PNO - Sự tham gia ngày càng nhiều của các tác giả ở những lĩnh vực khác nhau đã mang đến cho sách tranh nguồn đề tài đa dạng, nội dung phong phú. Những câu chuyện nhỏ gửi gắm giá trị lớn về lịch sử - văn hóa, khoa học - vũ trụ, thiên nhiên - môi trường…
Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly vừa ra mắt cuốn Lịch sử chữ Quốc ngữ, 1615-1919 tại Việt Nam. Đây là công trình nghiên cứu cho luận án tiến sĩ của chị, đã xuất bản tại Pháp vào năm 2022. Cùng với đó là cuốn sách bỏ túi 100 câu hỏi về lịch sử chữ Quốc ngữ dành cho bạn đọc nhiều độ tuổi. Tuy nhiên trước đó, tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly cùng họa sĩ Tạ Huy Long đã thực hiện cuốn sách tranh dành cho trẻ em: Người Việt gọi tôi là cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ (Nhà xuất bản Kim Đồng, 5/2023).
Những câu chuyện nhỏ trao gửi nhiều kiến thức bổ ích và những thông điệp ý nghĩa, lớn lao dành cho trẻ nhỏ - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Trẻ
Đây là điều khá đặc biệt khi một tựa sách tranh ra đời từ nội dung của luận án tiến sĩ. Đề tài về lịch sử trong sách cho trẻ nhỏ trước giờ chủ yếu về các danh nhân văn hóa, những anh hùng trong lịch sử cũng như nội dung về các sự kiện/dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly chia sẻ, chị đã dành nhiều thời gian thực hiện bản thảo và phải qua nhiều lần chỉnh sửa mới hoàn thiện tác phẩm. Việc chuyển một nội dung hàn lâm vào sách cho trẻ nhỏ là thử thách không đơn giản.
Hành trình của chữ Quốc ngữ trong sách được rút gọn tối đa số lượng chữ nhưng rất cuốn hút, với nhân vật chính - người kể chuyện là Alexandre de Rhodes. Cùng với phần tranh minh họa chi tiết và sinh động, cuốn sách cho bạn đọc nhỏ tuổi một sự tiếp cận đơn giản, dễ hiểu về hành trình qua trăm năm của chữ Quốc ngữ. Bên cạnh đó còn là câu chuyện về cuộc đời thăng trầm của cha Đắc Lộ - người đã đến Việt Nam từ thế kỷ XVII và có công lớn trong việc in cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên (từ điển Việt - Bồ - La, năm 1651).
Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly bày tỏ, chị đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc và hạnh phúc khi tìm được nguồn tài liệu quý, với những văn bản viết tay từ các khu lưu trữ ở Roma (Vatican), Lisbon (Bồ Đào Nha), Madrid, Avila (Tây Ban Nha)… Lịch sử về hành trình của chữ Quốc ngữ không chỉ gói gọn trong phạm vi luận án mà đã đến với bạn đọc mọi đối tượng theo nhiều hình thức. Đó cũng là thành tựu lớn của một công trình nghiên cứu khoa học. Người Việt gọi tôi là cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ mở góc nhìn rộng về khai thác chất liệu, đề tài cho sách tranh. Từ một nội dung trong sách nghiên cứu, khi biết khai thác bằng cách kể phù hợp, đó lại là câu chuyện hay và vô cùng bổ ích cho độc giả thiếu nhi.
Hội tụ những giá trị
Một trong những bộ truyện tiên phong khai thác đề tài lịch sử và thành công, tạo dấu ấn hàng thập niên qua là Lịch sử Việt Nam bằng tranh (Nhà xuất bản Trẻ). Cùng chủ đề, có: Lược sử nước Việt bằng tranh, Tranh truyện lịch sử Việt Nam, Hào khí Đông A, Hiền tài nước Việt… Khai thác đề tài lịch sử cận đại, gần đây có các bộ: Hào kiệt đất phương Nam, Những anh hùng trẻ tuổi (Nhà xuất bản Kim Đồng). Bên cạnh đó là dòng truyện tranh/sách tranh vẽ lại từ những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết đã phổ biến trong dân gian.
Từ công trình nghiên cứu khoa học, lịch sử chữ Quốc ngữ đi vào sách tranh cho thiếu nhi - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng
Không nhiều tựa/bộ truyện khai thác lịch sử ở những đề tài vi mô hơn trong sách tranh thuần Việt, tính đến thời điểm này. Đây cũng là một khoảng trống rất cần được các tác giả, họa sĩ quan tâm, cùng bồi đắp giá trị trong những câu chuyện kể dành cho trẻ nhỏ.
Ở các lĩnh vực khác, có thể thấy được sự phát triển ngày càng khởi sắc với các đề tài về khoa học, văn hóa, môi trường… Đặc biệt, những đề tài khó và lớn lao hơn như chủ quyền biển đảo hay những vấn đề mang tính toàn cầu cũng đã xuất hiện trong sách tranh.
Em yêu biển đảo - biên cương: Quê em ở Trường Sa (6 tập, nhiều tác giả) là một trong những bộ sách tranh nổi bật của Nhà xuất bản Trẻ hiện nay. Bên cạnh đó là Đến thăm thành phố của em, với những câu chuyện có bối cảnh tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Vẻ đẹp của danh thắng, bản sắc văn hóa của các vùng đất được khai thác trong nhiều bộ sách tranh đậm dấu ấn khác: Em yêu Việt Nam mình, Câu chuyện dòng sông, Ngôn ngữ yêu thương - bộ sách tranh đầu tiên có nhân vật chính là trẻ em của nhiều dân tộc anh em…
Khi các tác giả viết cho trẻ đến từ nhiều lĩnh vực, ở nhiều độ tuổi thì đề tài trong sách cho trẻ nhỏ càng thêm rộng mở và đa phong cách. Điểm nhìn mới lạ, kiến thức phong phú, cách kể sáng tạo cùng minh họa sống động, bắt mắt là những lợi thế mà sách tranh thuần Việt hiện có. Bên cạnh những câu chuyện giản dị gửi gắm những bài học nhỏ cho trẻ thơ, những chủ đề lớn hơn được khai thác, góp phần tạo dấu ấn, giá trị chiều sâu cho sách tranh.
Phần lớn các tựa/bộ sách tranh thuần Việt được trao giải trong và ngoài nước, được mua bản quyền chuyển ngữ và phát hành ở nước ngoài đều là những câu chuyện hàm chứa giá trị văn hóa bản sắc hoặc những đề tài mang tính toàn cầu.
Nhiều tọa đàm/hội thảo về tác giả - tác phẩm được tổ chức tại TPHCM và Hà Nội dành cho những tên tuổi lớn: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Đình Thi…