Điều ước cuối cùng của gia đình 2 kẻ gây thảm án ở Bình Phước

24/12/2015 - 07:50

PNO - Mẹ Tiến có mặt trong phiên xử con trai nhưng lặng lẽ, không dám để mọi người biết. Còn gia đình Dương đến mộ của những nạn nhân xin tha thứ.

Cắn răng nhìn con trong nước mắt

Phiên xét xử những bị cáo gây ra vụ thảm án đoạt mạng 6 người trong một gia đình ở huyện Chơn Thành, Bình Phước đã diễn ra được một tuần, 2 bản án tử hình, 1 bản án 16 năm tù và khoản đền bù 480 triệu đồng dành cho các bị cáo được dư luận đồng tình. Nhưng đằng sau đó, vẫn là nỗi đau dai dẳng của các gia đình bị cáo.

Chiều ngày 23/12, bà Vũ Thị Thi (sinh năm 1960, mẹ đẻ Vũ Văn Tiến) tâm sự, bà có đi dự phiên tòa xét xử con mình nhưng chỉ dám đứng chìm trong đám đông mà không đứng ra nhận là người nhà bị cáo, vì sợ làn sóng phẫn nộ của dư luận đang bủa vây lấy mình.

Nhìn thấy con trai thể trạng tốt hơn, bà Thi chỉ biết đưa tay che miệng khóc. Nhưng đến khóc bà cũng chỉ dám “nhỏ nhỏ thôi vì sợ người nhà nạn nhân và mọi người nhận ra thì không biết hậu quả sẽ như thế nào”.

Dieu uoc cuoi cung cua gia dinh 2 ke gay tham an o Binh Phuoc
Bà Vũ Thị Thi trong một lần kể về con trai.

Nhưng cảm xúc của một người mẹ, chứng kiến hàng nghìn người đang dồn ánh mắt phẫn uất về phía con trai mình cũng chẳng thể che giấu được những người xung quanh, vẫn có người dân cảm nhận ra bà chính là mẹ của Tiến mà buông lời hỏi “là mẹ của bị cáo hay sao?”. Lúc ấy, bà Thi chỉ biết đáp rằng: “Tôi là người hàng xóm, được gia đình bị cáo nhờ đi dự thay. Trước đây, tôi có con gái định gả cho nó…”.

Người mẹ thân già còm cõi, theo dõi con trai trong suốt phiên xét xử nhưng không dám lại gần. Mỗi lúc mệt quá, bà Thi lại đi ra gốc cây gần đó ngồi. Mà bà ngồi nào được yên, cứ nhấp nhổm xem tòa nói gì, con mình khai gì, mọi người xung quanh bàn tán ra sao. Dự đoán được bản án mà Tiến phải nhận, vậy mà trong lòng người mẹ vẫn cứ hy vọng những điều mình trông thấy chỉ là giấc mơ.

“Tôi cắn răng ngăn tiếng khóc nức nở bật lên còn nước mắt thì cứ tràn ra. Nghe tòa tuyên Tiến án tử hình, chân tôi như khuỵu xuống. Cổ nghẹn lại, chặn lấy hơi thở trong người. Bản năng của người mẹ đã thúc đẩy tôi cố chen đến bên con mình, mọi sợ hãi tan biến, tôi nói với công an là mẹ của Tiến và muốn được gặp thằng bé. Nhưng lúc này người ta đã dẫn nó lên xe, tôi chỉ với theo gọi: “Bé, Bé ơi, mẹ nè Bé…!” – bà Thi kể với giọng nghẹn ngào.

Trước khi trở về căn nhà ở huyện Bù Gia Mập (Bình Phước), bà Thi được công an trao lại cho 2 kỷ vật mà Tiến làm khi đang trong trại tạm giam. Đó là trái hồ lô thắt bằng sợi dây và con heo, kèm theo đó là dòng chữ “gia đình vui vẻ”. Nhận những kỷ vật của con, bà Thị vừa thương vừa giận con trai mình đã có hành động sai lầm để đến ngày hôm nay xã hội lên án, cả gia đình phải gánh chịu hậu quả.

Dieu uoc cuoi cung cua gia dinh 2 ke gay tham an o Binh Phuoc
Lần lượt từ trái qua phải là Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại.

Âm thầm viếng mộ nạn nhân

Trong khi đó, gia đình của Nguyễn Hải Dương không dám tới dự phiên xét xử bởi sợ sự phẫn uất của gia đình nạn nhân và dư luận sẽ dẫn đến tình huống không hay xảy ra. Thông qua luật sư, vợ chồng ông Nguyễn Phúc Hải – cha Dương biết được con trai rất muốn được gặp cha mẹ nhưng cả hai vợ chồng đành cắn răng chấp nhận.

Nhưng ông Hải bất ngờ chia sẻ, sau phiên xét xử đúng 1 ngày (tức 18/11), gia đình ông gồm có bà ngoại, em gái và dì của Dương đã đến mộ của 6 nạn nhân để thắp hương, xin tha thứ cho hành động mà Dương đã gây ra.

“Hôm đó đúng vào ngày sinh nhật của Linh (1 trong 6 nạn nhân, từng một thời là bạn gái của Dương), tôi được mọi người kể lại khi tới nơi thì thấy trên mộ Linh có chiếc bánh sinh nhật. Chắc trước đó một lúc, người thân của cháu Linh cũng đã đến thắp hương. Nếu chạm mặt nhau, không biết chuyện gì sẽ đến” – ông Hải chia sẻ.

Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn bế tắc nhưng ông Hải khẳng định, trong thời gian tới sẽ đến gặp gỡ gia đình nạn nhân để nói chuyện, xin tha thứ và cũng để bàn về phương án đền bù thiệt hại mà tòa đã tuyên. Ông Hải cho biết, với công việc bảo vệ hiện tại, vợ lại thường xuyên đau ốm, sau sự việc của con trai thì nền kinh tế của gia đình đã kiệt quệ nên ông muốn thương lượng với gia đình nạn nhân.

Trong khi đó, tại phiên xét xử, một người đại diện trong gia đình nạn nhân chia sẻ: “Ai gây ra tội thì người đó phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Chúng tôi không trách móc gì bậc làm cha làm mẹ. Hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu được nỗi đau khi người thân của mình có chuyện xảy ra. Họ - người thân của bị cáo đâu có muốn chuyện này xảy ra”.

Phúc Tiễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI