Sôi động hơn bao giờ hết
Thời trang siêu cao cấp, xa xỉ của xa xỉ (Haute Couture) gắn liền với những thiết kế may đo, tay nghề thủ công cao và thường chỉ dành cho giới siêu giàu trong những sự kiện quan trọng như lễ cưới, tiệc tối của giới thượng lưu, thảm đỏ…Mục tiêu Haute Couture hướng đến không phải là doanh số mà nhằm khẳng định tên tuổi thương hiệu cũng như minh chứng cho trình độ tay nghề.
|
2 mẫu đầm được ưa thích trong buổi trình diễn thời trang cao cấp của Valentino |
Các thiết kế này cần đến vài chục, thậm chí hàng trăm giờ chế tác thủ công và thường là duy nhất, không khác một tác phẩm nghệ thuật. Do đó, mức giá của chúng không hề rẻ. Ở đây không phải là con số vài ngàn hay chục ngàn USD cho một chiếc váy nữa. Mức giá ngót nghét ít nhất cũng chạm đến 40.000 hoặc 50.000 USD. Người sở hữu các thiết kế này dĩ nhiên lắm bạc nhiều tiền đồng thời cũng là một “tay chơi” thời trang có hạn.
Điều lạ là, trong bối cảnh suy thoái kinh tế lan rộng và chưa có dấu hiệu phục hồi, các nhà mốt xa xỉ đang trải qua một cuộc cách mạng lớn về bán hàng cũng như sản xuất, thị trường Haute Couture đắt đỏ vẫn cực kỳ sôi động với quy mô tăng trưởng chưa từng thấy. Bernard Arnault - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành LMVH - từng chia sẻ tại hội nghị báo cáo tài chính của tập đoàn: “Haute Couture là một thị trường nhỏ nhưng đang tăng trưởng ấn tượng. Vì ngày nay, những sản phẩm cao cấp nhất lại có nhu cầu cao nhất trên toàn thế giới”.
“Tại Dior Couture, chúng tôi không thể đáp ứng nhu cầu của tất cả khách hàng vì phải mất rất nhiều công sức để đào tạo thợ may có thể may được những chiếc váy Haute Couture. Công suất sản xuất của chúng tôi có hạn nên buộc phải hạn chế đơn hàng” - ông Arnault nói thêm. Đây cũng là chiến lược đang được nhiều thương hiệu áp dụng và thành công, điển hình là nhà Hermès và Chanel. Doanh thu quý I/2024 của Hermès tăng trưởng hơn 17% và tăng đều ở tất cả các ngành hàng - một con số đủ khiến bất kỳ nhà mốt nào thèm thuồng.
“Các bộ sưu tập (BST) đều được chăm chút tỉ mỉ và có số lượng lớn. Ngày càng có nhiều thiết kế đặc biệt và độc đáo” - Hélène Guillaume - Tổng biên tập tạp chí thời trang Le Figaro - bổ sung. Một trong những BST phải nhắc đến là Privé của Giorgio Armani với 92 thiết kế.
|
Thiết kế siêu xa xỉ đến từ nhà mốt Schiaparelli |
Dior và Chanel nhiều năm nay đã biến Haute Couture thành ngành mang lại lợi nhuận béo bở. “Khách hàng siêu giàu vẫn tiếp tục vung tiền. Thực tế, nhiều thương hiệu đã rục rịch chuyển hướng khi công bố đổi mới Haute Couture” - Luca Solca của Bernstein phân tích. Solca ước tính, trong năm 2024, doanh số bán hàng Haute Couture sẽ tăng ít nhất 10%.
Mùa Haute Couture 2024 có sự tham gia của 30 nhà mốt. Bên cạnh những thương hiệu quen thuộc như Dior, Chanel, Valentino và Schiaparelli… làng mốt còn chứng kiến cuộc tái xuất ngoạn mục đến từ Maison Margiela và Robert Wun, cùng những tên tuổi mới nổi như Peet Dullaert.
Các ngôi sao Hollywood, người có sức ảnh hưởng đổ xô đến xem các buổi trình diễn BST mới kéo dài suốt từ thứ Hai đến thứ Năm. Rất nhiều gương mặt trong đó là biểu tượng thời trang nhiều thế hệ; từ Zendaya, Jennifer Lopez, Rihanna, Natalie Portman, Glenn Close, Juliette Binoche đến Reese Witherspoon và Naomi Campbell…
Một trong những buổi trình diễn được mong đợi nhất mùa xuân hè 2024 là sự hợp tác của Simone Rocha với thương hiệu Jean Paul Gaultier. BST được thiết kế dựa trên 3 điểm cốt lõi Gaultier (hình xăm, áo nịt ngực và thủy thủ) kết hợp với nét nữ tính u sầu, giản dị vốn là đặc trưng của Rocha. 36 thiết kế là sự hòa hợp trọn vẹn của Rocha vào tinh thần của Jean Paul Gaultier mà vẫn giữ được nét riêng của thương hiệu.
Tại Fendi, Kim Jones khám phá sự tương phản giữa đơn giản và phức tạp. BST mở đầu với loạt thiết kế đơn giản, chủ yếu là màu đen. Sau đó, BST chuyển sang những thiết kế phức tạp trên chất liệu kim loại màu bạc. Điều thú vị là cả hai hòa quyện hướng đến chủ đề chung: không phô trương, tập trung vào tính thủ công và thực tế…
Giá trị của thời trang cao cấp, theo Vogue Business, một phần nằm ở hiệu ứng hào quang của nó. Haute Couture tạo nên tác động tích cực đến hình ảnh thương hiệu khi tôn vinh sự khéo tay của người thợ thủ công. Dòng sản phẩm này tinh tế đến mức chỉ một số ít thương hiệu được Fédération de la Haute Couture et de la Mode (Liên đoàn Thời trang cao cấp và Thời trang) cấp quyền thành viên mỗi năm.
|
Một số mẫu thiết kế mới nhất của Chanel |
Mặt khác, Haute Couture còn tạo tiếng vang quanh các bộ phim chuẩn bị bước vào đề cử của giải Oscar hằng năm khi các ngôi sao diện chúng trên thảm đỏ. Từ đây, thị trường thời trang may sẵn tiếp cận, bóc tách chúng để làm ra những xu hướng mới.
Dịch chuyển và thách thức
Mặc dù tăng trưởng nhưng các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy sự thiếu đa dạng của các thiết kế trên thị trường Haute Couture. Đây là dấu hiệu thích nghi trước tình hình kinh tế hiện tại. Tiziana Cardini của Vogue Runway nhấn mạnh, sự nhẹ nhàng là “chủ đề mùa này tại Chanel, tại Jean Paul Gaultier của Simone Rocha, Armani, Fendi. Ngay cả Valentino cũng ưu tiên sự thoải mái, dễ chịu của người mặc trong các hoạt động”.
Cardini cho biết, tại buổi trình diễn Valentino, Giám đốc sáng tạo Pierpaolo Piccioli đã biến các mẫu thời trang cao cấp thành những mệnh đề hiện đại, mang tính ứng dụng chứ không chỉ giải quyết vấn đề ăn mặc theo mùa. Maria Grazia Chiuri - Giám đốc sáng tạo của Dior - cho biết thời trang cao cấp vượt xa mọi nhu cầu sở hữu trong buổi xem trước BST Dior.
“Có những khách hàng có yêu cầu cụ thể cho một dịp cụ thể - váy cưới, buổi lễ quan trọng - nhưng phổ biến hơn là cho tủ quần áo của họ. Nó vượt thời gian”. Chiuri ví von dịp này chẳng khác nào bước vào phòng thí nghiệm để thử, học hỏi và tích lũy thêm nhiều ý tưởng mới.
Pamela Fiori - Tổng biên tập tạp chí Town & Country - nói: “Tin đồn về sự sụp đổ của thời trang cao cấp luôn rộ lên dù tốc độ tăng trưởng của chúng vẫn tăng vọt”. Dù vậy, theo Fiori, lượng khách hàng thời trang Haute Couture đang dần thu hẹp. Những boutique sang trọng từng phục vụ giới quý tộc châu Âu và hoàng gia Mỹ, như Jackie Kennedy và Elizabeth Taylor, trong những thập niên gần đây ngày càng hướng tới tầng lớp khách hàng thượng lưu tại Trung Đông và Nga.
Tuy nhiên, những phụ nữ từng mua Haute Couture giờ đã chuyển sang thời trang may sẵn nhiều hơn. Thêm vào đó, vì thời trang thay đổi quá nhanh, nhiều phụ nữ giàu có cảm thấy hụt hơi. Họ không còn đủ khả năng dành hằng tuần để mua nhiều phụ kiện cho một thiết kế cao cấp.
Một thách thức khác của ngành thời trang siêu cao cấp là số lượng các nghệ nhân lành nghề ngày càng ít đi. Hình ảnh những nhóm thợ lâu đời cặm cụi trong những xưởng may chật chội, khâu tay những dải sequin lấp lánh, những chùm hoa hồng kết bằng lụa… đang ngày càng ít đi. Một thiết kế đặc biệt có thể cần tới 500 giờ lao động chăm chỉ. Trong khi lứa thợ cũ mất đi, rất khó thu hút lứa thợ thủ công trẻ vào công việc lương thấp, điều kiện làm việc tồi tàn. Fiori nhấn mạnh chính điều này, không phải khủng hoảng kinh tế, mới đe dọa ngành thời trang cao cấp về lâu dài.
Trong nỗ lực bảo tồn kỹ năng của các nghệ nhân, Chanel không tiếc tiền mua lại một số công ty chuyên biệt mà hãng thường gia công. Fiori ví những ông lớn như Chanel chính là ngọn hải đăng hy vọng của Haute Coutre. Bà nói: “Tại thời điểm này, việc đầu tư, duy trì Haute Couture đồng nghĩa với cam kết lâu dài. Cho đến nay, vẫn rất ít nhà mốt sẵn sàng làm điều đó. Vì thế, chúng ta hãy trân trọng những thương hiệu chọn con đường khó đi này”.
Thư Hiên
Nguồn ảnh: Vogue Business