Điều trị trễ, trẻ bị viêm phổi biến chứng nặng

09/11/2021 - 12:14

PNO - Những ngày qua, TPHCM dần nới lỏng giãn cách xã hội, cũng là lúc nhiều bệnh nhi ở các tỉnh, thành mắc các bệnh liên quan đến hô hấp được chuyển lên tuyến trên điều trị. Trong đó, không ít trẻ bị viêm phổi, tràn dịch, tràn mủ màng phổi.

Nhiều trẻ bị viêm phổi nặng, biến chứng tràn mủ màng phổi

Ngồi đợi đến lượt vào thăm nuôi con ở khuôn viên Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), chị Trần Thị Kim Xuân (ngụ ở tỉnh Tiền Giang) vừa ăn vội chén cháo vừa lau nước mắt. Hỏi thăm mới biết bé H.A.K., bốn tuổi, con trai chị, đang được cách ly điều trị. Chị kể: “Con tôi được chuyển đến bệnh viện hai ngày, bác sĩ nói bé viêm phổi, nhiễm trùng, phổi có mủ đang được hội chẩn. Nếu không thể nội soi, phải mổ hở để xử lý. Tôi không ngờ con bị bệnh nặng như vậy”.

Theo chị Xuân, trước đó, bé K. ho nhiều, hơi sốt. Nghĩ con bị cảm do thời tiết, chị ra tiệm thuốc tây mua thuốc cho bé uống. Uống được bốn ngày thuốc, bé K. bớt ho nhưng sốt nhiều hơn. Chị đưa bé vào bệnh viện địa phương thăm khám, bác sĩ nói bé bị viêm phổi, phải nhập viện điều trị. “Lúc đó, thấy bé vẫn bình thường, chỉ than đau ngực nên tôi chần chừ, xin cho bé ở lại bệnh viện tỉnh. Sau đó, bác sĩ nói bé bị tràn mủ màng phổi”, chị Xuân nói.

Bác sĩ Lê Thị Thanh Thảo thăm khám lại cho bệnh nhi - ẢNH: PHẠM AN
Bác sĩ Lê Thị Thanh Thảo thăm khám lại cho bệnh nhi - Ảnh: Phạm An

Khi TPHCM vừa nới lỏng giãn cách xã hội, một bệnh viện tại tỉnh Phú Yên lập tức chuyển bé T.P. đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu trong tình trạng tràn dịch màng phổi, tiên lượng nặng.

Theo bệnh sử, bé P. bị viêm phổi nặng, được điều trị tại bệnh viện tỉnh khoảng một tháng. Mặc dù được chăm sóc, theo dõi sát nhưng tràn dịch màng phổi khá lâu, có dẫn lưu dịch ra ngoài vẫn bị nhiễm trùng, làm mủ ở màng phổi. Thêm phần thời điểm đó, dịch COVID-19 phức tạp, bệnh viện chưa thể chuyển bé lên tuyến trên, tại bệnh viện cũng không thể thực hiện phẫu thuật xử lý mủ mà chỉ có thể điều trị bằng kháng sinh, thuốc đặc trị. Tuy nhiên, lúc này dịch mủ khá nhiều, dày, bé ngày càng nặng.

Bác sĩ Lê Thị Thanh Thảo, Phó khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết ngay khi tiếp nhận bé P., ê-kíp bác sĩ phải hội chẩn, nhận thấy dịch mủ trong phổi bé P. quá nhiều, không thể xử lý bằng nội soi nên các bác sĩ quyết định mổ hở, bóc vỏ màng phổi để làm sạch mủ trong khoang màng phổi của bé. “Sau ca mổ, hiện tại sức khỏe bé P. đã ổn định, cai được oxy, có thể tự ăn uống. Tuy nhiên, viêm phổi nặng trong thời gian dài ảnh hưởng đến chức nặng hô hấp của bé. Vì vậy, bé phải được theo dõi kỹ tại bệnh viện, tập vật lý trị liệu để giúp bé tập thở, tăng dung tích phổi, kèm theo đó sử dụng kháng sinh đặc trị hy vọng sẽ không để lại biến chứng về hô hấp”, bác sĩ Thảo nói.

Còn bé H.T.N. (bốn tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) đã được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhưng tiên lượng rất nặng, đang nằm tại Khoa Hồi sức tích cực, thở máy do xuất huyết phổi thời gian dài. Bác sĩ Thảo cho hay, bệnh xuất huyết phổi của bé N. diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng viêm phổi, không nôn ói hay ho ra máu, chỉ có tình trạng thiếu máu tái đi tái lại. Bệnh viện tuyến tỉnh truyền máu nhiều lần vẫn chưa tìm được nguyên nhân nên nhờ Bệnh viện Nhi Đồng 2 hội chẩn trực tuyến. Nghi ngờ bé bị xuất huyết phổi và đây cũng là bệnh khá hiếm nên các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 yêu cầu chuyển bé lên tiếp tục điều trị. 

Hết giãn cách, bệnh nhi viêm phổi nhập viện gấp đôi

So với thời điểm giãn cách xã hội, số lượng bệnh nhi tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tăng gấp đôi. Nếu thời điểm dịch bệnh, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 30 trẻ, thì hiện tại khoa điều trị hơn 50 trẻ. Trong đó, đa số ghi nhận ở trẻ dưới ba tháng tuổi và trẻ độ tuổi đi học với các bệnh lý viêm phế quản, hen suyễn hay viêm phổi. Bác sĩ Thảo cho biết: “Với những trẻ ở TPHCM, hầu hết được đưa đến bệnh viện sớm, được xét nghiệm loại trừ COVID-19, viêm phổi thông thường. Gần đây, có nhiều bé ở các tỉnh, thành chuyển lên với tình trạng khá nặng, có biến chứng tràn dịch màng phổi, tràn mủ màng phổi cần phải phẫu thuật ngay để xử lý ổ mủ”.

Theo các bác sĩ, những bé viêm phổi diễn tiến nặng khi khai thác bệnh sử thì phần lớn do ba mẹ ngại dịch, nghĩ con chỉ bị ho, sốt thông thường nên tự mua thuốc cho bé uống, có gia đình còn áp dụng các biện pháp dân gian điều trị. Đến lúc bé quá nặng, đưa đến bệnh viện địa phương đã vào giai đoạn viêm phổi nặng, địa phương không đáp ứng điều trị, chưa thực hiện được kỹ thuật mổ xử lý mủ ở màng phổi, nhưng do giãn cách xã hội nên không thể chuyển bé lên tuyến trên. 

Đến khi các bệnh viện tại TPHCM hội chẩn trực tuyến, yêu cầu chuyển đến thì đa phần mủ ở màng phổi các bé khá dày, hình thành ổ mủ mạn tính phải mổ hở thay vì phát hiện sớm, điều trị thuốc đặc hiệu hoặc nội soi sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Bác sĩ Thanh Thảo thông tin, tràn mủ màng phổi là biến chứng từ viêm phổi. Đầu tiên, khi bé mắc viêm phổi nếu không được điều trị đúng cách sẽ gây ra tràn dịch màng phổi, để lâu sẽ nhiễm trùng, mưng mủ, lúc này việc điều trị rất khó khăn, nặng hơn có bé bị màng mủ xơ dày, dính màng phổi làm ảnh hưởng đến chức năng hô hấp sau này. Thậm chí, bé có thể tử vong do nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng.

Bác sĩ Thanh Thảo khuyến cáo, dịch COVID-19 đang được kiểm soát, vì vậy phụ huynh không nên quá lo lắng mà bỏ qua cơ hội điều trị viêm phổi sớm ở trẻ. Cha mẹ quan sát biểu hiện của con, nếu bé bị bệnh mà vẫn ăn uống được, chơi vui, không khó thở thì theo dõi thêm cho bé bởi nghĩ nhiều đến viêm đường hô hấp trên, viêm mũi họng, có thể chăm sóc tại nhà. Nếu bé sốt cao liên tục không hạ, khó thở, ho liên tục, không ăn, không bú được phải đưa bé đến bệnh viện ngay.

Ngoài ra, những bé đã được chẩn đoán viêm phổi mà vẫn còn ho, sốt tiếp diễn, thở khó, thở gắng sức, co lõm ngực, liên sườn, lưu ý, tùy tác nhân gây bệnh, độc lực của vi trùng, hay nhiễm tụ cầu qua mụn nhọt da, tổn thương da… có bé sốt rất cao, có bé than đau ngực, hay đau các vị trí lân cận vẫn nên được đưa vào bệnh viện khám để được chẩn đoán và điều trị. Nếu để lâu có thể gây nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng, thậm chí tử vong. 

Phạm An
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI