Điều kỳ diệu đã xảy ra: Một em bé đã được sinh ra hai lần!

23/10/2016 - 06:30

PNO - Để cứu sống đứa bé, các bác sĩ đã buộc phải phẫu thuật cho cô bé ngay từ giai đoạn bào thai, sau đó lại đặt bé vào tử cung người mẹ và khâu lại.

Đó là một quyết định vô cùng dễ dàng

Khi mang thai đứa con thứ ba, tại tuần thứ 16, Margaret Boemer đi siêu âm định kì và cô phát hiện điều gì đó không bình thường.

“Họ đã nhìn thấy một cái gì đó trên máy quét, các bác sĩ đến và nói với chúng tôi rằng có chuyện nghiêm trọng đã xảy ra với con của chúng tôi, bé có một u ác tính ở xương cụt”, người mẹ này nhớ lại. “Điều đó thật kinh khủng và đáng sợ vì chúng tôi không biết nó sẽ mang đến điều gì cho con của chúng tôi”.

“Đây là loại u thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh” - tiến sĩ Darrell Cass, giám đốc của Trung tâm Phụ sản và Trẻ em Texas đồng thời là người phẫu thuật cho chị Boemer cho biết.

Mặc dù vậy, trường hợp mắc phải u ác tính ở vùng xương cụt vẫn khá hiếm, với tỷ lệ 1/35.000 ca sinh.

“Trong một số trường hợp, bào thai có thể phát triển và sinh ra cùng khối u. Chúng tôi sẽ can thiệp, cắt bỏ nó sau khi đứa bé được sinh ra”, tiến sỹ Cass nói. “Nhưng phần lớn thời gian, khối u sẽ gây ra những vấn đề tiêu cực cho bào thai”.

Dieu ky dieu da xay ra: Mot em be da duoc sinh ra hai lan!
Hình ảnh siêu âm của chị Boemer.

Tiến sĩ giải thích rằng, khối u phát triển bằng cách lấy máu từ các mạch máu của bào thai nhưng đồng thời bé cũng đang phát triển. Vì vậy nên đây trở thành một “cuộc chiến” và “một khi khối u thắng, tim của trẻ sẽ ngừng đập trước khi được sinh ra”.

Mặc dù các bác sĩ khác đã khuyên người mẹ nên chấm dứt thai kỳ nhưng tiến sĩ Cass và nhóm của ông đã táo bạo đề ra một phương pháp khác: phẫu thuật thai nhi. Tuy nhiên, lựa chọn này sẽ không hề dễ dàng. Thậm chí, trong tình huống tồi tệ, cơ hội sống sót của bé là rất thấp.

“LynLee không có nhiều cơ hội”, Boemer nói, “lúc 23 tuần tuổi, khối u đã gây ra bệnh suy tim cho con, vì vậy chúng tôi phải lựa chọn, một là cho phép các khối u chiếm lấy cơ thể của con mình hoặc mang lại cho con một cơ hội sống”.

“Đó là một quyết định dễ dàng đối với chúng tôi: Chúng tôi muốn mang đến cuộc sống cho con của mình”, chị khẳng định.

Điều thần kỳ đã xảy ra

Tiến sĩ Cass và các cộng sự đã thực hiện cuộc phẫu thuật khẩn cấp kéo dài gần 5 tiếng khi chị Boemer đang mang thai được 23 tuần và 5 ngày tuổi. Tại thời điểm này, khối u gần như đã lớn hơn cả thai nhi.

Dieu ky dieu da xay ra: Mot em be da duoc sinh ra hai lan!
Bé chào đời rất khỏe mạnh.

“Phần phẫu thuật cho thai nhi chúng tôi làm rất, rất nhanh”, Cass nhớ lại, “chỉ mất khoảng 20 phút hoặc lâu hơn một chút”. Hầu hết thời gian là để mở tử cung của người mẹ.

"Chúng tôi không muốn sức khỏe của mẹ bầu bị hủy hoại", vị bác sĩ này giải thích rằng họ đã cố rạch và khâu thật cẩn thận để “tử cung của người mẹ càng chặt khít càng tốt”.

Tuy nhiên, tiến sĩ Cass cho biết, “để phẫu thuật được thai nhi thì phải rạch một vết rất lớn ở tử cung, vì vậy khi phẫu thuật, có lúc bé gần như là ‘treo trong không khí’.Và về cơ bản là thai nhi hoàn toàn nằm bên ngoài, nước ối đều tràn hết ra ngoài”.

Trong khi phẫu thuật, có thời điểm tim của LynLee đã “gần như ngừng đập”, nhưng nhờ có sự trợ giúp kịp thời của các chuyên gia tim mạch mà cuộc phẫu thuật vẫn diễn ra rất thành công.

Dieu ky dieu da xay ra: Mot em be da duoc sinh ra hai lan!
Bé và mẹ đã cùng chiến đấu vô cùng mạnh mẽ.

Nhóm phẫu thuật đã loại bỏ phần lớn của khối u rồi đặt LynLee lại tử cung của mẹ và khâu lại. “Đó thật sự như là một phép lạ khi chúng tôi có thể mở tử cung để phẫu thuật cho đứa bé và khâu nó lại như ban đầu”, tiến sĩ Cass cho hay.

“Mọi nỗi đau đều vô cùng đáng giá”

Sau ca phẫu thuật, Boemer đã phải nằm trên giường bệnh trong suốt 12 tuần còn lại của thai kì. LynLeen được chính thức chào đời “lần thứ hai”, lần này là sau một ca mổ thông thường và nặng gần 2,5kg.

Bé được đưa đến phòng chăm sóc khẩn cấp ngay lập tức, nhưng sau khi được kiểm tra, với các chỉ số hoàn toàn bình thường, bé được đưa về phòng thường.

Dieu ky dieu da xay ra: Mot em be da duoc sinh ra hai lan!
Bên mẹ và hai chị gái.

Những kiểm tra sau khi sinh cho thấy, cô bé có tình trạng sức khỏe ổn định. Vì vậy, 8 ngày tuổi, LynLee đã đủ sức khỏe để trải qua thêm một cuộc phẫu thuật nữa để cắt bỏ hoàn toàn phần còn lại của khối u mà trước đây các bác sỹ không thể làm được khi bé còn là một bào thai.

LynLee lại được chăm sóc trong lồng kính vài tuần sau đó, rồi được trở về với vòng tay của gia đình.

Dieu ky dieu da xay ra: Mot em be da duoc sinh ra hai lan!

“Bé vẫn là trẻ sơ sinh nhưng lại vô cùng kiên cường”, tiến sĩ Cass nói sau khi kiểm tra mọi chỉ số cho LynLee, và bé hoàn toàn khỏe mạnh.

“Đó là quãng thời gian hết sức khó khăn”, chị Boemer chia sẻ, nhưng khi được thấy bé cười đùa vui vẻ bên hai chị gái của mình thì đối với người mẹ này, “mọi nỗi đau đều vô cùng đáng giá”.

Khánh Linh (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI