Câu lạc bộ Nhịp đập xanh của Hội LHPN P.4, Q.10 ra đời tròn một năm, với bốn buổi sinh hoạt, nhưng các thành viên đã thật sự gắn kết với nhau. Họ gặp nhau và động viên nhau hằng ngày, tại bệnh viện, nơi tập luyện yoga, nơi dạy cách thực dưỡng và cả trên mạng xã hội… Mỗi lần sinh hoạt, họ mang đến cho nhau những niềm vui trọn vẹn, cho nhau cơ hội thực hiện ước mơ, bởi họ biết, có thể, họ không còn nhiều cuộc vui trong đời…
Đêm ấy, Tâm đã sống thật một lần
Vào một đêm cuối tuần mới đây, là đêm đầu tiên anh Nguyễn Minh Tâm được sống thật trong đời. Anh mặc váy dạ hội, xõa tóc dài và đứng lặng nơi góc khán phòng ngước nhìn lên sân khấu phòng trà. MC của chương trình nhẹ nhàng: “Có những ước mơ nhỏ nhoi, có ước mơ lớn lao, có ước mơ cần phải có thời gian dài để thực hiện… Nhưng, với các bệnh nhân ung thư, để thực hiện được ước mơ họ phải giành giật với thời gian. Hiểu và đồng cảm với ước mơ được là chính mình, được hát trên sân khấu, được đứng trước nhiều người nói lời cảm ơn mẹ của anh Nguyễn Minh Tâm - Phó chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Nhịp đập xanh P.4, Q.10, chúng tôi, những người mang bệnh K. đã phối hợp với CLB tổ chức đêm nhạc này, giúp anh Tâm một lần hiện thực hóa ước mơ…”.
|
Anh Nguyễn Thanh Tâm và mẹ trong đêm nhạc “Điều ước của Tâm” |
Phòng trà Thủy Mộc (Q.3) chật kín. Khán phòng nhỏ lúc ấm áp, lúc rưng rưng, lúc dâng trào với những bản ca cổ, những giai điệu trẻ trung sôi động, du dương trữ tình. Trên sân khấu, bên cạnh anh Tâm còn có mẹ anh và bạn bè cùng hòa vang lời ca, tiếng hát. Nhiều “ca sĩ” đầu không còn tóc, thân thể gầy gò… nhưng ánh mắt, gương mặt ngời lên niềm tin vào sự sống cũng cùng hát, nắm tay nhau, trao nhau những cái ôm nồng ấm.
Đêm ấy, khán giả không ai rời phòng trà về trước, bởi họ đến đây để giúp anh Tâm, một bệnh nhân ung thư, thực hiện giấc mơ của cuộc đời mình.
Đêm ấy, nhìn con trai vui giữa vòng tay bạn bè, bà Phan Thị Ngọc Hương, mẹ anh Tâm, đã không kìm được những dòng nước mắt vì vui sướng. Bà nói: “Tôi thật sự biết ơn các em, những người bạn đồng hành, thấu cảm và chia sẻ để Tâm thực hiện được ước mơ của cuộc
đời mình”.
Đêm ấy, không chỉ mình anh Tâm trọn vẹn ước mơ, mà nơi góc khán phòng, chị Huỳnh Thị Hoàng Oanh, chủ nhiệm CLB, thi thoảng lại nở nụ cười hạnh phúc. Đêm nay, chị và không ít anh chị em trong CLB Nhịp đập xanh đã hiện thực hóa được giấc mơ của mình: “Oanh vẫn mơ ước được làm người tổ chức chương trình. Các chị em khác, người thỏa ước mơ trổ tài hóa trang cho những người lên sân khấu, người được dẫn ba, mẹ đi phòng trà xem biểu diễn âm nhạc… Đêm nay, tất cả chúng tôi đều chạm được đến giấc mơ của cuộc đời mình”.
Những chiến binh dũng cảm
Hoàng Oanh sinh năm 1975 trong một gia đình viên chức ở P.4, Q.10. Năm 2015, tình cờ Oanh phát hiện mình bị ung thư vú giai đoạn 2B. Chị suy sụp tinh thần, khóc cạn nước mắt. Theo lời khuyên của các bác sĩ, chị chuyển hồ sơ đến bệnh viện Ung bướu TP.HCM để điều trị. Vào bệnh viện, nhìn thấy sự chịu đựng và vượt lên bao đau đớn của những người bệnh, Oanh trở về nhà ôm chầm lấy mẹ: “Mẹ ơi, con thèm được sống!”. Thế nhưng, quá trình điều trị bệnh với các đợt hóa trị, xạ trị liên tiếp, khiến Oanh không khỏi hoang mang. Chị nhớ lại: “Lúc đó vừa trị bệnh, tôi vừa tìm hiểu thông tin về căn bệnh của mình và phát hiện ra cả một cộng đồng thật lớn những người đang từng ngày đấu tranh, chống chọi với căn bệnh quái ác này ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều tấm gương nghị lực, các anh chị đã nhiều lần tự sống dậy ngay cửa tử thần đầy ngoạn mục trước sự ngạc nhiên thán phục của y giới. Thế là tôi lân la làm quen với họ: sống tích cực!”.
Hai tháng sau ngày vô hóa trị lần đầu, Oanh quyết định cởi bỏ chiếc mũ trên đầu để mọi người biết mình bị ung thư. Chị kêu gọi mọi người không kỳ thị, hay tỏ vẻ xót thương, bởi bất kỳ ai cũng có thể mắc căn bệnh này.
|
Đêm ấy, có chị thỏa ước mơ thành chuyên viên hóa trang |
Oanh tham gia các nhóm truyền thông, các chương trình phòng, chống ung thư, các mạng lưới cộng đồng. Trong quá trình tham gia các hoạt động của nhóm bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Oanh phát hiện nhiều người cùng phường cũng ra vào nơi đây để chữa trị như anh Tâm, như bác sĩ Phạm Trường Giang - nguyên cán bộ phụ trách về y tế học đường của Phòng Giáo dục và Đào tạo Q.7, TP.HCM, người vượt qua cái chết sau sáu lần phẫu thuật chữa trị ung thư… Họ đã gặp gỡ, chia sẻ về cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư. Thấy nhiều bệnh nhân gặp khó khăn vì không có bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, Oanh chạy về UBND phường xin trợ giúp để rồi tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Kim Thủy - Chủ tịch Hội LHPN P.4, Q.10.
Nghe Oanh say sưa kể chuyện về cuộc chiến chống ung thư, chị Thủy đã rơi nước mắt. Cả hai cùng trăn trở: phải làm gì đó giúp những người bệnh, đặc biệt là các chị em phụ nữ khó khăn ở phường không đơn độc trong cuộc chiến giành sự sống. Và rồi họ tìm lại nhau, bàn bạc, vận động… Đầu năm 2020, CLB Nhịp đập xanh của Hội Phụ nữ với 18 chiến binh ung thư “đồng hương P.4, Q.10” đã chính thức ra mắt, trong đó có cả anh Tâm và bác sĩ Phạm Trường Giang. Bác sĩ Trường Giang cười xòa: “Bên lằn ranh sinh tử thì không còn giới tính, màu da, quốc tịch… chúng tôi, các anh, các chị khi ấy đều đã thành những chiến binh giành từng hơi thở, nhịp đập của trái tim trước lưỡi hái tử thần!”.
Chung lưng trong cuộc chiến chống ung thư!
Gần một năm trôi qua, CLB đã duy trì hoạt động và thật sự là nơi kết nối chặt chẽ các thành viên. Tham gia CLB còn có bốn phụ nữ không bị ung thư, đó là bà Ngọc Hương (mẹ anh Tâm), bà Hà Nguyễn Thái Thị Tuyết Mai, bà Nguyễn Ngọc Hoa và bà Huỳnh Thị Kim Tuyết.
Câu lạc bộ NHỎ nuôi khát vọng LỚN
Chúng tôi hỏi bác sĩ Phạm Trường Giang vì sao anh lại tự nguyện tham gia một CLB nhỏ cấp phường như vậy trong khi cộng đồng bệnh nhân ung thư ở Việt Nam và thế giới, tầm ảnh hưởng cùng với những hiểu biết, kinh nghiệm của anh là không nhỏ. Anh mỉm cười: “Tôi không nghĩ quy mô lớn hay nhỏ. Tôi vào CLB là vì những “đồng đội”, những “chiến binh” trong cuộc chiến chống ung thư như anh Tâm, chị Oanh… đang ở đó và gầy dựng cho cộng đồng xã hội một cuộc chiến mới - cuộc chiến chống ung thư. Một CLB nhỏ nhưng nuôi dưỡng những khát vọng lớn lao thì tại sao chúng ta không để cho những khát vọng, ước mơ ấy trở thành hiện thực!”.
|
Bác sĩ Phạm Trường Giang - ảnh: Hiếu Nguyễn |
|
Bà Ngọc Hoa nói: “Nghe tên CLB và mục đích, tôn chỉ của nó là tôi đầu quân ngay. Nhiều năm gắn bó với công tác Hội Phụ nữ và tiếp cận không ít phụ nữ bị bệnh nan y, trong đó có một người bạn thân, tôi thấu hiểu nỗi đau và sự khốn cùng của người bệnh trong sự cô đơn, nên tôi tham gia CLB để được cùng chia sẻ với các anh chị em. Vẫn biết là không dễ làm dịu đi nỗi đau của họ, nhưng tôi sẽ góp cho họ những nụ cười vui vẻ nhất”. Nói rồi, bà Hoa bung dù, hòa nhịp cùng các dì, các chị hội viên trong CLB tập dợt văn nghệ cho ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc của phường.
Theo lời kể của các thành viên, từ ngày tham gia CLB, mỗi người đều cháy bỏng khát vọng sống, sống từng ngày có ích cho đời. Bởi vậy các lần sinh hoạt, từ nghe nói chuyện chuyên đề đến các buổi học trang điểm, cắm hoa, làm vật liệu tái chế gây quỹ mua bảo hiểm y tế cho bệnh nhân nghèo, đều được các anh chị em tham gia tích cực.
Một thành viên của CLB nói với chúng tôi: “Đời người ai cũng sẽ chết. Nhưng những bệnh nhân ung thư như chúng tôi, cái chết được báo trước. Bạn có thể không biết nó kinh khủng thế nào. Trong những lần nhập viện chờ vô thuốc, có bệnh nhân đang chờ đến lượt mình thì thở hắt rồi ra đi vĩnh viễn. Khi ấy, tôi chỉ khát khao được sống để truyền đi thông điệp với mọi người, hãy cùng chống lại ung thư khi còn có thể. Rằng mọi người hãy tầm soát sớm, để phát hiện bệnh ung thư, để còn được sống với đời. Sống tích cực từng ngày, làm việc có ích cho đời và thực hiện ngay những mơ ước của mình để không hối tiếc”.
Nghi Anh