Điều quan trọng hơn cả mặc đẹp

20/12/2020 - 07:38

PNO - Đề cập đến thời trang châu Á, hình ảnh quốc phục thêu tay, đồ cưới truyền thống thường được nhớ đến trước tiên. Mỗi kiểu phục trang ẩn chứa giá trị biểu tượng cho nền văn hóa, lịch sử từng vùng đất sản sinh ra nó. Thế nhưng, những kết hợp hiện đại hơn sẽ mang lại cảm nhận ra sao – một mẫu áo choàng dài từ vải thổ cẩm, hay áo khoác thun trẻ trung với họa tiết in khối cổ điển?

Phong cách thiết kế mới lạ, “hòa quyện” sức hút quá khứ lẫn hiện tại, giữa Đông và Tây – đang là nguồn cảm hứng lớn của nhiều nhà tạo mẫu trẻ yêu thích sự phá cách. 

Nhà thiết kế nữ Kanika Karvinkop, Ấn Độ thành lập dự án No Border từ năm 2017, hợp tác cùng Suket Dhir (cái tên ghi dấu năm 2016 trong cuộc thi tạo mẫu quốc tế của hãng đồ len Woolmark nổi tiếng) và Amesh Wijesekera (giám đốc sáng tạo người Sri Lanka). Karvinkop đến thăm quan hàng loạt xưởng sản xuất, tìm hiểu về định hướng thời trang cá nhân, và mời gọi nhiều tài năng trẻ như trên gia nhập đội ngũ nghệ sĩ năng động, đa sắc thái với cùng tiêu chí làm nghề.

Cửa hàng của Karvinkop hình thành từ ý tưởng: “phá vỡ” định kiến khuôn mẫu giữa văn hóa thời trang xưa và nay, từ đó, giúp tái lập cảm nhận về thời trang đương đại.

(Ảnh: NoBorder)
(Ảnh: NoBorder)

“Khoảng thời gian sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ đã tạo ảnh hưởng sâu đậm với tôi”, Karvinkop, 33 tuổi, chia sẻ. “Đây là đất nước cực kì đa dạng về văn hóa – bất kể trong hoạt động đời thường, truyền thống, ngôn ngữ. Đến bất kì đâu tại Ấn, bạn luôn có thể chứng kiến vô số thứ mới mẻ.

Thời trang Ấn Độ cũng vậy. Nó vẫn ẩn giấu nhiều điều thú vị chưa được khám phá. Những nhà thiết kế tôi có dịp gặp gỡ - cộng tác, lột tả góc nhìn văn hóa của riêng họ thông qua óc sáng tạo cùng tư duy thẩm mỹ”.

(Ảnh: NoBorder)
(Ảnh: NoBorder)

Nơi đội ngũ thiết kế, Karvinkop nhận ra một thôi thúc chung, để “phá bỏ” khái niệm thời trang truyền thống bấy lâu vốn mang tính mặc định.

Trên tiêu chí lồng ghép vẻ đẹp truyền thống vào nhịp sống đương thời, No Border hiện là nhà cung ứng phong phú sản phẩm quần áo và nghệ thuật. Cửa hàng giúp giới thiệu đến công chúng đa dạng tên tuổi nhà thiết kể đến từ khắp mọi miền châu Á, những người đam mê “làm mới” dấu ấn thời trang truyền thống bằng sức trẻ sáng tạo.

Nhóm nhà tạo mẫu của Karvinkop sử dụng kĩ thuật may, thêu cổ điển để tạo hình cho sản phẩm may mặc hiện đại. Mỗi bộ sưu tập trang phục phản ánh một câu chuyện lý thú. Tiêu biểu như Taha Yousef, nhà thiết kế của Love Closely, thương hiệu thời trang cao cấp đan xen phong cách truyền thống Trung Đông vào nhiều mẫu trang phục đường phố. Series mới nhất hãng vừa ra mắt, lấy cảm hứng từ những vầng thơ Ba Tư cổ, ca ngợi hòa bình và cuộc sống nhân sinh hài hòa.

“Tôi muốn vẻ đẹp nghệ thuật bên trong nền văn hóa đạo Hồi truyền thống có thể tiếp tục hiện hữu qua chất liệu thời trang đương đại, như những dòng thơ thư pháp tồn tại ‘mượt mà’ trên lớp vải thun năng động”. Yousef bày tỏ.

Bộ sưu tập mới nhất của Love Closely giới thiệu những vầng thơ cổ trong văn hóa Ba Tư trên chất vải hiện đại. (Ảnh: NUVOMagazine)
Bộ sưu tập mới nhất của Love Closely giới thiệu những vầng thơ cổ trong văn hóa Ba Tư trên chất vải hiện đại. (Ảnh: NUVOMagazine)

Bên cạnh đó, những nhà thiết kế như Taha Yousef đề cao xu thế bền vững, thân thiện môi trường của ngành thời trang ngày nay. “Chúng tôi muốn tạo nên sản phẩm có thể được công chúng ở bất kì quốc gia nào đón nhận, nhưng vẫn biểu trưng rõ rệt sắc thái phương Đông”. Yousef, hiện là giám đốc sáng tạo của Love Closely, cho biết.

Sự linh động trong xây dựng biểu tượng trở thành yếu tố cốt lõi ở đây. Với Yousef, rất nhiều dấu ấn đại diện cho văn hóa Á Đông vẫn đang bị “bỏ quên” trong thị trường thời trang toàn cầu.

Có chung ý niệm này là Tom Trandt, nhà tạo mẫu và sáng lập của Môi Điên, một thương hiệu Việt cũng được xây dựng từ tiêu chí tái định hình khuôn mẫu thời trang truyền thống.

“Vì đối tượng khách hàng mục tiêu của chúng tôi là những người trẻ, đam mê khám phá và không ngần ngại trải nghiệm, thời trang cổ điển khó lòng tạo sức hút với họ”, Trandt nói. “Thứ gì đó phá cách, ‘bứt phá’ về tư duy, tôi nghĩ sẽ phù hợp và tự nhiên hơn để đón nhận”.

(Ảnh: MôiĐiên)
(Ảnh: MôiĐiên)

Sau khi tốt nghiệp trường thiết kế Parsons danh giá tại New York, Mỹ, Trandt quyết định về lại Sài Gòn lập nghiệp, bắt đầu từ thương hiệu Môi Điên. Đã trải qua thời gian dài học tập và tiếp thu văn hóa thời trang phương Tây, thế nhưng, tư duy thẩm mỹ trong anh “bén rễ” từ cội nguồn đất Việt.

“Ở mỗi góc phố, con đường Sài Gòn, bạn luôn có thể nhìn thấy ai đó mang cá tính ấn tượng – một phụ nữ cùng gánh hàng rong với đôi tay phủ đầy vòng trang sức vàng, hay một người đàn ông để lưng trần khoe ra hàng chuỗi hình xăm ngoạn mục”, Trandt chia sẻ.

Phác họa giá trị đời sống thân thuộc, đi cùng nỗ lực biểu trưng nét trẻ trung – đa dạng của văn hóa Việt đương đại, được Trandt xem như 2 phương châm chủ chốt cho thương hiệu Môi Điên.

Mặt khác, phong cách hòa phối “song hành” giữa cổ xưa và hiện đại cũng được đặc biệt chú trọng. Bộ sưu tập mới nhất của hãng: quần ống suông với điểm nhấn lỗ chèn dây kéo kim loại khỏe khoắn, jacket màu trầm nền nã và áo yếm lụa phủ tone nóng nổi bật – lấy cảm hứng từ những câu chuyện cổ dân gian Việt Nam.

(Ảnh: MôiĐiên)
(Ảnh: MôiĐiên)

Mục đích làm nghề của Trandt tương đồng với nhóm nhà thiết kế cùng thời như Karvinkop và Yousef, những người trẻ đang khao khát tìm kiếm sự dung hợp cuốn hút, tự do hơn nơi ngành công nghiệp may mặc. Nghệ thuật tạo mẫu của họ được khơi gợi từ nền tảng truyền thống, trong khi vẫn không thiếu đi tính thích nghi linh hoạt, minh chứng rõ nét qua lượng khách hàng ngày một lớn. Điều giúp biểu thị tương lai hứa hẹn cho một môi trường thời trang đặc thù - vừa nhằm giữ gìn lẫn phát huy những giá trị cổ điển, vừa đủ sức “bứt mình” khỏi khuôn mẫu cũ.

“Mọi người ngày nay muốn khoác lên những trang phục mang theo thông điệp, dấu ấn văn hóa của chính họ”, Yousef, đại diện thương hiệu Love Closely, nhận định. “Điều này quan trọng hơn cả việc mặc đẹp”.

 

Như Ý (theo WMagazine)                

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI