Tôi thương ba mẹ tôi, một đời vất vả, chắt chiu để lo cho con cái, ăn không dám ăn, mặc chẳng dám mặc. Thế nên, tôi luôn cố gắng làm việc, kiếm tiền để có thể mua nhiều thứ cho ba mẹ mình. Tôi nghĩ đó là cách làm vui lòng ba mẹ, cho đến khi mẹ tôi nói: “Ba chỉ cần con thường xuyên về nhà…”.
So với nhiều người cùng lứa, tôi đã tự sắp xếp cho mình một cuộc sống tốc độ chậm giữa một thành phố đất chật người đông. Tôi luôn có đủ thời gian để uống trà, chăm cây mỗi buổi sáng, để chơi và học với con mỗi tối. Những ngày cuối tuần, tôi có thời gian để nghỉ ngơi và nấu những món ăn con thích. Nhưng tôi vẫn không có nhiều thời gian nhớ về gia đình lớn, nơi ba mẹ ngóng đợi mỗi ngày.
“Con coi cuối tuần nào rảnh rảnh, thu xếp về nhà chơi. Mấy tháng rồi con chưa về”, giọng mẹ trong điện thoại nghe tha thiết quá, tôi có cảm tưởng như mẹ đang đếm từng ngày. Cả nhà tôi mới về thăm cách đây hai tháng chứ mấy.
Khoảng cách 300km từ Sài Gòn về Đà Lạt không phải là vấn đề nhưng công việc tôi khá nhiều, các con tôi cũng phải học thêm ngoại ngữ vào cuối tuần. Vì vậy, muốn cả nhà đi cùng nhau, chúng tôi cũng phải tính tới tính lui.
Mấy năm trước, tôi về thăm nhà mỗi năm 2-3 lần, mẹ cũng không hay gọi điện nhắc nhở “con ráng tranh thủ…”. Nay tuổi càng lớn, nỗi nhớ mong đoàn tụ con cái càng lớn hơn. Mỗi lần cả nhà tôi báo sắp về, mẹ lại chuẩn bị rất nhiều đồ ăn mà chúng tôi thích. Đêm trước đó, ba mẹ tôi thường không ngủ được, vì mong ngóng.
|
Ảnh minh họa |
Tôi hay nhớ đến ba, khi thấy một ông lão bán vé số trên đường hay người làm vệ sinh ở cầu thang chung cư nơi tôi ở. Tôi hay nhớ đến mẹ, khi nhìn thấy bà bán hoa quả trong công viên hay bà lão ở quê vào giữ cháu gần nhà tôi.
Thỉnh thoảng, nghe tin ba mẹ bạn ốm nặng hay ai đó mất, tôi bỗng rơi nước mắt vì nghĩ đến ba mẹ mình cũng ở tuổi gần đất xa trời. Chỉ mới cách đây chừng 5-6 năm, tôi còn cảm thấy thật thoải mái khi sống xa ba mẹ.
Ba mẹ tôi là người luôn hy sinh cả đời vì con cái nhưng điều này cũng vô tình khiến con cái cảm thấy áp lực. Vì yêu thương con hơn chính bản thân mình, nên ông bà thường suy diễn và lo lắng nhiều thứ. Thậm chí, đôi khi tôi còn không muốn nói thật về những gánh nặng của mình, vì sợ ông bà mất ngủ.
Thế nên, tôi thấy mình sống xa ba mẹ là một may mắn, đỡ áp lực cho bản thân mà cũng không phải giải thích với ba mẹ chuyện này chuyện khác.
Thế nhưng vài năm trở lại đây, thỉnh thoảng khi thức dậy buổi sáng, tôi bỗng muốn vứt bỏ hết để về sống cùng ba mẹ. Chưa bao giờ, tôi lại cảm thấy buồn khi sống xa ba mẹ như bây giờ. Rồi tôi nghĩ đến lúc ba mẹ tôi trở bệnh, tôi sẽ sắp xếp thế nào để có thể về nhà chăm sóc ông bà.
Tôi nói với chồng: “Khi nào ông bà ngoại bệnh, em sẽ về nhà sống vài năm. Lúc đó, anh phải chăm lo cho các con đó”. Chồng tôi nói: “Thì mình cùng về chăm sóc ông bà. Con cái mình học ở Đà Lạt cũng được chứ sao”. Tôi gật đầu.
Những người bạn cùng tuổi tôi khi ngồi với nhau đều nói rằng chúng tôi ít khi nghĩ về ba mẹ, cho tới khi có biến cố xảy ra, chẳng hạn như vợ chồng ly hôn hay ba mẹ bị bệnh nặng… Tôi cũng nghĩ nhiều đến ba mẹ từ sau khi ba tôi bệnh phải nằm viện cả tháng trời.
Tôi mạnh dạn thể hiện tình cảm của mình với ba mẹ hơn, một điều mà không phải người bạn nào của tôi cũng làm được. “Nhiều khi mình cũng muốn nói yêu thương ba mẹ lắm hoặc ôm hôn ba mẹ, nhưng ngại, không quen…”, bạn bè tôi nói, và tôi trước đây cũng vậy.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình hòa thuận, yêu thương nhau nhưng tình yêu thương chỉ thể hiện qua sự quan tâm, chăm sóc cho nhau, chứ hiếm khi thể hiện qua lời nói. Thế nên trước đây, tôi cũng không bao giờ nói “con yêu ba mẹ”. Tôi có thể mua món này món khác cho ông bà hoặc tặng một món quà yêu thương nhưng không bao giờ đủ can đảm để ôm hôn người sinh ra mình.
Sau này, với các con, tôi luôn tạo thói quen thể hiện tình cảm bằng lời nói và nụ hôn. Tôi vui vì các con luôn có thể nói “con yêu ba mẹ” bất cứ lúc nào, khi mẹ nấu một món ăn ngon, khi chơi đùa cùng nhau hay khi cả nhà đi ngủ. Với tôi, sự tự do trong thể hiện cảm xúc, niềm yêu thương của mình là cơ bản nhất để có được sự tự chủ và tự tin trong cuộc sống.
Những lần về thăm nhà gần đây, tôi đã dành thời gian nhiều hơn để nói lời yêu thương với đấng sinh thành. Buổi sáng, thay vì hẹn đi ăn sáng với bạn bè, tôi dậy sớm cùng ngồi uống trà với ba mẹ. Trời Đà Lạt buổi sáng sớm se lạnh, sương mù giăng tứ phía.
Mẹ tôi dậy nấu nước pha trà từ sớm để ba tôi thức giấc là có nước trà nóng uống ngay. Tôi thích uống trà trong thời tiết lạnh, trà thơm làm buổi sáng trở nên tinh khiết.
Rồi tôi đợi đến khi nắng lên, sương đã tan theo ánh nắng tươi mới rực rỡ, tôi bắc cái ghế dài, gội đầu cho ba mẹ. Lúc đầu, ông bà nói “thôi thôi” nhưng sau đó, khi nằm trên ghế và được tôi gội đầu khá… điệu nghệ, cả hai đều thể hiện niềm vui ra mặt. Ba tôi nói: “Cả đời giờ mới biết có con gái gội đầu thật sướng”.
Ba tôi vốn là người không hay thể hiện tình cảm bằng lời. Ông thậm chí bị cho là khó tính, vì thích gì muốn gì cũng không nói ra, riêng tôi là “con gái rượu” được ông cưng chiều từ nhỏ. Hồi đó, mỗi khi đi làm, đi nhậu, đi chơi đánh cờ với bạn, ông đều đưa tôi theo.
Lúc gội đầu, tôi mới để ý thấy khuôn mặt ba tôi ốm quá và có nhiều nốt đồi mồi. Tuổi già khiến ba tôi không còn nét phong độ của ngày trước, mới mấy năm gần đây thôi mà…
Ba tôi nằm im như một vị khách gội đầu “thứ thiệt”, còn mẹ tôi thì nói nhiều hơn: “Gãi chỗ đó cho mẹ… đúng rồi… gãi chỗ kia nữa… coi chừng nước vô tai…”. Tóc mẹ tôi bạc gần hết, tôi hay nói là “tóc muối tiêu” mà “muối nhiều quá không thấy tiêu đâu cả”.
Mẹ tôi trước còn chăm nhuộm tóc đen nhưng nay thì để cho bạc tự nhiên. Sau khi gội xong, tôi còn massage đầu cho mẹ để bà đỡ đau nửa đầu. Mẹ hỏi đùa: “Học nghề ở đâu vậy?”. Tôi cười thay cho câu trả lời.
|
Tôi từng khó khăn khi thể hiện tình cảm với cha mẹ. Ảnh minh họa |
Buổi tối, ba mẹ tôi nấu nước gừng ngâm chân, vì chân bị tê đau khó ngủ. Đây là thói quen nhiều năm sau khi chữa bệnh khớp không khỏi. Tôi nhúng tay vào nước gừng để xoa bóp chân cho ông bà. Bà kêu lên: “Coi chừng bỏng tay, nước gừng nóng lắm”. Tôi biết ông bà rất thích có người xoa bóp chân. Khi không có con bên cạnh, ông bà phải tự bóp chân cho mình để đỡ đau.
Những ngày về thăm nhà ngắn ngủi qua nhanh, thường là hai ngày cuối tuần, dài lắm là 3-4 ngày nếu tôi có thể nghỉ phép thêm. Thế nên, thời gian bên nhau, tôi thường cố gắng làm những việc mà lẽ ra tôi phải làm từ lâu. Như ôm ba mẹ chào tạm biệt và hôn lên khuôn mặt đầy nếp nhăn của ông bà.
Lần nào, khi chúng tôi dọn dẹp quần áo vào va-li, ba tôi đóng rau củ vào thùng hàng mang theo, mẹ tôi cũng kiếm cớ đi đâu đó quanh nhà để giấu nước mắt. Đúng là: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ”, vẫn thương như những ngày thơ ấu, vẫn không muốn xa dù chỉ một ngày.
Xuân Lộc