Lem... Vấn đề là khán giả cũng phải tiến lên chứ không thể bằng lòng với những đêm Giai điệu trẻ nơi các nghệ sĩ chuyên môn cao cố gắng giúp khán giả giải trí để mời gọi họ tiếp cận nhạc hàn lâm. Nếu khán giả không tiến kịp, chúng ta phải giúp họ chứ!
PHẠM THÀNH NHÂN