Điều kiện để TPHCM có chuỗi thực phẩm an toàn

23/10/2024 - 05:54

PNO - Để có nguồn thực phẩm an toàn phải xử lý từ gốc thay vì tăng kiểm tra giám sát và vận động người sản xuất ký cam kết đảm bảo chất lượng.

Tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong chuỗi cung ứng thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc” tối 22/10, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho biết, hiện có rất nhiều sản phẩm thực phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu đi khắp thế giới. Tuy nhiên, cũng nguồn thực phẩm này cung cấp cho thị trường nội địa thì lâu lâu lại phát hiện sản phẩm không đạt chất lượng và trở thành nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc.

Ông Nguyễn Phúc Khoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vissan thông tin về những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp trong việc thực hiện ứng dụng công nghệ vào truy xuất hàng hóa - Ảnh: Ngọc Thùy
Ông Nguyễn Phúc Khoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vissan thông tin về những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp trong việc thực hiện ứng dụng công nghệ vào truy xuất hàng hóa - Ảnh: Ngọc Thùy

Dẫn số liệu từ Bộ Y tế, ông Phương cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xuất hiện 36 vụ ngộ độc thực phẩm với số ca bị ngộ độc tăng hơn 1.000 người so với cùng kỳ, trong đó có những vụ ngộ độc lên đến hàng trăm người mắc và nhập viện...

Theo ông, việc số người ngộ độc tăng cao cho thấy vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm cần phải giải quyết từ gốc rễ thay vì chỉ kiểm soát tại ngọn là kiểm tra các điểm bán.

“Hiện nay, việc tăng cường giám sát lấy mẫu kiểm tra vẫn được làm liên tục nhưng cơ quan chức năng làm không xuể. Tuy nhiên, TPHCM đã nhìn nhận bản chất vấn đề từ đâu và để giải quyết phải làm từ gốc rễ”- ông Phương chia sẻ và cho biết, vào tháng 3/2024 thành phố đã triển khai chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TPHCM (còn được gọi là Tick xanh trách nhiệm) với sự tham gia của 8 nhà phân phối hàng đầu trên địa bàn.

Theo đó, Sở Công Thương TPHCM đang phối hợp cùng các bên liên quan xây dựng hệ thống dữ liệu, tiêu chuẩn đánh giá và bộ tiêu chí dùng chung của tất cả các đơn vị tham gia. Sản phẩm của các đơn vị này sẽ được xem xét đánh dấu "tick xanh" và được hỗ trợ ưu tiên từ các hệ thống phân phối lớn. Khi sản phẩm bị 1 hệ thống phân phối phát hiện vi phạm cam kết sẽ phát thông báo cho các hệ thống phân phối còn lại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ mất toàn bộ thị trường. Với cách làm này, ông Phương cho rằng khả thi và căn cơ hơn so với việc thanh tra giám sát thị trường như đang làm.

Là doanh nghiệp đang thực hiện theo cam kết “Tick xanh trách nhiệm”, ông Nguyễn Phúc Khoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) - cho biết để có sản phẩm an toàn, đảm bảo đúng cam kết thì phải thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Theo đó, từ 10 năm trước, Vissan đã ứng dụng công nghệ 4.0 để truy xuất nguồn gốc thịt sản phẩm tươi sống. Không riêng thực phẩm tươi sống, sắp tới Vissan sẽ áp dụng cho các sản phẩm chế biến như lạp xưởng, bò viên... để người dùng yên tâm về chất lượng khi mua sản phẩm.

Ông Khoa cho hay, quá trình thực hiện việc kiểm soát truy xuất nguồn gốc thời gian đầu rất gian nan, nhưng với sự nỗ lực của đơn vị, sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, tới nay đã thành công. Dù vậy, trở ngại lớn là việc thực hiện truy xuất này nếu chỉ TPHCM làm mà các địa phương khác không tham gia thì vẫn sẽ lọt sản phẩm không an toàn vào thị trường TPHCM. Ngoài ra, độ nhận biết của người tiêu dùng về sản phẩm an toàn chưa cao. Do vậy, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các bên liên quan để đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá chương trình, tăng độ nhận biết của doanh nghiệp, người tiêu dùng về chương trình này.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI