Điều sám hối của sử gia Lê Văn Lan

07/06/2019 - 08:11

PNO - 'Tôi cho rằng, việc chúng ta chưa chú trọng tới lịch sử giới nữ trong lịch sử các triều đại phong kiến là một món nợ với lịch sử mà chúng ta sớm muộn gì cũng phải trả'- Giáo sư sử học Lê văn Lan.

“Xem mãi những vị vua, ông tướng vuốt râu, lên ngựa, tranh quyền đoạt vị, mắng mỏ… mà không có những mềm mại, tươi tắn, rực rỡ cũng chán. Lỗi đó thuộc về chúng ta, khi không mang được một thứ lịch sử hấp dẫn đến với hậu thế”. Đó là “sám hối” của giáo sư sử học Lê Văn Lan khi nói về lịch sử giới nữ trong dòng chảy của lịch sử phong kiến Việt Nam.

Dieu sam hoi cua su gia Le Van Lan
Giáo sư sử học Lê Văn Lan

Phóng viên: Hôm ra mắt tác phẩm Phượng khấu - bộ phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam, ông nói bộ phim đã trả lại công bằng cho lịch sử. Cụ thể ra sao, thưa ông?

Giáo sư Lê Văn Lan: Lịch sử Việt Nam bắt đầu thời đại phong kiến vào khoảng thế kỷ XI; đồng thời cũng xác lập được chế độ phụ quyền. Đã phụ quyền, lại còn thêm Nho giáo, thành ra có “tam cương ngũ thường”, mục đích là để ổn định, tôn vinh và biểu dương chế độ phụ quyền; để từ đó tới nay, có một thói quen được hình thành và lưu giữ, đó là chúng ta thường nói về lịch sử thông qua những nhân vật nam giới, cụ thể là các vị vua, các ông tướng, các dũng sĩ, chiến sĩ…

Trong bối cảnh đó, vai trò thực chất và đặc biệt ý nghĩa của phụ nữ đối với lịch sử, đối với từng giai đoạn, từng phương diện của xã hội, văn hóa, gia đình… đều không được chú trọng. Nếu xem lịch sử triều chính như một đường sắt thì nó được vận hành bởi hai tuyến đường ray: một do các vị vua, các tướng lĩnh, dũng sĩ… vận hành; tuyến còn lại mang khuôn mặt của những người phụ nữ.

Tôi cho rằng, việc chúng ta chưa chú trọng tới lịch sử giới nữ trong lịch sử các triều đại phong kiến là một món nợ với lịch sử mà chúng ta sớm muộn gì cũng phải trả. Hiện nay, chúng ta đang trả, có những bước đầu thành công và tôi nghĩ, trong tương lai, sẽ ngày càng sòng phẳng với món nợ này.

Phượng khấu là một bộ phim về những chuyện thâm cung bí sử thời nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của lịch sử Việt Nam. Nghĩa là, bao nhiêu tinh hoa, bao nhiêu truyền thống cũng như thói xấu, mưu mẹo - một phần của lịch sử, cũng dồn về đó. Đây là một “mỏ” đề tài rất phong phú, sâu sắc, sinh động; nhưng cũng như thời Lý, Tiền Lê, Đinh, Ngô… trước đó, chưa có nhiều người dám khai thác.

Dieu sam hoi cua su gia Le Van Lan
Nghệ sĩ Hồng Đào vào vai thái hậu Từ Dụ trong phim Phượng khấu

* Lịch sử phong kiến Trung Quốc có một Võ Tắc Thiên lẫy lừng. Việt Nam không có nhân vật nào như thế, nhưng ta cũng có những nhân vật nữ giới khiến lịch sử “điên đảo”, thậm chí “bẻ lái” lịch sử chứ, thưa ông?

- Việt Nam không có những nhân vật quá đặc trưng kiểu Võ Tắc Thiên, nhưng cũng có nhiều phụ nữ giỏi. Họ là một phần của lịch sử dân tộc, của văn hóa Việt Nam. Do đó, các bà mang đầy đủ tính chất dân tộc của lịch sử, văn hóa, văn minh đất nước; mà cực kỳ nhiều, chứ không phải chỉ rải rác đôi ba người, trong đôi ba sử liệu.

* Tính dân tộc mà giáo sư nói ở đây là gì?

- Ta có những công trình lý luận, lý thuyết ở mức rất cao nói về tính dân tộc. Tính dân tộc của Việt Nam là gì? Nhiều tác phẩm đã nói, đó là cái nữ tính. Đã nữ tính, lại còn mềm mại, dịu dàng. Nhưng hãy nhớ: lạt mềm buộc chặt. Rất lợi hại.

* Ta có Thiên cực công chúa - người đã khiến hai quyền thần say đắm rồi chết là Phạm Du và Tô Trung Từ, trong giai đoạn nhà Lý suy vong. Ta cũng có Linh từ quốc mẫu Trần thị - người đàn bà làm đổi họ cả một triều đại. Ta có một An Tư công chúa được gả cho Thoát Hoan để cầu hòa, giữ cho quân Trần rút lui an toàn trong chiến tranh Nguyên Mông - Đại Việt lần 2 (năm 1285), nhưng năm sinh, năm mất, nàng sống chết ra sao, số phận sau khi bị gả cho Thoát Hoan thế nào, không có một sử liệu nào ghi lại. Ta còn những ai nữa?

- Còn có một người phụ nữ họ Dương (thường được gọi là Dương Vân Nga) - người đàn bà nhân danh triều đình nhà Đinh trong cơn khủng hoảng, đã cầm lấy chiếc áo long bào của chồng mình - chính là Đinh Tiên Hoàng vừa bị sát hại, trao cho Lê Hoàn, lúc đó đang là thập đạo tướng quân, chỉ huy quân đội, mời ông lên làm vua, mở ra triều đại nhà Tiền Lê, cũng là mở đường để ông danh chính ngôn thuận giương cờ bảo vệ nước Việt và đánh thắng quân Tống.

Nhưng Dương Vân Nga chắc chắn không phải tên gọi đương thời của nhân vật lịch sử này. Sử sách ghi chép về bà với 3 cái tên: Dương Thị (người đàn bà họ Dương), Dương Hậu (bà hoàng hậu họ Dương), Dương Thái hậu (bà thái hậu họ Dương). Xung quanh nhân vật có tới ba cái tên gọi này đã có rất nhiều chuyện, nói gì những đặc điểm nhân thân khác. Một nhân vật lịch sử vĩ đại, lớn lao như thế mà ngay từ xuất thân, tên gọi cũng không rõ ràng được.

Dieu sam hoi cua su gia Le Van Lan
Hoàng Thái hậu Từ Dụ. Ảnh TL

Sang thế kỷ XI, thời nhà Lý, xuất hiện nhân vật gọi là Nguyên phi Ỷ Lan, nhưng tên họ là gì, cho tới bây giờ, cũng chưa biết chính xác. Sau khi vua Lý Thánh Tông băng hà, với sự giúp sức của Lý Thường Kiệt, bà đã đưa Thượng Dương hoàng hậu lên giàn hỏa thiêu, cùng 72 cung nữ. Lịch sử văn hóa và đạo Phật của ta, cho đến bây giờ, có tới 1.000 ngôi chùa do bà Ỷ Lan xây, để tỏ sám hối, chính là bắt nguồn từ vụ án lịch sử này. Một loạt biến cố cung đình đã xảy ra, có sự góp mặt của phụ nữ, mà lịch sử không chép hoặc không dám chép. Tôi nghĩ đây là một đề tài rất lớn và thú vị mà ta hoàn toàn có thể khai thác, nhưng lại chưa mấy người khai thác, trong khi nó hỗ trợ rất mãnh liệt cho chính sử, cho dòng lịch sử chính trị - quân sự mà chúng ta thường xuyên khai thác.

Ngoài bà thái hậu, nguyên phi kể trên, ta có thể kể ra nhiều ví dụ khác nữa trong lịch sử dân tộc, hứa hẹn cho các nhà làm phim, các nhà viết tiểu thuyết, những người làm nghiên cứu lịch sử có thêm nhiều dữ liệu để đưa vào tác phẩm, công trình của mình. Đây là những giá trị của lịch sử, là câu chuyện lịch sử mà các thế hệ tiền nhân đau khổ, vinh hạnh, cố gắng làm ra và để lại.

Chúng ta có nhiều cách để chạm vào các giá trị này và thực ra cũng đã có một số thành công nhất định. Gần đây nhất, trước Phượng khấu, cũng nói về nhân vật Từ Dụ thái hậu, có một bộ tiểu thuyết lịch sử ngàn trang, gồm 2 tập, của nữ sĩ Trần Thùy Mai. Tôi cho đây là bộ tiểu thuyết lịch sử thành công trong việc đụng chạm, xử lý, khai thác, tôn vinh, đưa lịch sử tới cho mọi người, đặc biệt là lịch sử giới nữ.

Dieu sam hoi cua su gia Le Van Lan

* Là một sử gia, giáo sư có thừa nhận sự thất bại của giới sử học Việt Nam khi không đưa ra được khuôn mặt đầy đủ của lịch sử giới nữ, trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam?

- Tôi không nghĩ đây là sự thất bại, nhưng đúng là những cố gắng đó của chúng ta vẫn chưa đầy đủ. Tôi tin, sẽ có những người, những nỗ lực tiếp nối trong công việc này và chúng ta sẽ có đầy đủ, chính xác, đặc biệt là những trang sử đẹp đẽ về phụ nữ Việt Nam. 

“Có một sám hối nhỏ, của bản thân chúng tôi. Ngày 1/5/1975, tôi là người duy nhất trong giới sử học ở miền Bắc đi theo bộ đội và có mặt tại Sài Gòn. Tôi được dẫn đến rất nhiều nơi, trong đó có một bệnh viện rất to, nhưng không rõ vì lý do nào đó, nó có tên là Bệnh viện Từ Dũ. Tôi mang tên đó hỏi một đồng nghiệp đàn anh, “Từ Dũ là gì?”. Đồng nghiệp tôi trả lời không biết. Tôi hỏi nhiều người, cũng không ai biết. Mãi sau này, tôi mới biết “Từ Dũ” là cái tên không chính xác, đúng ra phải là “Từ Dụ” - tên gọi của một nhân vật lịch sử. “Từ” với nghĩa là nhân từ, hiền hậu; “Dụ” tức là tươi tắn, đẹp đẽ. Tôi nghĩ, đã đến lúc, chúng ta phải sòng phẳng trả lại cho lịch sử một nhìn nhận, thậm chí một cái tên như nó-vốn-là”.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan

Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI