Điều trị COVID-19 cho trẻ bằng toa thuốc chuyền tay là rất nguy hại

31/12/2021 - 07:05

PNO - Nhiều người dân ở TP.HCM chuyền tay nhau toa thuốc điều trị COVID-19, trong đó có thuốc rất nguy hại cho sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Đến nay, nhiều người dân ở TP.HCM vẫn còn chuyền tay nhau toa thuốc điều trị COVID-19, trong đó có thuốc kháng sinh và thuốc liều cao dùng cho trẻ em, rất nguy hại cho sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Một phụ huynh nhắn tin hỏi bác sĩ đang điều trị F0 tại nhà: “Con em ba tuổi, tối hôm qua sốt 39,5 đến 40,50C, test nhanh hai vạch (dương tính). Bé vẫn tỉnh táo và chơi bình thường. Em dùng toa thuốc này có được không?”.

Bác sĩ nhìn toa thuốc, thốt lên: “Con nít uống toa thuốc này xong chắc tiêu”. Bởi mẹ bé đã chụp ảnh toa thuốc của người lớn, liều lượng của người lớn, trong đó có thuốc kháng sinh klamentin 625mg, vitamin C, mitux 200mg, medlon 4mg, tuspi 500mg.

Mặc dù ngành y tế đã khuyến cáo không dùng kháng sinh trong điều trị COVID-19 thể nhẹ và trung bình khi bệnh nhân không bị bội nhiễm, nhưng nhiều người vẫn truyền tai nhau mua “toa thuốc của người nhà từ bệnh viện dã chiến gửi về; khi có triệu chứng ho, đau họng, nghẹt mũi, đau đầu thì uống ngay”. Toa thuốc gồm Augmentin 1g, Methylprednisolon 16mg, Desloratadine 5mg, Paracetamol 500mg, Farzincol 5mg, vitamin C 500mg.

Chị N.T.T. bị nhiễm COVID-19, sau đó con chị đang bú sữa mẹ cũng nhiễm. Thay vì đi khám để bác sĩ kê toa, chị T. sợ bị đưa đi cách ly nên lên mạng xin toa thuốc trị COVID-19. Trong toa thuốc có Methylprednisolone 16mg, Augmentin 625mg, Clorpheniramin 4mg, Paracetamol 500mg, vitamin C 500mg, Farzincol 70g, Aspirin 81mg. Chị N.T.T. nói, khi bé sốt, chị cho uống thuốc hạ sốt, chị uống toa thuốc này thì khi bú mẹ, con chị cũng sẽ khỏi bệnh. 

Bác sĩ Phan Thị Hòa Nhã (Khoa Sức khỏe trẻ em, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM) nhận định toa thuốc này liều quá cao đối với bé ba tuổi: “Toa này giống toa của một số bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân COVID-19 lớn tuổi đã được lan truyền trên mạng, được người dân chuyền tay nhau. Từ lâu, tôi đã thấy toa thuốc này sai nhiều điểm, kể cả khi dùng cho người lớn. Trẻ nhỏ dùng thuốc theo cân nặng và không phải cứ giảm bớt liều thuốc người lớn thì dùng được cho trẻ em”.

Toa thuốc điều trị COVID-19 cho trẻ được một số người truyền cho nhau để sử dụng nhưng theo các bác sĩ những loại thuốc này rất nguy hại
Toa thuốc điều trị COVID-19 cho trẻ được một số người truyền cho nhau để sử dụng nhưng theo các bác sĩ những loại thuốc này rất nguy hại

Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Trường đại học Y Dược TP.HCM - cũng cho rằng toa thuốc trên cực kỳ nguy hiểm ngay cả cho người lớn. Khi sử dụng medlon là thuốc corticoid mạnh, trẻ bị giảm sức đề kháng và bị ảnh hưởng đến sự tăng trưởng. Người lớn dùng toa này cũng rất có hại nếu chưa có bội nhiễm phổi và chưa có suy hô hấp. Nếu dùng kháng sinh Klamentin thì khi trẻ bị bệnh nặng, sẽ không có thuốc điều trị hiệu quả; nếu thuốc chưa gây kháng sinh thì sẽ gây các tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy. “Các bác sĩ cần nói thẳng và nói rõ cho các nhân viên y tế lẫn người dân rằng, việc lan truyền các toa thuốc chữa COVID-19 dù trên mạng, chuyền tay hay gửi email cũng đều là tội ác”.

Cũng theo tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng sốt là dấu hiệu cơ thể trẻ đang chống lại sự xâm nhập của vi-rút bằng cách sản xuất ra nhiều interferon. Và chính khả năng đáp ứng bằng interferon là lý do khiến trẻ ít bị diễn tiến nặng. Vì vậy, nếu trẻ bị sốt cao, có thể cho uống thuốc hạ sốt nhưng nếu sốt nhẹ (khoảng dưới 38oC) thì không cần uống thuốc.

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay, việc bao phủ vắc-xin của Việt Nam đã tốt hơn nên cần cân nhắc kỹ việc dùng thuốc, nhất là gói B và C. Nguyên tắc là phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Việc dùng tràn lan ba loại thuốc kháng đông, kháng viêm, kháng vi-rút như trong toa thuốc được lan truyền nói trên tối thiểu cũng ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. Gói B có steroid phải được uống khi SpO2 bằng hoặc thấp hơn 93% thì tỷ lệ tử vong được cải thiện, còn nếu uống sớm khi chưa có chỉ định thì thuốc Dexamathasone không giúp cải thiện tiên lượng, thậm chí còn khiến tỷ lệ tử vong cao hơn hoặc bệnh nặng hơn, kéo dài hơn. 

Bảo Anh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI