Điều trị dậy thì sớm cho con - nỗi ám ảnh của các bà mẹ Hàn Quốc

29/06/2023 - 20:25

PNO - Thị trường điều trị dậy thì sớm của Hàn Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây, do sự quan tâm ngày càng tăng của cha mẹ đối với chiều cao của trẻ.

 

Nhu cầu ngày càng tăng khiến các chuyên gia lo ngại về việc lạm dụng và thổi phồng kỳ vọng về hiệu quả
Nhu cầu điều trị dậy thì sớm ở trẻ tại Hàn Quốc ngày càng tăng khiến các chuyên gia lo ngại về việc lạm dụng và thổi phồng kỳ vọng về hiệu quả

Tại Hàn Quốc, trẻ được chỉ định điều trị dậy sớm là khi trẻ dậy thì ở độ tuổi trước 8 ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. 

Trẻ dậy thì sớm có thể ban đầu phát triển nhanh hơn so với các bạn cùng trang lứa, nhưng lại thường ngừng phát triển sớm hơn bình thường, khiến trẻ sau này thấp hơn mức trung bình. Mục tiêu của điều trị là ngăn chặn sự khởi đầu sớm của tuổi dậy thì.

Ở Hàn Quốc, phương pháp điều trị dậy thì sớm đã được sử dụng rộng rãi vì nó thường được quảng cáo như là một liệu trình giúp trẻ phát triển.

Một bác sĩ điều hành 1 phòng khám chuyên về sức khỏe thể chất trẻ em ở Seoul cho biết: "Có rất nhiều phụ huynh và trẻ em đến các bệnh viện địa phương để kiểm tra xem con họ có dậy thì sớm hay không. Ở một mức độ nào đó, dậy thì sớm đã trở thành nỗi ám ảnh của các bậc cha mẹ, chủ yếu là do quảng cáo quá mức và bị lạm dụng".

"Ngày nay, các phòng khám kê toa điều trị dậy thì sớm và điều trị thiếu hụt hormone tăng trưởng (GHD) cùng nhau là điều rất phổ biến" - một bà mẹ 43 tuổi họ Jang cho biết, con gái 7 tuổi của chị đã nhận được cả hai phương pháp điều trị này.

Lý do đằng sau việc sử dụng hai phương pháp điều trị cùng nhau là để trẻ phát triển hợp lứa tuổi, đồng thời tăng cường hormone tăng trưởng.

Theo dữ liệu của Tổ chức giám định bảo hiểm y tế Hàn Quốc, số lượng bệnh nhân được điều trị dậy thì sớm đã tăng nhanh trong 2 năm qua. Từ năm 2017 đến 2019, số bệnh nhân được điều trị dậy thì sớm đã tăng khoảng 14%. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến năm 2021, con số này đã tăng 22%.

Nhu cầu tăng cao đã thúc đẩy doanh số bán các phương pháp điều trị. Doanh thu của những loại thuốc để điều trị dậy thì sớm cũng đã tăng từ 93,9 tỉ won (71,9 triệu USD) năm 2018 lên 122,1 tỉ won vào năm 2021.

Để giải quyết vấn đề cung cấp và để ngăn chặn việc lạm dụng chẩn đoán và điều trị dậy thì sớm, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cùng Tổ chức giám định bảo hiểm y tế Hàn Quốc đã tìm cách giới hạn độ tuổi của trẻ em có thể được bảo hiểm chi trả. Theo quy định sửa đổi, chỉ những bé gái và bé trai bắt đầu dậy thì trước 8 và 9 tuổi mới được bảo hiểm y tế chi trả, trong khi những trẻ dậy thì sau độ tuổi quy định, gia đình sẽ phải tự chi trả.

Các chuyên gia đã đưa ra quan ngại về nhu cầu điều trị dậy thì sớm ngày càng tăng và cảnh báo về khả năng lạm dụng. Phó chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện nhi đồng Hàn Quốc Choi Yong-jae chỉ ra rằng việc sử dụng phương pháp điều trị dậy thì sớm cùng với liệu pháp GHD có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn nếu chúng không được sử dụng đúng cách. 

Thảo Nguyễn (theo Korea Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI