PNO - PN - Thời gian gần đây, có rất nhiều cái chết thương tâm mà “kẻ thủ ác” chính là người bệnh tâm thần (TT). Theo số liệu của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, hiện thành phố có trên 9.000 người bệnh TT. “Làm gì khi có người thân bị bệnh tâm...
edf40wrjww2tblPage:Content
Phát bệnh vì hụt hẫng, căng thẳng
Mồ côi mẹ từ nhỏ, cái chết bất ngờ của cha đã khiến cho anh Nguyễn Hoàng Thức (25 tuổi, ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) trở nên điên loạn. Sau ngày cha qua đời, Thức không có một ngày tỉnh táo, cứ đi lang thang, cười nói một mình. Anh Tấn Đạt (anh của Thức) kể: “Lúc đầu thấy nó cứ lầm lì, thỉnh thoảng lại gào khóc la lối, tôi nghĩ nó buồn, thương nhớ cha nên mới vậy, chắc từ từ sẽ nguôi ngoai. Vả lại, trong nhà ai cũng bận bịu nên không để ý đến nó”. Nào ngờ, biểu hiện của Thức ngày một nặng hơn. Thức không còn để ý đến sinh hoạt cá nhân, cả ngày lầm bầm độc thoại. Gia đình đưa Thức đi khám, bác sĩ chẩn đoán Thức bị rối loạn thần kinh dẫn đến TT hoang tưởng. Đến khi Thức thường xuyên cáu gắt, đập phá đồ đạc, đuổi đánh người trong xóm, gia đình mới đưa Thức đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai) điều trị. Sau khoảng một tháng, thấy bệnh tình của Thức thuyên giảm, anh Đạt xin đưa em về nhà chăm sóc. Tuy nhiên, cả nhà bận bịu mưu sinh nên Thức thường ở nhà một mình, đi lang thang chỗ này chỗ nọ, có khi vài ba hôm “mất tích” rồi lại lọ mọ về. May là Thức chưa gây hậu quả gì nghiêm trọng.
Thấy người lạ vào nhà, Bùi Văn Thành (29 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) nép vào góc bếp, chẳng chịu ra ngoài. Bà Hoa (mẹ Thành) bùi ngùi kể, trước đây Thành làm việc cho một công ty nước ngoài. Thấy Thành siêng năng, giỏi chuyên môn, công ty yêu cầu Thành học thêm ngoại ngữ. Vừa học vừa làm căng thẳng kéo dài, trong ba tháng, Thành sút mất 10kg. Một hôm, Thành thức dậy ngồi nói lảm nhảm, hỏi gì cũng ngơ ngơ. Đi khám, bác sĩ bảo Thành bị stress do áp lực công việc, nên để Thành nghỉ ngơi. Càng ngày Thành càng không nhận ra mọi thứ xung quanh. Trước đây Thành còn phụ mẹ lặt vặt việc nhà, giờ cái chén để đâu cũng không biết. Về sau bác sĩ chẩn đoán Thành bị TT phân liệt và cho chăm sóc tại nhà. Theo bà Hoa, Thành nhút nhát, không đập phá đồ đạc hay cáu gắt với ai. Thỉnh thoảng Thành cũng căng thẳng, nhưng đã biết bệnh của anh nên cả nhà luôn cố nhẹ nhàng, tránh cho Thành lên cơn.
Tuy nhiên, theo một số người dân sống xung quanh, Thành rất phá phách, thường xuyên lấy đồ đạc của người khác vứt đi hoặc đổ nước ra lối đi chung. Thành còn mở các tủ điện ra phá rất nguy hiểm, nếu người nhà không trông giữ được thì nên đưa vào cơ sở chữa bệnh.
Ông Phạm Văn Trường dỗ ngọt để bà Thanh Thủy uống thuốc
Nan giải
Sau khi vợ ôm con bỏ đi, anh Trương Tú Anh (H.Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) phát bệnh TT, thường xuyên la hét, rượt đánh người thân. Lo sợ nguy hiểm đến tính mạng, gia đình xích chân anh vào gốc cây rồi cất căn chòi cho anh ở tạm. Mãi đến khi vết xích ở chân anh lở loét, hàng xóm mới phát hiện, giải cứu. Bác sĩ chẩn đoán anh Tú Anh bị rối loạn TT do trầm cảm lâu ngày. Bệnh tình của anh thuộc dạng nhẹ, nhưng do gia đình không biết cách chăm sóc dẫn đến trầm trọng. Vào viện được hơn một tuần thì tình trạng bệnh của anh Tú Anh đỡ hơn. Khi tỉnh, anh nhớ vanh vách mọi chuyện về vợ con, gia đình và cả những ký ức. Tuy nhiên, đến lúc lên cơn thì anh hung hăng, la hét... Dù hàng xóm chê trách, lên án, nhưng thực tình ai cũng hiểu được sự lúng túng, khó xử, bất lực của gia đình anh trong hoàn cảnh nghiệt ngã.
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết, bệnh tâm thần hiện nay chưa tìm được nguyên nhân chính xác, nhưng nhiều giả thuyết cho rằng bệnh có tính chất di truyền hoặc có vấn đề tổn thương ở não; những trắc trở, bi kịch, cú sốc trong cuộc sống chỉ là điều kiện thuận lợi, là yếu tố khiến “đống than âm ỉ bùng cháy”. Khi đã phát bệnh, gia đình phải hết sức hết lòng phối hợp với bác sĩ mới mong điều trị khỏi hoặc giữ cho bệnh không tăng nặng.
Bà Toàn Thị Thanh Thủy (53 tuổi, ngụ P.Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM) đã phát bệnh trên 20 năm. Đến khám ở Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, vì sợ bà Thủy chạy trốn nên có đến ba người tháp tùng, cả ba đều đã luống tuổi. Họ chỉ là họ hàng của bà Thủy chứ không phải chị em ruột. Bà Thủy có hai chị em nhưng đều chết trẻ. Bà sống với mẹ già bị tai biến nằm liệt nhiều năm. Mới đây mẹ bà qua đời. Ông Phạm Văn Trường, em họ bà Thủy lo chăm sóc cho người chị bệnh tật, neo đơn. Với ông Trường, việc chăm sóc, ăn uống, thuốc thang cho bà Thủy là một bài toán khó khiến cả đại gia đình lao tâm khổ tứ. Ông đã trên 60 tuổi, không còn khỏe, lại bận rộn việc gia đình nên khó chu toàn việc chăm sóc, túc trực bên bà. Trước đây, trong một lần lên cơn, bà đã lấy bàn ủi đập đầu mẹ già khiến mọi người đều ngại tiếp cận. Đêm bà không ngủ, mở vòi nước nghịch như trẻ con suốt đêm. Bà còn nấu ăn bỏ cháy khét, khói mù mịt. Khóa cửa ngoài, nhốt bà trong nhà thì sợ xảy ra sự cố cháy nổ; mở cửa thì bà bỏ đi.
Ông Trường bùi ngùi: “Dù chị không biết gì nhưng tôi nghĩ cứ để chị sống tại nhà, gần gũi anh em, ngày ngày gặp mặt để chị được an ủi phần nào, bệnh tình nhờ vậy cũng không tăng nặng. Thấy người dưng nghèo khổ mình còn thương, giúp đỡ, huống chi chị là máu mủ, ruột rà. Sợ chị lên cơn, đánh mình thì phải cho chị uống thuốc đều để “hạ hỏa”, vừa nuôi vừa phải cảnh giác chứ bỏ sao đành”. Có người mách nên đưa bà Thủy vào trung tâm điều dưỡng tâm thần Thủ Đức, không phải mất tiền, nhưng bàn tới bàn lui, ông Trường đắn đo chưa đưa đi. Ông cho rằng nếu mình đã cố gắng hết sức mà vẫn không kham nổi thì khi ấy đưa chị vào trại cũng không ray rứt, hối hận.
DIỆU HIỀN - LINH GIANG
Hơi ấm gia đình là liều thuốc hữu hiệu
Bệnh lý tâm thần gồm nhiều dạng, trong đó có hai dạng chính là “suy nhược thần kinh” như trầm cảm (buồn chán, mất hứng thú), lo âu ám ảnh, stress... và “loạn thần” như tâm thần phân liệt (có triệu chứng hoang tưởng, ảo giác mà bệnh nhân (BN) không thể chi phối, kiểm soát được).
Trong đó, BN tâm thần phân liệt thường có xu hướng bạo lực, có thể là mối nguy cho người khác vì xuất hiện những ảo giác: hoang tưởng bị hại (lúc nào cũng nghĩ có người đang theo dõi, rắp tâm ám hại mình nên phải tìm cách chống trả); ảo thị (nhìn thấy những hình ảnh không có ở thực tế); ảo thanh bình luận (khen, chê bản thân hoặc người khác, sự vật khác); ảo thanh mệnh lệnh (BN phải làm điều gì đó theo “lệnh”. Ví dụ: “hãy giết đi!”, “hãy đốt đi!”, “hãy chết đi!”…). Hầu hết bệnh vẫn có thể được kiểm soát, giảm ảo giác, ổn định hành vi khi bác sĩ chọn thuốc chống loạn thần phù hợp. Người thân cần giúp BN tuân thủ điều trị (uống đủ thuốc, đúng giờ, không bỏ thuốc), không bị kỳ thị trong gia đình và ngoài xã hội. Sự kỳ thị, khinh rẻ hay ruồng rẫy của người khác cũng chính là nguyên nhân khiến người bệnh tâm thần gây bạo lực.
Vì sợ BN quậy phá, nhiều gia đình đã “nhốt riêng” hoặc xích BN vào một góc, khiến BN càng căng thẳng, chán chường, cảm thấy mình là người thừa nên dễ dẫn đến hành vi phản kháng hung bạo hơn. Trong trường hợp này, cần đưa BN vào điều trị cấp cứu nội trú, tuy vậy BN vẫn rất cần người thân chăm sóc để tránh cảm giác bị cô lập, tù túng cũng như những diễn tiến khó lường khác.
Sau thời gian BN cấp cứu, điều trị nội trú, người thân nên tôn trọng, quan tâm, tạo điều kiện cho BN tái hòa nhập, tái thích ứng với đời sống. Gia đình và xã hội nên tạo điều kiện cho BN tìm việc phù hợp, nhẹ nhàng, thao tác đơn giản. Lao động là cơ hội để BN tập trung hình thành ý tưởng, giảm thời gian nhàn rỗi, thiết lập mối quan hệ xã hội, giao tiếp điều chỉnh hành vi và quan trọng nhất là ý thức được giá trị bản thân.
Gia đình và các đoàn thể cơ sở nên liên hệ chặt chẽ, phối hợp với nhân viên y tế trong điều trị, hỗ trợ cho BN. Bên cạnh những chính sách bảo trợ về tiền, thuốc cho BN, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi cho những đơn vị kinh doanh sử dụng nhân công là người bệnh - từng bệnh tâm thần (như một số cơ sở đã thực hiện); tổ chức nhiều chuyên đề, mô hình hỗ trợ để cung cấp kiến thức, kỹ năng cho người thân trong việc chăm sóc, nâng đỡ BN tâm thần.
Tâm thần không phải bệnh nan y. BN vẫn có thể vượt qua khi được bác sĩ điều trị tận tình cộng với sự kiên trì, tình thương của người thân và sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng, xã hội.
BS PHẠM VĂN TRỤ (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM)
NHIỀU CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI BỆNH TÂM THẦN
Theo quy định của Luật Người khuyết tật (NKT), tâm thần là một dạng khuyết tật (KT) nên người bệnh tâm thần (TT) được hưởng chính sách bảo trợ xã hội của người KT. Trong đó, NKT đặc biệt nặng, KT nặng được trợ cấp xã hội từ 380.000 - 760.000đ/tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Việc xác định dạng KT được trợ cấp xã hội hàng tháng không căn cứ điều kiện hộ nghèo mà chỉ căn cứ vào mức độ KT của họ. Mức độ này phải được hội đồng xác định mức độ KT phường, xã xác định.
Theo khoản 1 điều 45 Luật NKT thì người KT đặc biệt nặng (bao gồm KT thần kinh, TT) không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại trung tâm bảo trợ xã hội.
NKT thần kinh, TT tại trung tâm, ngoài được nuôi dưỡng, chăm sóc còn được điều trị phục hồi. Những trường hợp người bệnh thuyên giảm, ổn định, trung tâm sẽ trao đổi với gia đình để đưa người bệnh về gia đình, hòa nhập cộng đồng.
Đối với những trường hợp người bệnh TT thường kích động, lên cơn quậy phá, ảnh hưởng đến trật tự xã hội mà gia đình không đồng ý đưa người bệnh vào trung tâm bảo trợ xã hội thì gia đình có trách nhiệm hoặc đề nghị địa phương hỗ trợ, phối hợp đưa người bệnh vào điều trị tại các cơ sở chữa bệnh tại các bệnh viện TT. Đồng thời, gia đình phải cam kết quản lý, chăm sóc điều trị theo hướng dẫn của ngành y tế.
Chăm sóc, điều trị người bệnh TT tại gia đình, cộng đồng là xu hướng đang được khuyến khích, vì đây là môi trường đảm bảo cho người bệnh có điều kiện hòa nhập cộng đồng thuận lợi nhất.
Ngày 11/12/2012, UBND TP.HCM ban hành quyết định số 6305/QĐ-UBND về kế hoạch triển khai thực hiện quyết định số 1215/2011/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người TT, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2012-2020.
Theo đó, huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người TT để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí bị TT, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng thời, chú trọng truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về chăm sóc và phục hồi chức năng, nâng cao kiến thức, kỹ năng... cho người TT dựa vào cộng đồng.
Thành phố cũng xác định phát triển nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội, đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe TT. Bên cạnh đó, tập huấn cho gia đình có người bệnh về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người TT.
Thạc sĩ LÊ CHU GIANG (Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB-XH TP.HCM)
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.