Điều trị ung thư ở trẻ em: Tỉ lệ hết bệnh cao, nguy cơ tái phát thấp

04/02/2023 - 06:45

PNO - Hiện có khoảng 70% trẻ em mắc ung thư được chữa khỏi hoàn toàn, có thể đi học, vui chơi. Nguy cơ trẻ tái phát bệnh cũng thấp hơn người lớn.

Nhiều trẻ được chữa khỏi hoàn toàn

Khi bé H.T.T.M. (9 tuổi, ở Đắk Nông) đỡ đau sau vài đợt hóa trị, không còn sốt, chảy máu, chị Hà Thị Hảo (29 tuổi, mẹ của T.M.) mới dám tin con gái mình có thể sống. Nhìn con xem đoạn phim hoạt hình trên điện thoại, chốc chốc đòi mẹ đút ăn, chị Hảo nói: “Bác sĩ (BS) nói sẽ cứu được cháu, bây giờ tôi tin rồi”.

Bác sĩ Nguyễn Đình Văn kiểm tra sức khỏe cho bé M. - ẢNH: PHẠM AN
Bác sĩ Nguyễn Đình Văn kiểm tra sức khỏe cho bé M. - Ảnh: Phạm An

3 tháng trước khi điều trị tại Khoa Ung bướu - Huyết học, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TPHCM), bé T.M. vẫn khỏe mạnh. Đầu tháng 12/2022, bé bỗng nhiên bị ho, sốt kéo dài. Nghĩ con bị bệnh thông thường, chị Hảo ra tiệm mua thuốc cho con uống. Vài ngày sau, bé sốt cao, tay, chân xuất hiện nhiều vết bầm tím, than đau bụng và nôn ói ra máu. Chị đưa con đến BV địa phương, BS phát hiện bé bị bệnh bạch cầu cấp dạng tủy nên chuyển đến BV Nhi Đồng 2 điều trị.

BS chuyên khoa 2 Nguyễn Đình Văn - Trưởng khoa Ung bướu - Huyết học, BV Nhi Đồng 2 - cho biết, hầu hết cha mẹ khi được thông báo con mình mắc bệnh ung thư đều nghĩ các bé rồi sẽ tử vong. “Ung thư ở người lớn và trẻ em rất khác nhau. Với trẻ em, các triệu chứng ung thư diễn ra rầm rộ, tiến triển nhanh nhưng tỉ lệ điều trị thành công cao hơn nhiều so với người lớn. Khoảng 70% trẻ em khỏi bệnh ung thư hoàn toàn, thậm chí rất ít tái phát” - BS Văn nói.

Điển hình, bé T.V.M. (14 tuổi, ở Gia Lai) được phát hiện ung thư máu lúc 3 tuổi trong tình trạng khối u dạng Burkitt rất nặng trong ổ bụng. Khối u tiến triển nhanh, làm bụng bé trai to lên mỗi ngày. Ban đầu, gia đình không tin bé sẽ sống. Các BS phải vừa hóa trị, vừa theo dõi, can thiệp các biến chứng, cùng với nhiều đại phẫu. 9 tháng dài chiến đấu, ngay lúc gia đình nản lòng, bé V.M. lại có sức sống mãnh liệt, vượt qua “cửa tử” và dần hồi phục. “Kỳ diệu hơn khi chưa đầy 1 năm điều trị, các xét nghiệm chuyên sâu cho thấy bé khỏi bệnh hoàn toàn. Đến nay, sức khỏe bé V.M. vẫn được theo dõi sát qua các lịch khám siêu âm bụng, tim, xét nghiệm máu… Bé khỏe mạnh, đi học bình thường và chưa ghi nhận tái phát” - BS Văn chia sẻ.

Hay trường hợp của một bé gái (ở TPHCM) cứ ho kéo dài hơn 1 tháng, đi khám nhiều nơi được chẩn đoán viêm phế quản, viêm phổi đã điều trị thuốc nhưng không khỏi. Đến khi bé than mệt, tím tái, gia đình đưa đến BV quận thì đã ngưng thở. Bé được đặt nội khí quản, hồi sức tích cực và đưa đến BV Nhi Đồng 2 cấp cứu. Qua các xét nghiệm, BS phát hiện bé bị ung thư máu, biến chứng với khối u lớn, chèn gần hết đường thở. Gia đình mong muốn đưa bé sang nước ngoài điều trị. Tuy nhiên, tình trạng của bé quá nặng nên không thể di chuyển. Thậm chí, các BS buộc phải hóa trị ngay cho bé khi vẫn còn thở máy, bởi lúc này bé gần như tử vong. Sau 2 tuần hóa trị, sức khỏe của bé tiến triển tốt hơn, người nhà từ nghi ngờ cũng dần tin vào năng lực của BS nên quyết định cho bé tiếp tục điều trị. Hơn 3 năm vào ra BV, bé đã khỏi bệnh hoàn toàn.

Cha mẹ cần kiên nhẫn đồng hành cùng con 

BS Nguyễn Đình Văn cho biết, mỗi năm Việt Nam có 5.000 trẻ mắc ung thư, con số rất nhỏ so với bệnh ung thư ở người lớn. Tuy nhiên, cơ sở điều trị ung thư ở trẻ em quá ít, cả nước chỉ khoảng 10 cơ sở. Vì vậy, hầu như đơn vị nào cũng quá tải. Chưa kể hiện nay, ung thư ở trẻ em đang có xu hướng tăng lên. Tính riêng tại BV Nhi Đồng 2, nếu trước đây, mỗi năm chỉ có khoảng 100-120 bệnh nhi mắc mới thì 1-2 năm gần đây, BV ghi nhận có khoảng 500 ca mắc mới/năm. Trong đó, Khoa Ung bướu - Huyết học tiếp nhận và điều trị từ 200-300 bệnh nhi mắc ung thư mới (khoảng 150 bệnh nhi mắc thể ung thư tạng đặc, còn lại là ung thư thể máu) và khoảng 100-200 bệnh nhân u não được theo dõi tại khoa khác. 

“Hiện nay, phương pháp cũng như chiến lược điều trị ung thư đã có nhiều thay đổi tích cực mang đến hiệu quả cao. Bao gồm cập nhật phác đồ trên thế giới, thay đổi thời gian điều trị thuốc kéo dài thời gian sống, thay thế các thuốc có tác dụng phụ lâu dài, giảm xạ trị để tránh ảnh hưởng về sau cho bé. Đặc biệt, phương pháp ghép tế bào gốc tự thân hạn chế tối đa tái phát ung thư cũng đã được đưa vào điều trị. Chính vì vậy, cha mẹ nên yên tâm, tin tưởng và đồng hành cùng con” - BS Văn chia sẻ.

Điều quan trọng trong điều trị ung thư là cha mẹ của bệnh nhi phải thực sự kiên nhẫn. Bởi với ung thư đơn giản nhất, thời gian điều trị tối thiểu cũng khoảng 6-7 tháng, có những loại ung thư trẻ phải điều trị kéo dài nhiều năm. BS Văn cũng lưu ý, trẻ em bị ung thư không diễn tiến âm thầm như người lớn mà thường có những dấu hiệu tức thời, tiến triển nhanh từ 3-5 ngày. Vì vậy, nếu bỗng dưng trẻ gặp một trong các triệu chứng như chảy máu bất thường, bầm da nhiều nơi, nổi hạch kéo dài, đau nhức xương liên tục, giảm vận động, bụng to đột ngột, các cơn nhức đầu tăng dần, ói vào buổi sáng, bị thiếu máu liên tục, sốt tái đi tái lại… cha mẹ nên đưa trẻ đến BV thăm khám càng sớm càng tốt. 

Vẫn còn nhiều khó khăn trong điều trị ung thư trẻ em

BS Nguyễn Đình Văn cho biết, khó khăn lớn nhất trong điều trị ung thư trẻ em là thay đổi quan điểm về bệnh ung thư trong suy nghĩ người lớn. Nhiều người cho rằng Việt Nam không thể chữa khỏi cho trẻ em bị ung thư nên thường xin cho con về… chờ chết hoặc đưa ra nước ngoài điều trị.

Mặc dù hiện nay điều trị ung thư cho trẻ em mang lại nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên do quá ít cơ sở điều trị nên các BV nhi luôn quá tải. Điển hình như tại Khoa Ung bướu - Huyết học, BV Nhi Đồng 2, số lượng bệnh nhi luôn gấp đôi số giường bệnh. Điều này làm cho các dịch vụ về y tế khó chu toàn cả về nhân lực, thiết bị, thuốc điều trị… 

Đồng thời, ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, người dân vẫn còn mê tín dị đoan, tìm đến thầy lang, thầy cúng, hay tự uống “thuốc gia truyền”… đến khi trẻ rất nặng mới đưa vào BV làm cho việc điều trị khó khăn, cơ hội sống của trẻ rất ít.

Bên cạnh đó, việc đào tạo BS điều trị ung thư trẻ em đang còn nhiều hạn chế. Vì vậy, hầu hết trẻ mắc bệnh phải đến các BV có chuyên khoa nhi để điều trị trong thời gian dài. Gia đình có con mắc ung thư phải tạm thời mất đi 1 hoặc 2 lao động để chăm sóc trẻ, dẫn đến kinh tế ngày càng khó khăn.


Phạm An 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI