PNO - Dù chủ trương chuyển các nguồn tài chính hỗ trợ điều trị HIV/AIDS từ viện trợ quốc tế sang ngân sách nhà nước thông qua BHYT đã có, nhưng các điều kiện để thực hiện lại chưa sẵn sàng
Vì thế, người bệnh càng băn khoăn trước lời khuyên và hứa hẹn của những “người lành” đang làm chính sách.
“Trước giờ vẫn đến khám và lấy thuốc ARV (thuốc kháng vi-rút HIV) miễn phí ở các phòng khám và điều trị ngoại trú (OPC) dành riêng cho chúng tôi. Sắp tới không còn tài trợ nữa thì phải chuyển qua mua thuốc theo BHYT, nhưng chả biết có ổn không”, Th. - một người nhiễm HIV ngụ Q.12, TP.HCM - bộc bạch khi được hỏi về chủ trương mở rộng khám chữa bệnh HIV/AIDS trên địa bàn TP.HCM do quỹ BHYT chi trả. “Rồi phải thanh toán như thế nào, tốn hết bao nhiêu vì điều kiện của tôi eo hẹp lắm”, anh lo lắng.
Khó tiếp cận chương trình
Một bệnh nhân khác ở Long An (hiện đang là giám đốc một công ty) thì cực kỳ hoảng sợ trước việc đang điều trị ARV tại TP.HCM, nhưng sắp tới nếu thành phố triển khai chương trình trên mà phải về địa phương điều trị thì anh không dám, bởi rất sợ bị lộ danh tính, sẽ bị kỳ thị, ảnh hưởng đến công việc. Đây cũng là nỗi lo sợ hàng đầu của phần đông bệnh nhân mà chúng tôi tiếp cận ở các OPC tại thành phố.
Anh Q. (bệnh nhân ngụ Q.Thủ Đức) thắc mắc: “Tham gia BHYT thì phải ra phường báo mình bị nhiễm HIV à?”. Đó là chưa kể phải mua BHYT theo hộ gia đình, anh và nhiều bạn đồng đẳng khác chắc chắn không đủ khả năng chi trả. Anh Q. còn cho biết, người bệnh rất ngại phải chuyển điều trị từ OPC về bệnh viện quận huyện. “Ở OPC thì toàn người cùng cảnh ngộ với nhau thôi, có quy trình riêng, hoàn toàn bảo mật. Còn giờ mà vô bệnh viện khám với mọi người theo quy trình chung từ khâu tiếp nhận, đến gặp bác sĩ, nhận thuốc… nhiêu khê như thế, rồi cũng sẽ có nhiều người biết mình nhiễm thôi”, anh Q. nói.
Cũng theo anh Q., bệnh nhân các tỉnh điều trị HIV tại TP.HCM khá đông, rồi cả những người không có giấy tờ tùy thân, thậm chí không biết thủ tục mua BHYT ở đâu… nên tất cả họ đều rất khó tiếp cận chương trình khám BHYT cho người có “H”.
Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM cho biết, tính đến tháng 3/2017, tại thành phố có tổng cộng 48 phòng khám OPC.
Trong đó, có 16 phòng khám mới triển khai tại các bệnh viện quận huyện trong năm 2016 nhằm thực hiện chủ trương kiện toàn việc khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS tại thành phố. Tuy nhiên, sau hơn sáu tháng triển khai, chỉ mới có 252 bệnh nhân chuyển về điều trị ARV tại 11 phòng khám mới này (còn năm phòng khám chưa có bệnh nhân đăng ký). Đáng lưu ý , trong 11 phòng khám có đến hai nơi có bệnh nhân đăng ký, nhưng trên thực tế bệnh nhân không đến.
Bệnh nhân HIV điều trị ARV tại OPC ở Q.6, TP.HCM - Ảnh: Quốc Ngọc
Con số này quá khiêm tốn so với tổng số gần 30.000 bệnh nhân HIV/AIDS đang được theo dõi, điều trị tại TP.HCM (bệnh nhân tỉnh chiếm 29%). Khoảng 70% số người nhiễm có BHYT tự nguyện, nhưng chỉ hơn 30% trong số họ có sử dụng thẻ. Đặc biệt, theo trung tâm, có đến gần 1.500 bệnh nhân không có khả năng mua thẻ BHYT theo hộ gia đình, hơn 400 bệnh nhân không thể mua thẻ cho bản thân và 751 người không có CMND, hộ khẩu.
Miễn phí 100% và cấp mã số BHYT riêng?
Phát biểu tại hội thảo đánh giá công tác khám chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT do Sở Y tế TP.HCM tổ chức ngày 30/3, bà Đinh Thị Liễu - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế TP.HCM - cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, thành phố đã có kế hoạch nhằm miễn phí 100% việc cấp thẻ BHYT cho người nhiễm HIV.
Đối tượng được hưởng sẽ là bệnh nhân HIV/AIDS có hộ khẩu thành phố và người nhiễm cư trú lâu dài (trên sáu tháng) tại thành phố. Nguồn hỗ trợ lấy từ Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo, Quỹ kết dư BHYT hàng năm và ngân sách thành phố. Dự trù kinh phí hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, người bệnh còn được thành phố hỗ trợ 20% phí đồng chi trả BHYT đối với thuốc ARV. Chi phí hỗ trợ điều trị theo hai phác đồ này ước tính khoảng từ 3 đến 18 triệu đồng/người/năm, tức mỗi năm ngốn gần 18 tỷ đồng.
Theo bà Liễu, về nguyên tắc, nếu muốn hưởng ngân sách (mua thẻ BHYT), người bệnh phải về phường xã, quận huyện đăng ký, nhưng vấn đề là họ không muốn tiết lộ thông tin. “Bởi vậy theo tôi, nên giao cho Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố trở thành đại lý bán tập trung để bảo đảm bảo mật, đồng thời dễ dàng trong công tác tư vấn, quản lý… mà lâu nay trung tâm làm rất tốt”, bà Liễu nói.
Đối với người đang đi làm có tham gia BHYT theo cơ quan, nếu nhiễm HIV đương nhiên có thể đăng ký hưởng BHYT miễn phí và không tham gia BHYT ở cơ quan nữa. Nhưng đến đây, bà Liễu thừa nhận rất khó cho họ trong bảo mật thông tin, nên khả năng có trường hợp sẽ “tham gia” cả hai thẻ BHYT.
Trao đổi với báo Phụ Nữ, bà Tiêu Thị Thu Vân - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM - cho rằng, nếu được cấp thẻ BHYT, người bệnh có quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh ban đầu và đi khám các bệnh cơ hội tại các cơ sở y tế theo quy định thông tuyến như bình thường. Riêng với điều trị ARV, theo bà, vẫn phải theo hệ thống chuyển gửi (gồm các OPC) để bảo đảm theo dõi điều trị liên tục.
“Cách này để giải quyết việc bảo mật thông tin và bảo đảm bệnh nhân nhận được dịch vụ chăm sóc điều trị. BHYT chỉ là phương cách để thanh toán dịch vụ chứ không có nghĩa là khi có BHYT thì xóa sổ hệ thống theo dõi quản lý bệnh nhân là các OPC. Vì đối tượng bệnh nhân này đặc biệt, ngoài hệ thống theo dõi quản lý, còn phải hỗ trợ cả đời để bệnh nhân tuân thủ điều trị liên tục, không bị kháng thuốc”, bà Vân phân tích.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của chúng tôi, nếu muốn làm được những việc trên, buộc lòng phải cấp mã số riêng đối với thẻ BHYT cấp cho người HIV/AIDS, vậy chắc chắn không thể tránh khỏi việc lộ danh tính. Bà Vân cho rằng, cần phải mở ra những phòng khám dành cho người không muốn sử dụng thẻ BHYT để bệnh nhân có thêm lựa chọn.
Bà cũng cho rằng, nguyên tắc của ngành y tế phải bảo mật thông tin cho tất cả bệnh nhân chứ không riêng gì bệnh nhân HIV/AIDS. “Do đó, cần phải nhìn nhận một quan điểm mới, đó là HIV/AIDS hiện được xem như là một bệnh mãn tính. Người bệnh cũng nên chuyển dần tư tưởng.
Đương nhiên, sẽ có những người vẫn muốn bảo mật nhưng còn đa số bệnh nhân khác vẫn muốn đi theo hệ thống chung. Có điều những người làm công tác điều trị phải cố gắng giữ bí mật cho bệnh nhân”, bà kêu gọi.
Tại hội thảo, đại diện Bộ Y tế khẳng định, dù có BHYT hay không, hoặc thậm chí không có giấy tờ tùy thân, bệnh nhân HIV vẫn được điều trị và được Nhà nước bảo vệ. Ngoài BHYT, vẫn còn nhiều nguồn khác để hỗ trợ điều trị ARV. Về lâu dài, trong việc cấp BHYT, sẽ phối hợp với ngành công an để sử dụng kho dữ liệu dấu vân tay, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin nhận diện bệnh nhân qua hình thức này, thay cho việc đăng ký thủ tục hiện nay.
Vừa qua, Friso, nhãn hàng sữa dinh dưỡng thuộc Công ty FrieslandCampina, chính thức ký kết hợp tác chiến lược với nhiều chuỗi cửa hàng Mẹ và Bé lớn trên toàn quốc.