Điều ước tháng 3

06/03/2016 - 09:03

PNO - Tôi trách mình. Trách mình kém duyên có mỗi ngày được ân huệ thì chẳng ai ngó ngàng. Trách sao chẳng có lấy một người bận tâm đến mình. Buồn biết mấy.

Dieu uoc thang 3
Ảnh mang tính minh họa

Tối qua trong cơn mê ngủ, nghe con gái nói “cuối tháng 2 rồi mẹ nhỉ, vậy là gần đến 8/3 rồi, mẹ có ước gì không?”. Tôi cũng không biết mình có ước gì trong ngày này không. Nhưng, tôi biết, đặc sản của tháng 3 đang đến. Cái đặc sản như món quà trao tận tay những người phụ nữ, và yêu cầu họ thì thầm điều ước. Đã sang tháng 3 rồi đấy. Ước cái gì cho chính mình!?.

Tôi nhớ cảm giác mình đã từng tủi thân thế nào trong cái ngày dành riêng cho phụ nữ này nhiều năm trước. Lúc mọi người hào hứng kể chuyện nhận quà, nhận hoa. Lúc ngoài kia phố xá đông đúc, hoa hớn hở dọc đường. Lúc những chàng trai tay ôm hoa, miệng mỉm cười, chào nhau trong thang máy. Tôi trách mình. Trách mình kém duyên nên có mỗi ngày được ân huệ thì chẳng ai ngó ngàng. Trách sao chẳng có lấy một người bận tâm đến mình. Buồn biết mấy.

Tôi nhớ, mình đã từng ước giá đừng bao giờ có ngày 8/3, để nhà nhà người người bớt hân hoan đi. Và tôi, đỡ tủi thân đi biết mấy. Tuổi trẻ, đã chẳng ai kịp dạy tôi rằng đó chỉ là một ngày bình thường. Không nhận được hoa, không có quà, cũng chẳng có nghĩa là mình không được quan tâm. Tôi, ngày ấy, đã không đủ bình tĩnh để vui một mình, để biết cách tự mua tặng mình một món quà, để biết tự làm một điều gì đó, dẫu điên rồ, miễn điều đó có thể làm mình vui thêm.

Bà nội tôi, là một người phụ nữ nhỏ thó nhưng sắc sảo, hiện đại. Sống chung cùng bà cho đến khi vào đại học, tôi chưa từng thấy ở bà cái cảm giác chịu đựng như những người phụ nữ xung quanh. Không bói toán cúng bái mê tín. Không cung phụng chiều chồng. Bà luôn luôn có một phản xạ nương tựa nhất định với chồng mình - ông nội tôi. Bà là người phụ nữ nông thôn duy nhất, tôi biết, chưa khi nào tự mở cửa ra ngoài những lúc trời tối nếu không có ông nội đi cùng. Bà tự lập mua bán chi tiêu cho cả nhà. Đến giờ, tôi vẫn hay bảo “chưa thấy ai như nội”.

Tôi nhớ 8/3 năm học lớp 10, trường ra thông báo kêu gọi các bạn trai có hành động thiết thực với các bạn nữ trong ngày 8/3. Bữa cơm tối đó khi tôi mang câu chuyện ấy ra kể, nội tôi cười “bày đặt, cái đó là tự nguyện chứ sao lại bắt buộc”.

Hành động của trái tim, bắt buộc thật nực cười. Với một cụ bà 80 tuổi thời đó, điều ấy đã thật nực cười. Bà nội tôi, cả đời chắc cũng không biết ngày 8/3 và cũng không có cho mình điều ước nào vào ngày này. Nhưng tôi biết, bà đã luôn sống vui.

Tôi thích quan sát những người đàn bà nông thôn mỗi khi có dịp. Ở họ, cứ toát lên một điều gì đó tôi không lý giải được. Sự nhẫn nại, thậm chí chấp nhận thua thiệt. Ánh mắt chứa một sự ẩn ức nào đó. Và điều tôi muốn học hỏi ở họ, đấy là chẳng khi nào họ than van.

Họ có bao giờ có mặt ở một lễ hội nào không? Họ có niềm vui nào không? Cuộc sống đó, có tước đoạt của họ những ước mơ không? Niềm vui, mơ ước, đôi khi chẳng là những điều lộng lẫy, mà với họ, có thể là một giấc ngủ trưa đẫy giấc giữa nắng và gió. Điều minh triết ấy, đâu phải ai cũng muốn là được.

Tôi hỏi dì Năm, người bán chuối nướng bên bến đò ngang - một xã heo hút của An Giang - câu hỏi mà con gái hỏi sáng nay “đến 8/3 rồi, dì Năm có ước gì không”. Dì cười lớn bảo tôi hỏi giống người ta hỏi khi đi thi hoa hậu quá. Ước gì hả, dì ước thằng rể bớt cờ bạc, nhậu nhẹt để con gái dì bớt khổ. “Mới Tết rồi nó mang luôn chiếc xe của vợ nó đi “cầm” chơi đề thua hết, giờ không có xe đi làm. Ngày nào nhậu về cũng đánh vợ. Con nhỏ khóc ròng”. Giọng dì sang sảng cả khúc sông nhỏ, tất tả qua sông cho kịp chuyến đò cuối - vội vàng như bao người phụ nữ của vùng đất ấy.

8/3 rồi cũng qua, cũng chỉ là một ngày như mọi ngày. Thôi thì cứ hào phóng tự tặng cho mình, cho tôi, cho bà nội và những người phụ nữ không hề biết đến ngày này những điều ước. Để ngày mai, ngày kia… luôn có điều gì đó gieo trong lòng họ nhiều hy vọng. Để mà vui.

Đoàn Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI