Điều trị khó tiêu ở trẻ bằng y học cổ truyền

22/03/2023 - 06:32

PNO - Để có thể điều trị hiệu quả tình trạng khó tiêu kéo dài ở trẻ bằng đông - tây y kết hợp, phụ huynh cần đưa bé đến các thầy thuốc y học cổ truyền để thăm khám, hạn chế làm theo các “lời mách nước” có thể vô tình làm tình trạng của trẻ nặng hơn.

Thời gian gần đây, Phòng khám Nhi khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Đại học y dược TPHCM cơ sở 3) tiếp nhận khám và điều trị cho nhiều bé bị khó tiêu kéo dài.

Sinh viên y dược cổ truyền thực hành lâm sàng. (Ảnh minh hoạ)
Sinh viên y dược cổ truyền thực hành lâm sàng (Ảnh minh hoạ)

Bé N.Q.T. (5 tuổi, ở quận Bình Thạnh) đến khám vì bị khó tiêu đã 6 tháng. Gia đình đã đưa bé đi khám, điều trị tại chuyên khoa tiêu hóa nhi nhưng tình trạng đầy hơi, nóng, khó chịu ở phần trên của bụng, biếng ăn cứ tái đi tái lại. Bên cạnh thuốc tây, gia đình cũng cho bé uống nước gừng mật ong, men vi sinh, đắp muối rang lên rốn nhưng cũng không cải thiện. Khi đến Phòng khám Nhi khoa Y học cổ truyền, sau khi thăm khám T. được chẩn đoán khó tiêu cơ năng. 

Khi khó tiêu kéo dài, nhiệt và chất độc tích tụ, dẫn đến ứ đọng thức ăn, và các triệu chứng có thể bao gồm đầy bụng, nấc cụt, đau bụng, ăn không ngon, hơi thở có mùi… Trẻ mắc chứng khó tiêu kéo dài thường quấy khóc, không chịu ăn và thức dậy nhiều lần vào ban đêm, lâu ngày dẫn đến kiệt sức, ốm yếu, sức đề kháng giảm.

Trường hợp bé T. được chỉ định xoa bóp, nhĩ châm bằng hạt dán và dùng thuốc si rô kèm cốm thảo dược kiện tỳ vị, giúp giảm sự trì trệ, thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng được hướng dẫn cách chăm sóc con ở nhà, như chế độ ăn uống và thay đổi lối sống để giúp ngăn ngừa chứng khó tiêu và giữ cho hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh.

Cụ thể: phải ăn đúng giờ và chia nhỏ bữa, cho trẻ ăn với số lượng ít hơn từng cữ. Điều này làm giảm đáng kể chứng đau bụng và đầy hơi. Đồng thời, cần hạn chế đồ ngọt và các sản phẩm chứa nhiều chất béo. Sau 2 tuần điều trị, tình trạng khó tiêu của T. được cải thiện rõ rệt. Bé ăn uống tốt hơn và giảm triệu chứng đầy hơi, chướng bụng. 

Không ít phụ huynh, khi con bị khó tiêu, đầy bụng thì cho uống gừng. Nhưng, với bệnh khó tiêu cơ năng thì đây là cách điều trị không phù hợp, có thể làm tăng nặng tình trạng của bệnh. Gừng tươi vị cay, tính hơi ôn; có tác dụng điều vị, tán hàn giải biểu, ôn phế chỉ khái, ôn trung chỉ tả, giải độc; dùng tốt trong các trường hợp rối loạn tiêu hóa do hàn (cảm giác lạnh bụng, tiêu lỏng, rêu lưỡi trắng…). Nhưng trong trường hợp của T. thì thiên về nhiệt (nóng rát vùng bụng, lưỡi đỏ, rêu vàng khi khám…), do vậy dùng gừng tươi không phù hợp. 

Đắp thuốc lên rốn, tuy chỉ là phép trị bên ngoài, song muốn có kết quả tốt cũng cần bác sĩ y học cổ truyền căn cứ vào bệnh tình cụ thể để chọn thuốc thích hợp. Muối khi rang nóng có tác dụng thông kinh mạch, hoạt huyết, qua đó giảm đau. Tuy nhiên, như trường hợp của T. không phải do khí huyết ứ trệ mà do tạng phủ hư nhiệt. Vì thế, khi mẹ đắp muối rang lên rốn cho bé thì không có hiệu quả rõ rệt.

Để có thể điều trị hiệu quả tình trạng khó tiêu kéo dài ở trẻ bằng đông - tây y kết hợp, phụ huynh cần đưa bé đến các thầy thuốc y học cổ truyền để thăm khám, hạn chế làm theo các “lời mách nước” có thể vô tình làm tình trạng của trẻ nặng hơn. 

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Đàn

(Phó trưởng khoa Y học cổ truyền Trường đại học Y Dược TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI