Dính bẫy Black Friday

27/11/2017 - 10:01

PNO - “Black Friday vừa qua, các ngày Cyber Monday, Christmas, After Christmas sale sắp đến; inbox của tôi nổ tung vì tin nhắn đặt hàng, vô số link website gian, giả mời mua hàng với giá rẻ không ngờ” - một facebooker chuyên mua đi bán lại cho biết.

Lừa đảo online vào mùa  

Sau ngày Black Friday, những người nghiện shopping online thường đùa với nhau: “Có bảo toàn được tính mạng không?”. 

Thực tế, có người không chỉ “chết dở” vì mua sắm quá tay, mà đã có không ít trường hợp dính “bẫy” chết người” của bọn lừa đảo. 

Nắm tâm lý của nhiều tín đồ mua sắm đang hào hứng săn hàng giá cực rẻ nhân ngày giảm giá, bọn lừa đảo đã lên kế hoạch chu đáo để giăng bẫy trong dịp này với những cái giá giảm đến... sập sàn. 

Chúng lập các website giả mạo có tên rất dài và thường bao gồm những từ như cheap-handbags.com, best-wholesale-boots.com, jewelclearanceonsale2017.com... hoặc có những từ dính với các thương hiệu uy tín để gây hiểu lầm như amazon.asd513.com hay http://www.jewelclearanceonsale2017.com. 

Mới đây trên giao diện Facebook của nhiều người tiêu dùng Việt Nam xuất hiện một trang mua sắm toàn bằng tiếng Anh (nhưng cách xuất hiện rõ ràng là muốn nhắm vào thị trường Việt Nam). 

Dinh bay Black Friday
 

Một trường hợp khác, xảy ra trong Hội Những người cuồng P… - một hội kín có gần 100.000 thành viên có sở thích chia sẻ, trao đổi về các loại vòng, charm từ hãng P… để thỏa đam mê hoặc mua đi bán lại kiếm lời. 

Một ngày trước Black Friday, nick facebook HienXX đăng trong diễn đàn rất nhiều ảnh về sản phẩm P… với giá rẻ bất ngờ - giá về tới “cửa nhà” chỉ khoảng 350.000 đồng/món; trong khi giá trị thật của các món trên do hãng đưa ra là phải trên 30 USD, chưa tính thuế và phí vận chuyển.

Nhưng, chỉ một ngày sau đó, nhiều thành viên phát hiện website bán hàng mà người bán gom order chỉ là trang web vừa mới thành lập, không có địa chỉ, nguy cơ lừa đảo rất cao. Tuy nhiên, vẫn có những thành viên cho rằng, người bán hàng có thể cũng chỉ là con mồi của các website giả đó mà thôi. 

Một trường hợp khác, bộ nồi Kitchen and Dining chính hãng của Anh có giá 24 USD, cộng phí ship và thuế, về tới Việt Nam là khoảng 40-50 USD; nhưng nhiều website giả lại rao bộ nồi này với giá chỉ khoảng mười mấy USD, giao hàng về tận Việt Nam. Liệu đây đúng là hàng thật?

Không chỉ vậy, khách vào mua còn bị trừ tiền giao dịch nhiều lần, khiến người mua giật mình yêu cầu ngân hàng khóa thẻ. Chỉ cần tỉnh táo một chút là những người rành chuyện mua bán online sẽ thấy các website đáng ngờ thường có giao diện rất đẹp, rao bán sản phẩm chính hãng... nhưng địa điểm kinh doanh, giấy phép kinh doanh lại không có, thời gian thành lập website chỉ vài tháng... Trong trường hợp này, nếu bạn mua phải hàng giả là còn đáng... mừng, vì tệ hơn, khi thanh toán bạn có thể bị “nuốt trọn” tiền. 

Tranh thủ lấy thông tin khách hàng?

Nhân ngày hội mua sắm, có những trang web còn tung “mồi” đang “hot” là iPhone X để thu hút thành viên. Cụ thể adayroi.com đưa ra chương trình hấp dẫn "The Hunter Games", cho khách hàng cơ hội mua được iPhone X màu bạc, phiên bản 64GB với giá chỉ 11 triệu đồng.

Để tham gia, bạn phải có thẻ VinID. Khi “đi săn”, bạn không cần thanh toán, chỉ cần điền thông tin cơ bản vào một mẫu có sẵn. Ai nhanh nhất sẽ mua được. Trang web này đưa ra 5 khung giờ để “săn” và lập tức thu hút rất nhiều “thợ săn”.

Tối 24/11, trang Facebook đã công bố danh sách 8 người may mắn và tên 2 khách hàng may mắn cuối cùng sẽ công bố vào 21g-21g10 hôm sau.

Theo đánh giá của nhiều “thợ săn” thì đây có thể chỉ là chiêu trò thu thập thông tin, phát triển thêm thành viên bằng chiếc thẻ VinID, việc trúng giải là không có thật, vì cách công bố giải quá sơ sài. 

Dinh bay Black Friday
 

Thậm chí, nhiều người nhận định, các status được đăng đã set-up sẵn bởi quản trị page, không có bất cứ trả lời nào cho những bình luận rất bức xúc của các “thợ săn” để lại trên trang Facebook của adayroi và cũng chưa thấy bất cứ động thái nào của đơn vị chủ quản trang web này về vấn đề này. 

Trước đó, từ đầu tháng 11, Lotte cũng mở bán iPhone X giá chỉ 10 triệu đồng (thời điểm sản phẩm này đang có giá đến 30 triệu đồng), cũng với kiểu giờ vàng, ưu đãi vàng. Cộng đồng mạng Việt Nam một phen dậy sóng. Để săn cái giá “hời” này, Lotte cũng hướng dẫn bạn tìm ứng dụng, tải app qua điện thoại... 

Kết quả là sau đó rất nhiều người biết tới Lotte, sử dụng thành thạo mọi thao tác trên app của Lotte, nhưng ai là người mua được chiếc iPhone X với giá 10 triệu đồng thì vẫn còn là một... bí ẩn. 

Vì thế, khi nghe đến việc giảm giá sâu, bạn đừng vội nghĩ đến việc sẽ mua được hàng với giá cực rẻ. Để “bảo toàn tính mạng cái... hầu bao” trong mùa sale, bạn phải thật tỉnh táo chọn lựa và chỉ nên mua đúng những thứ mình cần để tránh lãng phí. 

Ham rẻ, sập bẫy web giả

Trong những dịp như Black Friday, nhiều trang web, trung tâm thương mại, nhãn hàng tại Việt Nam và cả ở nhiều nước khác thường tung ra mức giảm giá phổ biến 10-30%, có khi lên đế 50%. 

Đây là mức giảm vẫn còn nằm trong biên độ lợi nhuận của các hãng, để dù bán hàng giảm giá họ vẫn bù lại được lợi nhuận nhờ bán với số lượng lớn, sản phẩm tiếp cận được nhiều đối tượng tiêu dùng. 

Một Việt kiều Mỹ cho biết: “Ngay Black Friday ở Mỹ cũng không sale với mức 80-90%, trừ khi mặt hàng đó closed-out (hàng không sản xuất nữa hoặc đóng cửa luôn). Giảm giá đậm kiểu đó thường là các website lừa. 

Nhiều website bán hàng dù có đuôi là “.com” hẳn hòi nhưng thực chất không ở Mỹ mà từ các nước khác, người mua phải hết sức thận trọng. Nhiều website trông rất “hoành tráng”, đa dạng rules (công cụ) nhưng khi vào mục “about us” (thông tin công ty) hay “contact us” (liên lạc với công ty) thì chỉ thấy có email liên lạc, không có địa chỉ, số điện thoại. 

Mua sắm ở những website này nguy cơ rủi ro cao. Nếu nghi ngờ trang web sau khi đặt lệnh mua, bạn nên gọi điện thoại ngay đến ngân hàng để đóng thẻ, tránh bị rút tiền.

Bảo Uyên

Kỳ sau: Mua hàng online cách nào để tránh bị lừa?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI