edf40wrjww2tblPage:Content
Hơn 240 triệu đồng để chữa đột quỵ
Bà L.Th.H.A. (52 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) cho biết, bà bị đột quỵ, đang tập vật lý trị liệu. Mới đây, bà được người quen giới thiệu phòng mạch online miễn phí của bác sĩ (BS) ở Bắc Kinh, Trung Quốc (TQ). Nếu đồng ý, người bệnh sẽ qua TQ điều trị đột quỵ bằng tế bào gốc.
Trang web quảng cáo chữa đột quỵ bằng tế bào gốc
Trang web này được cho là của một cơ sở điều trị tế bào gốc tại TQ, tên “Stem cell Transplantation Department”. Cơ sở này quảng cáo rầm rộ: “Không giống như các phương pháp điều trị thông thường, liệu pháp tế bào gốc có thể hỗ trợ quá trình tự sửa chữa của các mô não đã bị tổn thương và phục hồi các chức năng. Liệu pháp tế bào gốc tập trung vào chữa trị căn nguyên chứ không chỉ chữa các triệu chứng!...
Các tế bào gốc có khả năng kích thích quá trình chữa lành các tế bào bị tổn thương đó bởi quá trình tiết ra chất cytokine, một loại chất kích thích tăng trưởng tế bào thần kinh để thúc đẩy cơ chế tự sửa chữa của cơ thể... Với sự tiến bộ của phương pháp điều trị tế bào gốc hiện nay, bạn có một lựa chọn điều trị mới cho bệnh nhân (BN) đột quỵ. Chúng tôi khuyên bạn nên tham khảo ý kiến các chuyên gia của chúng tôi để xử lý thông tin bệnh án cá nhân trước khi đến TQ “. Bên dưới trang web này có mục liên hệ để người bệnh hỏi BS.
Cũng theo trang web này, BN có thể cải thiện tình trạng bệnh ngay sau lần cấy ghép tế bào gốc đầu tiên hoặc thứ hai. Tình trạng bệnh được cải thiện trong khoảng 6-12 tháng. “Từ tháng 7/2010, chúng tôi đã điều trị cho 103 BN đột quỵ. Điều trị tế bào gốc có tỷ lệ hiệu quả từ 70,4% đến 73,8% đối với nhồi máu não và xuất huyết não. Hầu hết BN thấy sự cải thiện trong thời gian nằm viện. Các cải thiện như: giảm căng cơ, tăng sức mạnh cơ bắp, tuần hoàn máu ngoại vi của chân tay, khả năng đứng ít cần trợ giúp, cử động bàn tay, cử động chân, cải thiện cảm giác ở mặt và chân tay...”.
Đúng một ngày sau khi chúng tôi hỏi về chi phí đi lại, quy trình điều trị đột quỵ bằng tế bào gốc, một người phản hồi vào hộp thư điện tử, xưng là Dha Trần, điều phối viên trực tuyến của bộ phận cấy ghép tế bào gốc, Bệnh viện đa khoa của lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân TQ ở Bắc Kinh. Nhân viên này gửi vài câu hỏi về tình hình bệnh và hứa sẽ thảo luận với các BS về tình hình bệnh của tôi trong vòng ba-năm ngày.
Thế nhưng, sau ngày thứ hai, chưa thấy chúng tôi liên lạc tiếp, nhân viên này đã gửi thư: “Liệu trình điều trị tế bào gốc được tiêm qua lỗ thủng thắt lưng kết hợp với truyền tĩnh mạch. Trong một số trường hợp, chúng tôi truyền trực tiếp vào vùng não. Chi phí điều trị khoảng 70.000 RMB (nhân dân tệ) hoặc 11.440 USD, tương đương gần 242 triệu đồng, chưa bao gồm chi phí ăn ở, đi lại. Nhân viên sẽ đón tại sân bay Bắc Kinh. Chi phí sẽ thay đổi tùy thuộc vào mức độ phức tạp của thủ thuật cấy ghép tế bào gốc thông qua phẫu thuật não. BN cần phải nằm viện ít nhất 15-20 ngày tùy vào tình trạng bệnh tật. Việc điều trị cần phải được lặp lại sau sáu tháng nếu có tiến triển sau lần điều trị đầu tiên”.
Bệnh nhân điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM
Thế giới chưa ghi nhận
TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Tổng thư ký Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM - khẳng định, trong số 100 người bị đột quỵ sẽ có 30% trường hợp tự phục hồi hoàn toàn như người bình thường mà không cần điều trị bằng các phương pháp đặc hiệu. Trong số các BN còn lại thì có 20% trường hợp bị ảnh hưởng nhẹ và 50% BN bị nặng. Như vậy, với 30% BN tự phục hồi mà không phụ thuộc vào thuốc, nếu vô tình uống thuốc hoặc tiêm tế bào gốc, có thể lầm tưởng đã được điều trị hiệu quả.
Cũng theo BS Nguyễn Huy Thắng, hiện y học thế giới chưa ghi nhận trường hợp nào sử dụng tế bào gốc trong điều trị đột quỵ. Đại học Glasgow ở Scotland là nơi đầu tiên công bố về quá trình nghiên cứu điều trị tế bào gốc cho BN đột quỵ. Tuy nhiên, từ tháng 5/2013 đến nay, trường này chỉ mới thử nghiệm tế bào gốc trên chín BN và mới dừng lại ở giai đoạn xem xét độ dung nạp của tế bào gốc.
Đại học Glasgow cũng đang có kế hoạch tiếp tục thử nghiệm độ an toàn của tế bào gốc trên 20 BN đột quỵ tiếp theo. Điều này có nghĩa, đến nay chưa có cơ sở nào chứng minh được hiệu quả điều trị của tế bào gốc đối với đột quỵ. Người bệnh phải cẩn trọng trước những lời quảng cáo. Hiện, Việt Nam đã ứng dụng hoàn hảo những kỹ thuật hiện đại nhất trong điều trị đột quỵ như thuốc tiêu sợi huyết; người bệnh nhập viện sớm thì hiệu quả điều trị cao. Chi phí điều trị khoảng 10 triệu đồng và được bảo hiểm y tế thanh toán.
Trường Sa
Chích kim vào 10 đầu ngón tay chữa… đột quỵ Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM từng tiếp nhận một số BN bị người nhà dùng kim đâm vào 10 đầu ngón tay để tự chữa bệnh đột quỵ. Một số diễn đàn trên mạng truyền nhau cách chữa bệnh bằng kim này: “Khi có người bị đột quỵ, hãy hết sức bình tĩnh. Cho dù BN đang ở đâu, cũng không được di chuyển. Vì di chuyển, các mạch máu não sẽ vỡ ra. Hãy giúp BN ngồi tại chỗ và giữ không cho BN bị ngã, rồi bắt đầu chích cho máu chảy... Chỉ trong một thời gian rất ngắn, nạn nhân đã có thể hồi phục”. BS Nguyễn Huy Thắng khẳng định, cách điều trị này rất phản khoa học, nếu đến bệnh viện chậm trễ sẽ mất đi thời gian vàng điều trị bệnh đột quỵ. Chỉ cần chậm trễ một phút thì có thêm khoảng hai triệu tế bào não chết đi. Thời gian vàng này liên quan đến tính mạng và khả năng phục hồi của người bệnh về sau. Nếu điều trị trễ, BN có thể bị liệt vận động, sống đời thực vật hoặc tử vong. |