Điều tra COVID-19 tại Trung Quốc không nhằm “đổ lỗi”

14/01/2021 - 05:42

PNO - Giám đốc tình trạng khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan cho biết cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 vốn bị trì hoãn cuối cùng đã được Bắc Kinh bật đèn xanh và nhấn mạnh rằng sứ mệnh này không phải tìm ra “ai đó là thủ phạm” mà hoàn toàn mang ý nghĩa khoa học, phi chính trị.

Các nghiên cứu sẽ bắt đầu ở Vũ Hán

Như vậy, sau hơn một năm bùng phát đại dịch, từ ngày 14/1, sẽ có 10 chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc với nhiệm vụ tìm hiểu nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Trước đó, đã có cáo buộc Bắc Kinh cản trở cuộc điều tra. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva, ông Ryan nói: “Hiểu được nguồn gốc của dịch bệnh không phải là tìm cách đổ lỗi cho ai. Mục đích là tìm ra câu trả lời cho vấn đề khoa học, mối tương giao quan trọng giữa thế giới động vật và loài người”.

COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán vào tháng 12/2019 - Ảnh: AFP
COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán vào tháng 12/2019 - Ảnh: AFP

Phái bộ trên sẽ đến Vũ Hán, nơi phát hiện chùm ca bệnh đầu tiên vào tháng 12/2019. Các chuyên gia cho rằng, việc “vén màn bí ẩn” về cách thức virus SARS-CoV-2 lây nhiễm từ động vật sang người là hết sức quan trọng nhằm ngăn chặn một đại dịch khác trong tương lai.

WHO dự kiến bắt đầu cuộc nghiên cứu vào tuần trước, nhưng vào phút chót, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố hoãn cấp phép nhập cảnh cho đoàn chuyên gia của WHO trước sự ngạc nhiên và thất vọng của cơ quan y tế thuộc Liên Hiệp Quốc. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã phải “cầu xin” cho sứ mệnh được thực thi. “Chúng tôi rất vui khi nhóm chuyên gia quốc tế gồm các nhà khoa học xuất sắc nhất đang đến Trung Quốc để xem xét các nghiên cứu khoa học với đối tác Trung Quốc về nguồn gốc COVID-19”, ông nói.

Theo ông Tedros, các nghiên cứu sẽ bắt đầu ở Vũ Hán nhằm xác định nguồn lây của các ca bệnh ban đầu. Các bằng chứng khoa học này sẽ giúp đưa ra các giả thuyết làm cơ sở cho các nghiên cứu dài hơi hơn. Điều này không chỉ hệ trọng đối với việc giải quyết COVID-19 mà còn cho cả an ninh y tế toàn cầu, cũng như giúp quản lý tốt các mối đe dọa dịch bệnh mới nổi có khả năng bùng phát thành đại dịch.

“Chúng ta hãy cho nhóm các nhà khoa học khoảng không để làm việc với các đối tác Trung Quốc một cách hiệu quả và hãy chúc họ mọi điều tốt lành”, ông kêu gọi.

Ngoài lây nhiễm cho hơn 90 triệu trường hợp và gần hai triệu người chết trên toàn cầu, virus COVID-19 còn đột biến trong quá trình truyền từ người sang người. Các biến thể mới được phát hiện ở Anh và Nam Phi dường như dễ lây lan hơn, dù chưa có bằng chứng cho thấy chúng gây ra nhiều ca nặng hơn. Cuối tuần qua, Nhật Bản đã thông báo về một biến thể mới của virus.

“Virus càng lây lan rộng thì khả năng xuất hiện những biến thể mới càng cao. Đáng chú ý nhất là khả năng lây truyền của một số biến thể dường như đang tăng lên”, ông Tedros giải thích.

Khó miễn dịch cộng đồng trong năm 2021

Trong khi các chuyên gia đến Trung Quốc tìm hiểu nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 thì tiến sĩ Soumya Swaminathan, Giám đốc khoa học của WHO, cảnh báo rằng, ngay cả khi nhiều quốc gia đã và đang triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19, cũng rất khó có khả năng tạo ra được miễn dịch cộng đồng trong năm nay. “Ngay cả khi vắc-xin phát huy hiệu quả bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, chúng ta vẫn sẽ khó đạt được bất kỳ mức độ miễn dịch nào trên cộng đồng trong năm nay”, Swaminathan nói.

Các nhà khoa học thường ước tính tỷ lệ tiêm phòng cần thiết phải đạt khoảng 70% hòng tạo ra miễn dịch cộng đồng, chống lại bệnh dịch. Nhưng một số chuyên gia lo ngại sự dễ lây nhiễm của COVID-19 có thể yêu cầu phải đạt tỷ lệ cao hơn rất nhiều. Tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn của Tổng giám đốc WHO, bày tỏ hy vọng việc tiêm chủng tại một số quốc gia nghèo có thể bắt đầu sớm nhất vào những tháng đầu năm 2021. Ông kêu gọi toàn cầu nỗ lực hơn nữa để bảo đảm tất cả quốc gia đều có thể tiếp cận được vắc-xin bởi phần lớn nguồn cung cấp vắc-xin COVID-19 đã được các nước giàu mua

Sáng kiến do Liên Hiệp Quốc khởi xướng có tên gọi là COVAX nhằm cung cấp vắc-xin cho các nước đang phát triển gặp nhiều khó khăn, đặc biệt sau khi các biến thể của COVID-19 mới được phát hiện ở Anh và Nam Phi. Bởi các nước tài trợ đang ưu tiên bảo vệ công dân của mình. 

Nam Anh (theo CNA, AFP)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI