Điều kiện nào để người dân Bình Thuận được đón về quê tránh dịch COVID-19?

24/07/2021 - 15:11

PNO - Người đăng ký được đón về Bình Thuận phải có hộ khẩu thường trú ở tỉnh, có giấy xét nghiệm âm tính và chấp thuận cách ly tập trung khi về đến.

Ngày 24/7, ông Lê Tuấn Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký kế hoạch đưa người dân Bình Thuận từ TPHCM và các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trở về.

Một khu vực đang bị phong tỏa ở Bình Thuận để phòng chống COVID-19. Ảnh: H.L
Một khu vực đang bị phong tỏa ở Bình Thuận để phòng chống COVID-19 - Ảnh: H.L

Theo đó, điều kiện tiếp nhận là người dân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bình Thuận, đang ở tại TPHCM và các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 có nhu cầu cấp thiết trở về tỉnh.

Người đăng ký trở về không ở trong khu vực đang phong tỏa, phải có giấy xác nhận hoàn thành cách ly (nếu thuộc đối tượng cách ly), có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được xét nghiệm trong thời gian từ 3 ngày tính đến ngày đón và chấp thuận cách ly tập trung khi trở về tỉnh, cam kết thực hiện các quy định của tỉnh và địa phương nơi cư trú về phòng, chống dịch COVID-19.

Đến trưa 24/7, Bình Thuận có thêm 31 ca nghi nhiễm COVID-19. Trong đó, thị xã La Gi 28 ca, gồm 26 ca trong khu phong tỏa, 1 ca F1 đã được cách ly, 1 ca là nhân viên y tế. Huyện Hàm Tân 3 ca trong gia đình có người về từ TPHCM.

Như vậy, từ 27/4 đến nay, Bình Thuận đã ghi nhận tổng cộng 212 ca mắc COVID-19

Đối tượng được ưu tiên lần lượt sẽ là người dân đi khám, điều trị bệnh và người nuôi bệnh trở về; Học sinh, sinh viên có điều kiện khó khăn, không có người thân tại TPHCM và các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16; Người có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn.

Dự kiến tổ chức tiếp nhận đợt 1 trong tháng 7/2021 và ưu tiên tiếp nhận người dân tại TPHCM. Căn cứ vào số lượng đăng ký và khả năng đáp ứng của tỉnh, UBND tỉnh sẽ quyết định số lượng tiếp nhận phù hợp theo từng đợt.

Về thủ tục, người dân Bình Thuận đăng ký qua các hình thức là gọi điện thoại trực tiếp hoặc gửi tin nhắn qua Zalo, kèm đầy đủ các thông tin cá nhân theo mẫu phiếu đăng ký được hỗ trợ về tỉnh và các giấy tờ có liên quan.

Trên cơ sở đăng ký của người dân, bộ phận tiếp nhận đăng ký kiểm tra, xem xét và phản hồi thông tin đến người dân về kết quả xác nhận, thời gian, lịch trình, địa điểm tiếp nhận

Người dân tự di chuyển từ nơi ở đến địa điểm tiếp nhận trước 60 phút theo thông báo lịch đưa đón để thực hiện xét nghiệm nhanh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, đủ điều kiện về sức khỏe và không có biểu hiện sốt, ho, khó thở sẽ được về quê.

Phương tiện vận chuyển từ địa điểm đón người dân về tỉnh chỉ chở tối đa 50% số ghế đăng ký/mỗi chuyến và bố trí hành khách ngồi đúng số ghế, xen kẽ giữa các hàng ghế, đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định. Xe chỉ được dừng tại 4 địa điểm đã được Công an tỉnh cho phép.

Trong suốt quá trình vận chuyển, người dân phải nghiêm túc thực hiện đúng quy định 5K của Bộ Y tế, mặc trang phục bảo hộ, hạn chế nói chuyện, không ăn uống, không khạc nhổ, vừt rác bừa bãi, làm đúng quy định của lực lượng điều hành xe.

Khi về tới Bình Thuận, người dân được lựa chọn cơ sở cách ly tập trung do UBND huyện, thị xã, thành phố quản lý hoặc cách lý tập trung tại cơ sở cách ly dịch vụ.

Nguồn kinh phí thực hiện sẽ từ 3 nguồn là ngân sách tỉnh về công tác phòng chống dịch COVID-19, nguồn vận động hợp pháp và người dân tự chi trả.

Bộ phận trực tiếp nhận đăng ký trở về Bình Thuận cho người dân

Ông Nguyễn Ảnh Hòa - số điện thoại: 085.417.4017

Ông Trương Ngọc Phụng - số điện thoại 085.517.4017

Ông Nguyễn Xuân Lộc - số điện thoại: 085.317.4017

Ông Nguyễn Thanh Dũng, số điện thoại: 085.817.4017

Ông Huỳnh Trần Trí Đức - số điện thoại: 085.917.4017

Phân công người phụ trách tiếp nhận đăng ký: Ông Trần Sinh Toàn - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận, số điện thoại: 091.901.1936.

Trường Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI