Điều tiếc nuối ở Bảo tàng gốm Bát Tràng

01/11/2023 - 06:18

PNO - Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, Bảo tàng gốm Bát Tràng đã trở thành điểm đến “không thể” bỏ qua của khách tham quan khi đến thăm làng nghề ngàn năm tuổi.

Ấn tượng đầu tiên là kiến trúc hình xoắn ốc khổng lồ, độc đáo, lấy cảm hứng từ khối bàn xoay tạo hình sản phẩm gốm. Không gian chính của bảo tàng nằm ở tầng 2, có tên “Bát Tràng xưa và nay” với 4 khu vực: Theo dấu người xưa, Gốm Bát Tràng - thông điệp thời gian, Gốm Bát Tràng - tinh hoa hội tụ và lan tỏa và Gốm Bát Tràng - tìm tòi và suy ngẫm.

Người xem chỉ có thể nhìn ngắm chứ không thể tìm hiểu sâu hơn về các hiện vật ở Bảo tàng gốm Bát Tràng do có quá ít thông tin
Người xem chỉ có thể nhìn ngắm chứ không thể tìm hiểu sâu hơn về các hiện vật ở Bảo tàng gốm Bát Tràng do có quá ít thông tin

Ở lối vào chính có một vài nhân viên của bảo tàng, nhưng đơn thuần chỉ làm công việc kiểm tra vé, chứ không hướng dẫn khách tham quan nên bắt đầu đi từ hướng nào. Ở sảnh chính này cũng không có biển báo hoặc chỉ dẫn. Du khách, vì thế, đã “lạc lối” ngay từ lối vào.

Không gian trưng bày với cách sắp đặt ánh sáng hiện đại, bắt mắt, nhưng thông tin cho người xem về những hiện vật lại rất “kiệm lời”. Khu vực Theo dấu người xưa khá đẹp với chiếc thuyền gỗ và cách sắp đặt nhiều vật dụng của nghề làm gốm. Nhưng vì sao nó được đặt ở đây, chủ nhân của nó đi từ đâu đến, khi nào… thì người xem không biết tìm câu trả lời ở đâu.

Nhiều bộ sưu tập gốm khiến người xem phải dừng lại rất lâu để nhìn ngắm từng họa tiết trên các sản phẩm. Tuy nhiên thông tin về sản phẩm chỉ là những dòng chữ không thể ngắn gọn hơn đặt bên cạnh, giới thiệu chủ nhân bộ sưu tập, thời gian sản xuất… 

Có thể các nhóm học sinh, khách tham quan theo tour sẽ có hướng dẫn viên thuyết minh, nhưng nếu là khách lẻ thì sẽ phải tự tìm hiểu. “Đây là lần thứ ba tôi đến tham quan làng gốm Bát Tràng. Nhưng rời khỏi bảo tàng, tôi cũng không có thêm nhiều thông tin, ngoài việc được nhìn ngắm một số bộ sưu tập của các nghệ nhân nổi tiếng. Giá như bảo tàng có thêm vài thông tin về giá trị của hiện vật trưng bày, kỹ thuật thực hiện men, trang trí, yếu tố tạo nên sự khác biệt của hiện vật so với các sản phẩm khác cùng niên đại… thì chuyến tham quan của tôi sẽ có nhiều ý nghĩa hơn” - Khánh Vân (TPHCM) - một bạn trẻ rất mê khám phá bảo tàng chia sẻ.

Cảm giác tiếc nuối với không gian triển lãm Bát Tràng xưa và nay càng tăng khi đến thăm không gian triển lãm Điêu khắc ánh sáng (tầng 3). Đây là một triển lãm cá nhân, nhưng cách tiếp cận công chúng khá bài bản và chuyên nghiệp. Ngay sau khi “check in”, khách sẽ được nhân viên phòng triển lãm giới thiệu chi tiết về triển lãm - từ tác giả, quá trình thực hiện ý tưởng đến thông điệp của tác phẩm. Sau tác phẩm mở đầu, khách tham quan có thể tự mình khám phá những câu chuyện độc đáo được kể bằng sự phối hợp giữa những sản phẩm gốm bị lỗi, dụng cụ, vật liệu sản xuất sản phẩm gốm và ánh sáng. Suốt hành trình khám phá không gian triển lãm luôn có người sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc của người xem.

2 cách tiếp cận công chúng khác nhau ở 1 bảo tàng ít nhiều cũng làm công chúng băn khoăn. Việc thay đổi có lẽ không quá khó, ít nhất là có thể áp dụng ngay cách làm của triển lãm Điêu khắc ánh sáng. Như vậy có lẽ khách tham quan bảo tàng sẽ bớt tiếc nuối.

Ngọc Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI