Điều trị, phòng ngừa sạm, nám da: không thể nóng vội!

26/12/2022 - 07:43

PNO - Hiện nay có rất nhiều cách điều trị sạm da, tàn nhang, nám da… vì vậy người có nhu cầu làm đẹp nên tỉnh táo chọn lựa phương pháp phù hợp, tránh tâm lý nóng vội kẻo tiền mất tật mang.

 

Bác sĩ Phan Ngọc Huy điều trị nám da bằng laser cho người bệnh - Ảnh: P.A.
Bác sĩ Phan Ngọc Huy điều trị nám da bằng laser cho người bệnh - Ảnh: P.A.

Sẹo xấu do trị nám từ thuốc trôi nổi

Nám da, tàn nhang… là các vấn đề mà nhiều chị em luôn trăn trở, đặc biệt khi xuất hiện ở hai bên gò má, mũi, cằm hoặc trán, gây mất thẩm mỹ cho làn da. Tuy chúng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng làm nhiều người mất tự tin trong giao tiếp hằng ngày. Vì vậy, nhiều người khi bị nám, tàn nhang thường tìm đủ cách để điều trị càng nhanh càng tốt.

Thông thường, người có nhu cầu tẩy nám, tàn nhang rất tin tưởng vào bạn bè, người quen khi được giới thiệu mua thuốc “gia truyền”, thuốc dân gian với mong muốn sớm có hiệu quả (một phần vì nghĩ rằng người giới thiệu đã dùng rồi và mang lại kết quả tốt). Và hầu hết người dùng thuốc có thành phần là a xít làm da bị tổn thương, phồng rộp, thậm chí vết thương bị nhiễm trùng, mưng mủ.

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Ngọc Huy - Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da Liễu TPHCM - cho biết vừa qua bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bị nhiễm trùng, sẹo xấu do người bệnh tự ý tẩy nốt ruồi, trị nám từ các loại thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc. 

“Khi bị tai biến, hầu hết bệnh nhân đều không biết tên loại sản phẩm mình sử dụng, nơi sản xuất, thành phần… Tuy nhiên, hậu quả để lại rất lớn, nhất là nhiễm trùng, sẹo xấu ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người bệnh”, bác sĩ Phan Ngọc Huy nói.

Nhiễm trùng da kéo dài, nhiều khả năng gây sẹo, mất sắc tố da, việc điều trị sẽ phức tạp hơn. Lúc này có thể phải sử dụng phương pháp laser vi điểm tái tạo bề mặt da hay các phương pháp laser khác để điều trị tình trạng tăng sắc tố. Thậm chí, những trường hợp quá nặng làm cho tế bào sắc tố bị tổn thương vĩnh viễn phải ghép da, ghép tế bào da mới có thể điều trị.

Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng

Bác sĩ Phan Ngọc Huy cho biết, có nhiều nguyên nhân gây nám da, tàn nhang như di truyền, căng thẳng, mệt mỏi, lo âu kéo dài khiến làn da bị lão hóa. Ngoài ra, phụ nữ bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, đang mang thai hay phụ nữ sau sinh... khiến lượng estrogen suy giảm đáng kể, các hắc tố melanin tăng cao dẫn đến nhiều thay đổi, khiến da nhăn nheo, sức đàn hồi giảm... Đây cũng là nguyên nhân gây nám da, tàn nhang ngày một nhiều.

Ngày nay, việc điều trị các tình trạng tăng sắc tố như tàn nhang, đốm nâu và các sắc tố lớp thượng bì thường mang lại hiệu quả cao trong thời gian ngắn. Tùy theo tình trạng rối loạn sắc tố, cũng như thói quen, thời gian chăm sóc da của mỗi người, bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp như sử dụng kem dưỡng, thuốc bôi giúp làn da sáng màu hơn. Một vài trường hợp nặng cần có sự kiên trì cũng như tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của bác sĩ. 

Bên cạnh đó, nhiều phương pháp điều trị sạm, nám, tàn nhang lại hiệu quả cao như thuốc thoa ức chế, loại bỏ sắc tố, tái tạo da bằng hóa chất, laser chọn lọc sắc tố… Vì vậy, người bệnh nên đến các bệnh viện có chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn liệu trình phù hợp.

Ngoài ra, để phòng ngừa sạm, nám, tàn nhang, hay các rối loạn sắc tố da, người bệnh nên có chế độ chăm sóc da phù hợp, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Thường xuyên sử dụng các loại dưỡng ẩm và kem chống nắng phổ rộng để bảo vệ làn da khỏi các tác nhân tia cực tím cũng như môi trường ô nhiễm bên ngoài. Không sử dụng các hoạt chất kích ứng làn da, vì sẽ tạo phản ứng viêm gây tổn thương tế bào sắc tố và gây sạm nám da. Các tổn thương này có thể tạm thời hoặc 
vĩnh viễn.

Quan trọng, mọi người cần tỉnh táo, không nên có tâm lý nóng vội để có thể tìm ra nguyên nhân mà làn da mình đang gặp phải, từ đó có sự điều trị đúng, kịp thời. 


Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI