Điều ngư dân đang mong chờ

15/05/2022 - 09:39

PNO - “Chính sách hỗ trợ phải đi vào cuộc sống, được ngư dân chấp nhận và phù hợp với nguyện vọng của họ” - nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh từng nói như vậy và đây cũng là điều ngư dân cả nước đang mong chờ.

Hai năm nay, khu vực nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè của ngư dân trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đã xuất hiện những lồng nhựa hiện đại như của các doanh nghiệp nước ngoài. Trước đó, ngư dân tỉnh Khánh Hòa chỉ quen nuôi cá bớp, tôm hùm trên biển bằng các lồng gỗ, gắn thùng phuy cũ để làm bè. Loại lồng bè này vừa làm tốn gỗ rừng, gây ô nhiễm môi trường, trông xấu xí, vừa dễ bị bão, sóng đánh tan.

Lồng bè nuôi trồng thủy sản tại vùng biển xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh - Ảnh: Báo Khánh Hòa điện tử
Lồng bè nuôi trồng thủy sản tại vùng biển xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh - Ảnh: Báo Khánh Hòa điện tử

Ngư dân Nguyễn Xuân Hòa ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh cho biết, trong một trận bão, gia đình ông mất trắng 250 lồng nuôi, thiệt hại gần 20 tỷ đồng, trong khi lồng nhựa của các doanh nghiệp nước ngoài gần đó vẫn an toàn. Từ đó, ông đã đầu tư lồng nhựa, tỷ lệ cá sống đạt khoảng 80%, cao hơn hẳn so với nuôi trong lồng bè bằng gỗ.

Hiện đại hóa nghề nuôi trồng thủy sản nói riêng, nghề cá nói chung là giải pháp để phát triển bền vững. Tuy vậy, ngư dân đang đối mặt với hàng loạt vấn đề: vốn, giống, công nghệ và quản trị.

Thời gian qua, giá nhiên liệu liên tục tăng khiến ngư dân bị thua lỗ khi ra khơi đánh bắt cá. Bên cạnh giá dầu, ngư dân còn gánh thêm các loại chi phí khác như nước đá, chi phí sửa chữa ngư cụ, tiền thuê lao động, mua lương thực, thực phẩm. Chi phí mua dầu diezel chiếm trên 50 - 60% tổng chi phí của mỗi chuyến đi biển, tùy phương thức đánh bắt. Do đó, phần lớn các chủ tàu đang cho tàu nằm bờ, số còn lại vẫn ra khơi nhưng giảm bớt nhân công, kéo dài thời gian hoạt động trên biển để giảm chi phí.

Một số nước đã có các biện pháp hỗ trợ ngư dân. Chính phủ Philippines triển khai chương trình dành cho các cộng đồng ven biển với mục tiêu xây dựng 252 trung tâm nghề cá cộng đồng (CFLC) trên khắp cả nước nhằm cải thiện điều kiện kinh tế của các cộng đồng ngư dân có tỷ lệ đói nghèo cao. CFLC cung cấp kho lạnh và hỗ trợ xử lý để giảm thất thoát sau thu hoạch thủy sản từ 25% xuống 18%. Kho lạnh và trang thiết bị của CFLC cho phép ngư dân bảo quản cá tốt hơn, bảo vệ chất lượng thủy sản, từ đó bán được giá hơn.

CFLC còn giám sát hoạt động đánh bắt và đánh giá trữ lượng, từ đó đào tạo, tư vấn cho ngư dân các phương pháp vừa đảm bảo sinh kế, vừa không làm cạn kiệt tài nguyên. CFLC cũng làm cầu nối giữa ngư dân và người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng tiếp cận được với thủy sản sạch và chất lượng.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị định về một số chính sách đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác nhằm phát triển thủy sản, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Theo đó, các tổ chức, cá nhân đóng mới tàu dịch vụ hậu cần đánh bắt xa bờ, bọc vỏ thép, bọc vỏ chất liệu mới, có tổng công suất máy chính từ 380CV trở lên sẽ được vay vốn ngân hàng thương mại với mức tối đa bằng 95% tổng giá trị đầu tư, lãi suất vay 5%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù cho ngân hàng thương mại 4%/năm…

Song việc khuyến khích đóng tàu vỏ thép hiện đại với phương châm "vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo" diễn ra không suôn sẻ… Nhiều tàu đánh bắt không hiệu quả, thua lỗ, ngư dân phải lâm vào cảnh nợ nần.

Đến ngày 24/11/2021, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chỉ thị nêu rõ, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, cần lựa chọn, xác định các dự án ưu tiên để tập trung đầu tư, tạo động lực thực sự cho phát triển bền vững kinh tế biển; đẩy mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa hợp tác công - tư nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội vào phát triển kinh tế biển nói chung và kết cấu hạ tầng biển, ven biển nói riêng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện nhanh việc chuyển đổi số đối với các ngành kinh tế biển.

“Chính sách hỗ trợ phải đi vào cuộc sống, được ngư dân chấp nhận và phù hợp với nguyện vọng của họ” - nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã nói như vậy trong một hội thảo về một số chính sách hỗ trợ đánh bắt thủy sản xa bờ. Đó cũng là điều ngư dân cả nước đang mong chờ. 

Khánh Yên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI