edf40wrjww2tblPage:Content
Ngày 6/11, Báo Phụ Nữ đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế).
PV: Thưa ông, sau khi có công văn hỏa tốc gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Y tế đã tiếp tục có những động thái nào?
Ông Nguyễn Minh Tuấn (ảnh): Ngay trong sáng 6/11, Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Bộ Công an. Quan điểm của Bộ Y tế là cần phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh thông tin. Trong trường hợp báo chí nêu là đúng thì chỗ nào sai phạm, sai phạm như thế nào sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Cũng không loại trừ khả năng đây có thể là sự phá hoại, tung tin thất thiệt hoặc chỉ là một đơn vị đại lý nào đó lừa đảo Công ty Bio-Rad để lấy tiền. Tất cả các tình huống đều được đặt ra để cơ quan chức năng có thẩm quyền tìm hiểu và đưa ra kết luận cuối cùng để tránh dư luận hoang mang.
* Trong quãng thời gian hoạt động tại Việt Nam, Công ty Bio-Rad đã phân phối những mặt hàng nào và Bộ Y tế có kiểm tra xem bệnh viện nào nhập thiết bị y tế của công ty này chưa?
- Theo thông tin ban đầu, Công ty Bio-Rad vào Việt Nam từ năm 2005 và đến năm 2013 đã ngừng hoạt động không nêu lý do. Hiện Vụ Trang thiết bị và công trình y tế cùng Thanh tra (Bộ Y tế) đang phối hợp rà soát các hoạt động của Bio-Rad.
Qua kiểm tra sơ bộ cũng như phán đoán, các việc hối lộ (nếu có) để đưa sản phẩm vào Việt Nam sẽ có điểm mấu chốt là từ các đơn vị, bệnh viện. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc các sở y tế và giám đốc các bệnh viện trung ương rà soát, báo cáo việc mua thiết bị xét nghiệm và chẩn đoán y tế trong giai đoạn từ 1/1/2005 đến 5/11/2014, gửi về Thanh tra Bộ.
* Từ vụ này, theo ông, quy trình cấp phép nhập khẩu trang thiết bị liệu có chỗ nào chưa chắc chắn?
- Bộ Y tế đã có Thông tư số 24/2001/TT-BYT hướng dẫn việc nhập khẩu trang thiết bị y tế, trong đó quy định rõ các điều kiện đối với đơn vị nhập khẩu trang thiết bị y tế, phạm vi cấp giấy phép nhập khẩu; hồ sơ, thủ tục xin cấp phép nhập khẩu… cũng như xử lý các vi phạm nếu có. Với những quy định chặt chẽ này, việc trang thiết bị y tế vào Việt Nam bao giờ cũng được quản lý tốt.
* Việt Nam đã phát hiện một số vụ nhận hối lộ ở nhiều ngành khác nhau có liên quan nước ngoài. Bộ Y tế có rút kinh nghiệm gì để xử lý nghi án trên?
- Bộ Y tế đã tiến hành xử lý nhanh và kịp thời những công việc ban đầu. Phía công ty nước ngoài muốn đưa sản phẩm vào thì phải tiếp cận từng bệnh viện. Do đó, Bộ Y tế xác định sẽ rà soát cẩn thận.
* Xin cảm ơn ông.
BẢO THOA thực hiện
Bộ trưởng Bộ Y tế gửi thư cho Phó đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Mỹ PN - Trao đổi với báo chí sáng ngày 6/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: phải xác minh tính chính xác của thông tin. Khi cơ quan chức năng xác minh được đúng thông tin thì quan điểm của Bộ Y tế là không bao che, xử lý đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật. Trong quá trình cơ quan chức năng điều tra, Bộ Y tế sẵn sàng phối hợp trên mọi phương diện để cơ quan điều tra tiến hành nhanh chóng, khách quan, có kết luận sớm nhất. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, bệnh viện trực thuộc Bộ, sở y tế rà soát tất cả trang thiết bị, hóa chất sinh phẩm đã mua. Kiểm tra sơ bộ ban đầu cho thấy, Công ty Bio-Rad chuyên nhập khẩu vào Việt Nam hóa chất sinh phẩm, máy móc trang thiết bị. Trong một diễn biến khác, ngày 6/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi thư cho bà Claire Pierangel, Phó đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mỹ tại Việt Nam, đề nghị các cơ quan liên quan của Mỹ hỗ trợ điều tra làm rõ thông tin Bio-Rad bị cáo buộc giả mạo chứng từ để che giấu các khoản thanh toán và chi 7,5 triệu USD hối lộ cho các quan chức tại ba quốc gia: Nga, Thái Lan và Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến viết: nhằm chủ động và tích cực phòng chống tham nhũng theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị Đại sứ Mỹ tại Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tại Mỹ hỗ trợ điều tra làm rõ thông tin để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm. Trường hợp thông tin nói trên không đúng, Bộ Y tế đề nghị phía Mỹ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tránh gây hoang mang và đảm bảo niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước nói chung và ngành y tế nói riêng. Cùng ngày, Cảnh sát kinh tế Bộ Công an đã chính thức tiếp nhận hồ sơ điều tra. Chiều 6/11, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế có công văn gửi giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, đề nghị khẩn trương rà soát và báo cáo các nội dung cụ thể như sau: kiểm tra các đơn vị trực thuộc xem đã sử dụng các mặt hàng của hãng Bio-Rad Laboratories hay chưa. Nếu có, đề nghị liệt kê đầy đủ các mặt hàng đã và đang sử dụng bao gồm cả thiết bị, hóa chất và vật tư tiêu hao từ năm 2005 đến năm 2014. Công văn cũng yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin và gửi kèm bản sao các tài liệu về nguồn gốc các mặt hàng (đấu thầu mua sắm, liên doanh liên kết hay nhận viện trợ...) của Bio-Rad Laboratories, gửi báo cáo về Bộ Y tế trước 16g30 ngày 12/11/2014. Tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều 6/11, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói: “Với chức năng, vai trò của Bộ Ngoại giao, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam và Mỹ khi nhận được yêu cầu nằm trong lĩnh vực phụ trách”. Bên lề kỳ họp Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Tiên nói: “Rất khó phát hiện tham nhũng núp bóng dưới dạng hoa hồng, bằng cách tài trợ đi nước ngoài hoặc thanh toán trực tiếp, ngụy trang dưới dạng tài trợ đi dự hội thảo… Muốn kiểm soát việc chi hoa hồng ở ta là rất khó nhưng dù sao, cáo buộc lần này cũng là một dịp để chúng ta tìm cách đưa giá thuốc và thiết bị y tế về giá trị thực, thoát khỏi sự chi phối bởi hoa hồng”. Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói: “Việt Nam đã có hợp tác với Interpol. Nếu chứng minh được sự dính líu, có nhận hối lộ thì dù cán bộ đó đã nghỉ hưu hay chuyển công tác thì vẫn phải bị xử lý. Không có vùng cấm nào trong quá trình xử lý hành vi tham nhũng cả”. PHƯƠNG MAI - BẢO THOA - CHI MAI |