Dính bẫy mua hàng trực tuyến Black Friday

23/11/2018 - 12:00

PNO - Trước “cơn sốt” mua sắm hàng giảm giá Black Friday, các chuyên gia an ninh mạng liên tục lên tiếng cảnh báo khách hàng đang có ý muốn săn hàng giá rẻ.

Theo báo cáo mới nhất từ công ty an ninh mạng RiskIQ, có hàng trăm ứng dụng và trang web giả mạo đang rình rập đánh cắp dữ liệu và thông tin tài khoản tín dụng của khách hàng mùa mua sắm Black Friday năm nay ở Mỹ và cả ở Anh.

Dinh bay mua hang truc tuyen Black Friday
Trước "cơn sốt" giảm giá, những tín đồ mua sắm khó lòng cưỡng lại được.

Kẻ gian sẽ tạo những ứng dụng và trang web có tên giống tên các thương hiệu thật và chúng sẽ yêu cầu khách hàng tải một số ứng dụng về để có thể đăng ký nhận chương trình khuyến mãi. Khách hàng nếu không cẩn thận sẽ dính bẫy mã độc xâm nhập vào thiết bị điện tử của mình.

Mới đây, khách hàng của Amazon khá bất ngờ khi nhận tin nhắn qua ứng dụng nhắn tin miễn phí WhatsApp rằng hệ thống bán lẻ Amazon sẽ giảm giá sâu đến 99%.

Amazon sau đó phải đính chính trên trang Twitter cá nhân: “Đừng tin và chia sẻ những thông tin sai sự thật như thế, vì tất cả chương trình khuyến mãi sẽ được cập nhật trên trang chủ hoặc những trang chính thức”.

Khách hàng trực tuyến có một điểm bất lợi là họ khó thấy những dòng địa chỉ cụ thể URL và vì thế họ thường quên kiểm chứng, và dễ dàng mắc bẫy.

Với những trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, trước khi quyết định mua hàng, khách hàng hãy cẩn thận kiểm tra xem có dấu chứng nhận xanh do Facebook  xác nhận hay không.

Theo công ty tiếp thị Criteo, hơn 40% các đơn hàng bán ra vào dịp mua sắm hai tháng cuối năm 2017 là đơn hàng thực hiện thông qua điện thoại và xu hướng này ngày càng tăng.

Dinh bay mua hang truc tuyen Black Friday
Kẻ gian có thể dùng mọi thủ đoạn để đánh cắp thông tin cá nhân của khách hàng trực tuyến.

Khách hàng cũng phải hết sức cẩn trọng khi được yêu cầu tải ứng dụng vì sẽ bị yêu cầu cung cấp thông tin thẻ tín dụng. Theo thống kê của RiskIQ thì 5,5% trong số hơn 4.000 ứng dụng liên quan đến hoạt động mua sắm Black Friday và Cyber Monday (ngày mua sắm thiết bị công nghệ vào thứ Hai đầu tiên sau Black Friday) là ứng dụng giả.

Công ty này khuyến nghị người dùng nên tải ứng dụng trực tiếp từ kho ứng dụng của Apple hay Google, thay vì bấm vào một đường link bất kỳ để tải ứng dụng.

Yair Levy, chuyên gia an ninh mạng tại Đại học Nova Southeastern cảnh báo khách hàng chỉ nên mua sắm ở những địa chỉ đáng tin cậy, đừng vì món hàng hấp dẫn hay giá quá rẻ mà chuốc lấy rủi ro. Tốt nhất là mua trực tiếp từ công ty sản xuất hoặc từ cửa hàng bán lẻ phân phối sản phẩm và đừng mua qua bên thứ ba.

Chuyên gia Yair Levy cũng khuyên mọi người nên có riêng thẻ tín dụng chỉ dành cho việc mua sắm và đừng bỏ quá nhiều tiền vào. Nếu có rủi ro xảy ra thì khách hàng cũng không mất quá nhiều tiền hoặc không ảnh hưởng đến các hoạt động giao dịch khác ngoài mua sắm trực tuyến.

Công ty an ninh mạng BullGuard thì đưa ra lời khuyên khách hàng không nên bấm vào những đường link trong mail và cũng không cung cấp thông tin cá nhân của mình qua những kết nối như thế.

Ở Anh, Black Friday đang dần thay thế ngày mua sắm truyền thống Boxing Day, trở thành ngày thu hút người tiêu dùng nhất. Công ty ThreatMetrix chuyên ngăn chặn các cuộc tấn công mạng ở Anh ước tính có khoảng 6,5 triệu vụ tấn công mạng sẽ xảy ra đối với việc mua bán lẻ trực tuyến trong tuần này.

Theo dự đoán của các chuyên gia an ninh mạnh thì trong tuần này trên thế giới sẽ có khoảng 50 triệu vụ tấn công là Anh chiếm 13% trong số ấy.

Số vụ tấn công an ninh mạng trong dịp mua sắm lớn này tăng dần những năm vừa qua. Năm 2016 là 20 triệu vụ, năm năm 2014 là 11,4 triệu vụ.

Minh Khôi (Theo CNN, The Sun)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI